Việc Tòa án Việt Nam và nhà cầm quyền quyết định xét xử kín trong phiên tòa sơ thẩm với blogger, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho thấy “nhà nước cộng sản Việt Nam không muốn mất mặt” trước quốc tế và dư luận, một nhà quan sát chính trị và nhân quyền Việt Nam nêu quan điểm từ CHLB Đức.
Hôm 12/4/2023, trong lúc đang diễn ra phiên sơ thẩm nói trên với kỹ sư Nguyễn Lân Thắng tại Hà Nội, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bình luận với Đài Á Châu Tự Do:
“Việc phiên tòa được xét xử kín ở Tòa án Nhân dân TP Hà Nội là một điều rất kỳ lạ, vì từ xưa đến nay, với các vụ án liên quan đến chính trị dưới chế độ này, chưa bao giờ có một phiên tòa nào xét xử kín cả.
“Bởi vì tất cả những tài liệu mà anh Nguyễn Lân Thắng bị cáo buộc là tuyên truyền chống lại nhà nước cộng sản Việt Nam đều được công khai trên mạng xã hội và đều không có bất kỳ tài liệu nào liên quan bí mật quốc gia, thế nhưng ở đây lại quyết định tổ chức một phiên xét xử kín.”
Ông Đài cho biết theo các thông tin ông có được trước phiên xử này, rất nhiều quan chức ngoại giao của các đại sứ quán của các nước tại Hà Nội có đề nghị phía Việt Nam cho phép họ tham dự phiên tòa này.
Ông cho rằng, có thể đây là lý do mà Chủ tọa phiên tòa quyết định xử kín vụ án để né tránh việc tham dự của các quan chức ngoại giao nước ngoài trong phiên xử ông Thắng.
Về lý do của việc né tránh, luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định những sự thật trong phiên tòa có thể khiến chính quyền mất mặt với quốc tế:
“Bởi vì những bài trả lời phỏng vấn của anh Nguyễn Lân Thắng với các cơ quan truyền thông, báo chí quốc tế bằng tiếng Việt rất công khai. Mọi người đọc đều thấy rất bình thường, không có vấn đề gì, những vấn đề mà anh Thắng nêu lên đều là những vấn đề xảy ra trong thực tế ở Việt Nam.
“Anh chỉ đưa quan điểm của anh về những vấn đề và sự kiến ấy như thế nào, mà chiếu theo quyền tự do ngôn luận, thì đó là một quyền rất bình thường thôi.
“Nhưng khi xử kín như vậy, các quan chức ngoại giao nước ngoài sẽ nghe được bên công tố công bố những tài liệu như vậy, rồi nghe được bên luật sư bào chữa và quan điểm của anh Thắng, cũng như của Chủ tọa phiên tòa, thì đương nhiên phía cộng đồng quốc tế sẽ đánh giá đây không phải là vấn đề vi phạm pháp luật, mà chỉ thấy ở đây có yếu tố chính trị ở trong vụ án này mà thôi.”
Ngay cả theo dõi qua màn hình cũng không áp dụng
Trước đây, nhiều phiên tòa xét xử giới bất đồng chính kiến, hay các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và vận động cho xã hội dân sự ở Việt Nam, khi đại diện giới chức ngoại giao quốc tế được phép tham gia, chính quyền có thể bố trí cho các quan khách này theo dõi qua một kênh và không gian đặc biệt, như có thể theo dõi qua màn hình tường thuật trực tiếp ngay bên trong khu vực xét xử của tòa, Luật sư Nguyễn Văn Đài nói thêm vì sao ngay cả hình thức theo dõi hạn chế này cũng không được chính quyền Việt Nam áp dụng tại phiên xử ông Nguyễn Lân Thắng:
“Tôi được biết, ngay sau những phiên xử trước đây mà các cơ quan ngoại giao nước ngoài được tham dự, ngay sau buổi tham dự đó, các quan chức bao giờ cũng có bản báo cáo về cơ quan ngoại giao của họ ở các nước.
“Và trong lần đối thoại nhân quyền, họ thường hay đưa ra những vụ án mà được các quan chức ngoại giao tham dự và đánh giá rằng với những gì họ biết về pháp luật Việt Nam, hay những gì mà chính quyền Việt Nam gọi là ‘chứng cứ vi phạm pháp luật’ của các nhà hoạt động đối lập, thì quốc tế không coi đó là vi phạm pháp luật.
“Cho nên chính quyền Việt Nam không muốn chính phủ các nước có được thêm những bằng chứng về việc chính quyền Việt Nam đã coi việc những nhà hoạt động ở Việt Nam hoạt động về nhân quyền là những vấn đề chính trị. Tức là họ không muốn có thêm những bằng chứng bất lợi cho họ trong vấn đề quan hệ quốc tế.”
Ông Đài từng có nhiều năm hành nghề luật sư ở Hà Nội và từng bảo vệ nhiều vụ án nhân quyền và tôn giáo trước khi bị bắt giam và kết án hai lần về các tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước” và “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Năm 2018, khi đang thụ án 15 năm tù giam cho bản án thứ hai ông được phép rời khỏi trại giam và đi tị nạn chính trị tại CHLB Đức.
Kết quả của phiên tòa có thể như thế nào?
Từ kinh nghiệm quan sát của bản thân và về chính trị Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định, vụ án và phiên xử các nhà bất đồng chính kiến thường chịu những áp lực rất lớn từ các cơ quan ngoại giao nước ngoài và quốc tế đối với chính quyền, ông nói:
“Đặc biệt như ngay trong phiên xử sơ thẩm của tôi, đã có tới sáu, bảy đại diện sứ quán các nước được phép tham dự và họ cũng đã có những áp lực rất mạnh mẽ.
“Hay là trong phiên xử với chị Phạm Đoan Trang cũng như vậy, rất nhiều cơ quan đã tham dự phiên tòa đó, và chị Phạm Đoan Trang còn bị tuyên mức án vượt trên mức mà ban đầu được đề nghị bởi Viện Kiểm sát của Việt Nam.
“Thế cho nên từ đầu tôi không có một chút hy vọng nào là nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng có thể sẽ được chính quyền trả tự do, hay mức hình phạt sẽ ở mức thấp hơn so với những nhà hoạt động trước đây đã từng bị kết án,” ông Đài nêu góc nhìn của mình.
Ông Nguyễn Văn Đài, hiện là một nhà bình luận chính trị Việt Nam, hy vọng các luật sư dày dạn kinh nghiệm trong các phiên tòa xử người bất đồng chính kiến đang bào chữa cho ông Thắng sẽ được thực thi đầy đủ chức năng của mình tại phiên tòa, để qua đó Hội đồng xét xử có thể có một cách nhìn khách quan và công bằng hơn trong vụ án này.
“Song, tôi cũng phải nói thêm rằng Hội đồng xét xử lại không có quyền quyết định mức án mà ở đây là với ông Nguyễn Lân Thắng phải chịu, bởi vì trong tất cả những vụ án chính trị, mà bằng kinh nghiệm của tôi, và bằng tất cả những gì trong thực tiễn đã xảy ra trong nền chính trị ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ vừa qua, mức án dành cho những nhà hoạt động đối lập đều do cơ quan an ninh của Bộ Công an quyết định trước.
“Còn tất cả những gì diễn ra tại phiên tòa chỉ là một vở kịch mà thôi, mà trong đó người đạo diễn, cũng như người viết kịch bản là Bộ Công an của nhà nước cộng sản Việt Nam,” luật sư Nguyễn Văn Đài nêu quan điểm riêng từ CHLB Đức.