Siêu bão Yagi sắp đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, người dân tích trữ lương thực

Nhiều địa phương ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ đang tích cực chuẩn bị để đối phó với Cơn bão số 3 tên quốc tế là Yagi được dự báo sẽ tràn vào hai khu vực này với sức gió có thể lên đến cấp 16.

Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia trong bản tin lúc 15 giờ ngày 6/9, cho biết vị trí tâm bão đang cách tỉnh Quảng Ninh khoảng 435km về phía Đông, sức gió mạnh nhất: Cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.

Một số người dân ở hai tỉnh Nam Định và Thái Bình mà phóng viên Đài Á Châu Tự Do liên hệ được cho hay, có mưa lớn trong đêm 05/9 và sáng 06/9.

Uỷ ban Nhân dân các tỉnh thành đã ban hành công văn khẩn yêu cầu chính quyền và dân chúng ở quận/huyện và xã/phường thực hiện các biện pháp phòng chống bão nhằm bảo vệ tài sản và tính mạng của dân chúng cũng như giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Ở hầu hết các địa phương dự báo có bão đi qua, học sinh đã được nghỉ học từ chiều thứ Sáu. Có địa phương như Nam Định, Thái Bình và Hà Nội, học sinh đến lớp buổi sáng và được nhà trường cho về nhà ngay.

Bà Trần Thị Phượng, một cán bộ hưu trí ở xã Trực Cát, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, nói với RFA trong tin nhắn vào trưa 6/9:

Sáng này ở (xã) Trực Cát mưa to lắm. Người dân trong xã cũng có ý thức phòng chống vì truyền thông địa phương đưa tin cơn bão này lớn nhất trong hơn 20 năm qua.

Những nhà mái bằng kiên cố thì thôi, còn những nhà mái ngói và mái tôn thì được chủ nhà sử dụng dây thép và thừng chão buộc lại.

Người người tích trữ thực phẩm và rau xanh khiến khan hiếm và giá cũng cao hơn ngày thường vài giá.

Ông N., một người làm dịch vụ vận chuyển du lịch ở xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định cho hay do lo sợ mưa bão mà nhiều khách hàng đặt xe của ông đã huỷ chuyến đi xa trong mấy ngày tới.

Tuy nhiên, ông vẫn có một vài chuyến vận chuyển đi về trong ngày và cả ngày mai. Các đồng nghiệp của ông cũng chịu chung cảnh ngộ bị khách hàng huỷ hợp đồng như vậy.

Ông cho biết hôm nay ông có chuyến đi Hải Phòng, khi đi qua các huyện Vũ Thư, Đông Hưng, Quỳnh Phụ của Thái Bình dọc Quốc lộ 10, ông thấy chính quyền và người dân ở đây cắt tỉa cây rất nhiều để đề phòng cây đổ cây gãy vì bão. Tuy nhiên, ông nhận thấy việc cắt tỉa cây ít thấy ở Nam Định dọc trên đường đi.

Ông nói với RFA khi vừa trở về nhà:

Thái Bình có vẻ là chặt cây chặt cối nhiều lắm mà Nam Định thì bình chân như vại, có vẻ thờ ơ lắm.

Chính quyền (Nam Định- PV) đợt này cũng không cảnh báo mạnh. Mọi lần, đài phát thanh địa phương rang rang đọc tin chống bão, còn lần này Nam Định có vẻ thờ ơ.”

Tuy nhiên, Facebooker Tô Xuân Huy Hoàng ở thành phố Nam Định cho hay Công ty cây xanh thành phố cũng cho người đi tỉa bớt cành cây dọc theo các con phố trong mấy ngày qua.

Bà Nguyễn Thanh Thuý trú ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho hay thời tiết ở địa phương mình hiện giờ trời âm u và gió nhẹ.

Do nhà đã xây kiên cố hai tầng nên gia đình bà không lo lắng gì nhiều về mưa bão, và “trong nhà có sẵn gạo và dầu rồi nên không chuẩn bị gì thêm.” Tuy nhiên, nhiều người ở địa phương mua nhiều thực phẩm và rau xanh để phòng xa nên những người chậm chân thì không mua được gì vì cháy hàng.

Một số người dân ở huyện Giao Thuỷ cho hay như trước mọi cơn bão khác, chính quyền địa phương đã yêu cầu ngừng hoạt động các phà như Cồn Nhất, Cồn Nhì và Ngô Đồng sang Thái Bình để bảo đảm an toàn, khiến việc đi sang Thái Bình cũng khó khăn hơn, thay vì đi phà phải chuyển sang đi đường bộ dài và tốn nhiều thời gian hơn.

Báo VietnamNet đưa tin tuy bão chưa đến Việt Nam nhưng trận mưa lớn kèm theo gió mạnh trong đêm 05/9 khiến nhiều cây cổ thụ trên địa bàn phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hoá bị đổ xuống đường, đè lên ô tô đang đỗ và người đi xe máy. Lực lượng cứu hộ đã tới hiện trường cắt cây, đưa người gặp nạn đi cấp cứu. 

Chiều 05/9, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có công điện yêu cầu cấm biển từ trưa ngày 6/9 cho đến khi không còn ảnh hưởng của bão Yagi (bão số 3).

Vì mưa bão nên khách du lịch không đến Sầm Sơn, khiến nhiều nhà hàng và khách sạn ở đây rơi vào cảnh vắng khách. Bà Cao Thị Hằng, chủ nhà hàng Cao Thắng ở bãi biển này cho biết RFA cơ sở ăn uống của bà không tránh khỏi tình trạng chung, phần vì thời tiết xấu, phần vì cũng đã cuối mùa du lịch.

Related posts