Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công an Việt Nam vào chiều 29/9 đã tổ chức hội nghị thông tin báo chí về dự án Luật Bảo đảm Trật Tự An toàn Giao thông Đường bộ đang được Quốc hội xem xét. Tại hội nghị, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông C08 đã cho biết một số điểm mới của dự án luật vừa nêu.
Trong đó, đáng chú ý nhất là nội dung cảnh sát giao thông với vòng bụng to sẽ không được giao nhiệm vụ điều tiết, xử lý vi phạm trên đường, mà sẽ được điều chuyển làm công việc văn phòng hoặc vị trí khác phù hợp hơn. Điều luật này sẽ được áp dụng cho cảnh sát giao thông cả nước nếu được ban hành.
Theo lời ông Đỗ Thanh Bình, Cục Cảnh sát giao thông sẽ nghiên cứu đưa ra các bài kiểm tra sức khỏe, năng lực, các tiêu chí về cân nặng, chiều cao và số đo vòng 2 của cảnh sát giao thông trước khi phân công làm nhiệm vụ ngoài đường.
Trao đổi với RFA tối 29/9, Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo từ Nha Trang đưa ra nhận xét về đề xuất mới của Cục cảnh sát giao thông như sau:
“Chuyện này đã có từ lâu, không chỉ có cảnh sát giao thông mà những ai bên lực lượng cảnh sát an ninh có giao tiếp với người dân thường xuyên mà bụng to thì trông rất phản cảm. Bây giờ đề xuất này đối với cảnh sát giao thông thì tôi thấy chỉ là một phần thôi và cũng nên như vậy bởi vì trông phản cảm lắm. Mình là người phục vụ người dân, nhiều người rất nghèo khổ mà người đầy tớ của nhân dân lại bụng to, to cao, mập mạp, ngoại hình như vậy gây phản cảm trong giao tiếp. Nếu có đề xuất đó thì tôi ủng hộ.”
Với góc nhìn cá nhân, bạn trẻ Thiên Minh cho rằng:
“Em nghĩ cái đó cũng hợp lý vì nếu một người cảnh sát giao thông bụng bự, cơ thể quá nặng nề thì khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra thì họ không thể nào chạy rượt đuổi hay truy bắt, đủ sức lực để thực hiện nhiệm vụ. Còn về thẩm mỹ thì người cảnh sát có tướng đẹp thì nhìn sẽ được hơn là một người bụng bự.”
Lời bạn Thiên Minh vừa nêu cũng được Cục phó Cục Cảnh sát giao thông C08 nói hôm 29/9 và được báo nhà nước Việt Nam trích dẫn nguyên văn như sau: “Cảnh sát bụng to sẽ gặp khó khăn trong những tình huống khẩn cấp như truy bắt tội phạm, giải cứu người gặp nạn hay giải quyết các công việc cần sức bền và sự nhanh nhạy.”
Theo Nhà hoạt động xã hội Trần Bang từ Sài Gòn, vì nội dung cảnh sát giao thông bụng to không được tham gia công tác trên đường là nội quy trong nội bộ ngành cảnh sát giao thông nên ông không có ý kiến. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ rằng vóc dáng và thể lực của người thực thi pháp luật cũng là yếu tố cần được chú trọng, bởi vì:
“Bụng to trông như ông quan rõ ràng là sinh hoạt bê tha, rượu, bia, ít tập luyện thể lực, những người như thế không đủ tư cách, không đủ sức khỏe là đúng. Đấy thì bất cứ đơn vị chuyên môn nào về lãnh vực mang tính chất kỷ luật phải dùng đến sức khỏe cũng như hình dáng và sự nhanh nhẹn giống như quân đội, công an hay biên phòng, hải quan. Rõ ràng những cái đấy rất quan trọng, vừa là hình dáng để thể hiện sự lành mạnh cũng như sự khỏe mạnh, nghiêm túc trong cuộc sống, đồng thời biểu hiện sức khỏe bởi vì vòng đo cũng là một trong những yếu tố đánh giá thể lực. Giả sử tôi ở ngành đấy thì tôi đã quy định lâu rồi chứ không phải bây giờ vì trông chướng tai gai mắt khi người lính bụng thì to, hách dịch, chỉ được hơn người khác bộ quần áo với cây gậy, quyền bắt nạt dân thôi chứ trông tệ hại và xấu lắm.”
Việt Nam không phải là nước đầu tiên hạn chế nhiệm vụ lực lượng cảnh sát do có vòng bụng lớn mà ở các nước như Thái Lan, Ấn Độ hay Indonesia được nói cũng đã áp dụng trước đây.
Truyền thông quốc nội dẫn nội dung buổi hội nghị tổ chức ngày 29/9 cho hay dự Luật Bảo đảm Trật Tự An toàn Giao thông Đường bộ đang được xây dựng có quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông thuộc về Bộ Công an, với quan điểm xây dựng luật lấy con người là trung tâm.
Theo bạn trẻ Thiên Minh, ý thức người dân tham gia giao thông đã được cải thiện trong thời gian gần đây do được tiếp cận với thông tin về luật lệ nhiều hơn:
“Em nghĩ tình hình giao thông Việt Nam hiện nay có khả quan tốt hơn những năm trước rất nhiều vì bây giờ mọi người vào một khuôn khổ luật lệ mới khắt khe, dân trí nâng cao, mọi người hiểu biết về luật nhiều hơn thì sẽ ít vi phạm giao thông. Giống như bây giờ ba em mà uống rượu là không dám lái xe đi về, phải đi taxi hoặc Grab.”
Trong khi đó, nhà báo Võ Văn Tạo lại có nhận định khác:
“Người dân đa phần không nắm được luật giao thông nên đi lại bừa bãi. Quy hoạch giao thông của Việt Nam cũng rất dở. Nói chung tình hình giao thông ở Việt Nam vẫn còn luộm thuộm, chưa đi vào nề nếp.”
Ông Võ Văn Tạo cũng đưa ra những sai phạm cả về phía người dân và cảnh sát giao thông ngày càng phổ biến, điển hình như những vụ việc tài xế khi bị lực lượng chức năng chặn xe đã không dừng lại mà tông thẳng người cảnh sát giao thông. Phía người tham gia giao thông đã phạm luật khi không dừng xe; tuy nhiên, nhiều người cho rằng cách yêu cầu dừng xe đang di chuyển của lực lượng chức năng cũng không đúng và nguy hiểm khi cảnh sát đu theo xe.
Phía Bộ Công an Việt Nam mới đây cho biết sẽ đề xuất tăng thẩm quyền cho người thi hành công vụ được sử dụng vũ khí để ngăn chặn tình trạng người dân chống đối cảnh sát giao thông thông qua những sự việc vừa nêu.
Theo nhà hoạt động Trần Bang, nếu có cách hữu hiện hơn trong việc quản lý giao thông là cần nâng cao nhận thức của cả người dân lẫn lực lượng công quyền:
“Luật giao thông theo tôi thì nếu được thực hiện nghiêm túc, đàng hoàng, minh bạch là tốt. Dù không hoàn hảo nhưng cứ thực hiện nghiệm túc, không lợi dụng việc thi hành nhiệm vụ để kiếm ‘bánh mì, chai nước’ thì rõ ràng là tốt. Còn nếu lợi dụng vị trí làm cảnh sát giao thông để núp lùm bắn tốc độ, đứng góc khuất chờ người ta vi phạm dọa nạt người ta hay một cách nào đó buộc người ta phải chi tiền hoặc tạo ra cái khó chịu. Vì vậy đây là do người thực hiện luật chứ không phải do luật.”
Theo lời Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông C08 nói trong buổi hội thảo 29/9, thời gian tới đây lực lượng này sẽ kiểm tra kiến thức của từng cán bộ cảnh sát giao thông với mục đích được nói nhằm phục vụ người dân tốt hơn, nâng cao năng lực của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ trên đường phố.