Siết xe cá nhân để giảm ùn tắc: Khó đủ thứ!

Chính phủ vừa ra chỉ thị đốc thúc các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM phải nhanh chóng thúc đẩy chính sách hạn chế xe cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông. Một số người dân tỏ ra đồng tình với chủ trương trên nhưng yêu cầu chính phủ phải có những giải pháp đi kèm.

Sẽ ủng hộ, nếu…

Ông Thịnh, một người dân Hà Nội cho biết ông sẵn sàng sử dụng phương tiện công cộng nếu mạng lưới giao thông công cộng thuận tiện và an toàn cho hành khách:

“Nếu xe buýt mà thuận tiện thì tôi sẽ đi bằng xe buýt thì tội gì đi bằng xe nhà. Phương tiện công cộng tiết kiệm được tiền cho gia đình vừa khỏi lo lắng chuyện gửi xe vừa an toàn…”

Tuy nhiên, ông Thịnh nói, với thực trạng hệ thống xe công cộng như hiện nay mà chính phủ vẫn quyết hạn chế xe cá nhân, sẽ khiến đời sống người dân khó khăn hơn rất nhiều. Ông giải thích:

“Hiện nay khi mà những phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân thì tôi đang rất băn khoăn là không biết vào thời gian tới khi mà người ta hạn chế phương tiện cá nhân thì tôi sẽ di chuyển đi làm kiểu gì, bằng phương tiện gì. Ví dụ hiện nay, muốn đến trạm xe buýt gần nhất tôi phải đi bộ từ một cây rưỡi đến hai cây số, nó không hề tiện cho người dân.”

Do đó, theo ý kiến của một người dân thủ đô, ông Thịnh cho rằng việc hạn chế phương tiện cá nhân trong khi chưa có phương án thay thế rõ ràng là bất khả thi.

Bà L, hiện đang sống ở TPHCM, yêu cầu được giấu danh tính, cũng cho biết đồng tình với quy định hạn chế xe cá nhân nhưng, hiện theo bà L. người dân chưa thể lựa chọn đi phương tiện công cộng vì rất bất tiện:

“Tàu điện thì chưa có, còn xe buýt thì không an toàn. Vệ sinh trên xe buýt rất kém, tệ nạn, chen lấn, móc túi nhiều xảy ra thường xuyên nên tôi cũng rất ngại mỗi lần đi buýt.”

Ngoài ra, theo bà L, chính phủ cần phải có một lộ trình với những phương pháp phù hợp để hạn chế xe máy mà không ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là những người mưu sinh bằng phương tiện cá nhân như shipper, xe ôm…

Vào tháng 4/2022, Chính phủ đã yêu cầu năm thành phố lớn bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TPHCM nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế xe máy phù hợp hạ tầng và năng lực vận tải hành khách công cộng. Các thành phố này sẽ tiến tới hạn chế hoặc cấm hẳn xe máy ở một số quận nội đô sau năm 2030. 

Theo mạng báo VnExpress, Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện các loại, trong đó có 5,6 triệu xe máy, 600.000 ô tô, còn lại khoảng hai triệu phương tiện vãng lai.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ cấm xe máy ở một số quận nội đô sau năm 2025. Đến sau năm 2030, thủ đô sẽ dừng cho lưu thông xe máy ở khu vực nam sông Hồng và bắc sông Hồng.

Đối với TPHCM, xe máy sẽ bị hạn chế ở các quận trung tâm vào năm 2025. Đến năm 2030 sẽ mở rộng ra các quận ngoại thành như Thủ Thiêm, quận 7…

Hệ thống giao thông công cộng được nâng cấp

000_Q921B.jpeg
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông liên tục chậm tiến độ. Ảnh: AFP

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam, cho rằng chủ trương giảm xe cá nhân là phù hợp với xu thế và lợi ích của người dân và đây là giải pháp hữu hiệu để giảm tình trạng ùn tắc, kẹt xe đang diễn ra rất nặng nề ở các thành phố lớn.

Tuy vậy, ông Hợp cho rằng, hệ thống giao thông công cộng hiện nay chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu đi lại của người dân, nên chính phủ VN cần phải thực hiện một số giải pháp như nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, cải thiện năng lực quản lý hệ thông giao thông công cộng; hoặc chính phủ cũng có thể nâng các loại thuế phí liên quan đến phương tiện cá nhân để người dân bớt mua xe.

Mặc dù vậy, theo ông Hợp, để thực hiện được những giải pháp trên, không dễ. Ông nói tiếp:

“Người ta chỉ hạn chế khoảng 20% thôi, chứ cao hơn như 50% hay 70% là không hạn chế được.

Thế nhưng nó sẽ rất khó, ở chỗ là thứ nhất lấy đâu ra nhiều tiền để đầu tư. Thứ hai là làm sao để xây dựng được một hệ thống quản lý giao thông công cộng đô thị tốt là rất khó. Thứ ba là phải nâng cao nhận thức của từng người dân, từng cá nhân để người ta tự nguyện hạn chế đi lại bằng phương tiện cá nhân.”

Bộ Giao thông vận tải hiện cũng đang yêu cầu các địa phương phải xúc tiến nhanh các dự án giao thông đô thị, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt, cần chú trọng đẩy nhanh hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và TPHCM, khuyến khích nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phù hợp với điều kiện của từng địa phương…

Với các phương án trên, ông Thịnh –người con thủ đô Hà Nội – tỏ ra không mấy lạc quan, vì:

“Tôi từng chứng kiến rất nhiều dự án hạ tầng giao thông ở Hà Nội đắp chiếu nhiều năm.

Như đường sắt trên cao hơn chục năm mới xong đúng một tuyến đường Cát Linh – Hà Đông; Rồi dự án xe buýt nhanh BRT giờ cũng phá sản luôn rồi.

Tôi nghĩ rằng dự án đó đề án đó chỉ là mục tiêu đề ra để báo cáo lấy thành tích mà thô, còn việc thực thi trên thực tế được hay không là một câu chuyện khác.”

Related posts