Sơ thẩm vụ ‘Chuyến bay giải cứu’: càng xử càng bộc lộ bất cập của chế độ

Phiên tòa sơ thẩm vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’ càng xét xử càng bộc lộ các bất cập của chế độ. Qua đó cho thấy những “ổ tội phạm trầm trọng” nằm trong chính các ngành thực thi và bảo vệ pháp luật ở Việt Nam, mà cụ thể là ngành công an. Nạn tham nhũng quan chức ‘cùng cực’ trong chế độ, tuy nhiên phiên tòa chỉ mang tính ‘trình diễn’, mà không có chỉ dấu cho thấy công lý sẽ đụng tới quan chức ở tầng cao nhất trong ban lãnh đạo của đảng và nhà nước phải chịu trách nhiệm trong việc giao quyền lực nhà nước cho các cá nhân, tập thể quan chức, bộ ngành thực hiện các chuyến bay này. Đó là các ý kiến từ giới quan sát trong và ngoài Việt Nam nêu quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do trong dịp này.

Trước hết, các ý kiến quan sát dành sự chú ý và bình luận về diễn biến tại tòa án liên quan một bộ phận của nhóm tội phạm là cựu quan chức trong ngành công an, mà được cho là có những lời khai trái ngược, cực kỳ mâu thuẫn nhau trước Hội đồng Xét xử.

Hôm 21/7/2023, truyền thông chính thống Việt Nam loan tin tòa đã cho công bố bằng chứng hình ảnh qua video về việc một bị cáo chính trong nhóm cựu quan chức Bộ Công an đã có hành vi được cho là ‘nhận tiền hối lộ’ để ‘chạy án thế nào’. Báo Thanh Niên, hôm thứ Sáu cho hay “Tại phiên tòa “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội, tiếp tục khẳng định đã đưa tiền cho bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên của Bộ Công an, để “chạy án”, nhưng ông Hưng vẫn không thừa nhận;” và cũng vẫn theo báo này, tuy “cơ quan tố tụng xác định ông Tuấn chuyển 800.000 USD (hơn 18 tỉ đồng) cho bị cáo Hưng và xác định bị cáo Hưng lừa đảo chiếm đoạt số tiền này. Số còn lại khoảng 43 tỉ đồng chưa được làm rõ ở đâu, ai đang giữ.” (1)

Bình luận về việc mâu thuẫn trong lời khai giữa các bị cáo cựu quan chức ngành Công an thuộc Bộ Công An và Công An TP Hà Nội này, đặc biệt về vấn đề dường như Hội đồng Xét xử đang gặp khó khăn trong việc ‘xác lập chứng cứ’ để khép tôi và tuyên án với các bị can cựu công an này, trước hết, từ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cựu Hội thẩm nhân dân với kinh nghiệm làm việc cả chục năm ở tòa án cấp địa phương trước đây, nhà báo Võ Văn Tạo bình luận với RFA Tiếng Việt:

“Ông Tuấn và ông Hưng mâu thuẫn nhau về lời khai, việc ấy cũng là thực tế thôi, chuyện ấy không phải quá hi hữu đối với những vụ án như thế này, chỉ có (điều có) những người mà người ta gọi là ‘lọc lõi’ trong nghề điều tra như là ông Hưng, song tôi cho rằng ông này lọc lõi nhưng không phải là khôn ngoan. Bởi vì các bằng chứng khác đã phơi bày rồi, bản thân chối, không nhận gì cả, thì chính ông Hưng ‘tưởng bở’ rằng cứ từ chối, khước từ, không nhận tội là không sao, nhưng tòa người ta vẫn xét xử, và tôi cho rằng việc đó (mâu thuẫn) là cũng chấp nhận được, chứ không đến nỗi gì là vô lý.

Nhưng tôi cho rằng ông Tuấn không thể nào mà ‘không ăn gì’ trong vụ này, thậm chí ‘ăn một khoản’ cũng kha khá lớn, chứ không ít, chứ không phải là vì ‘thương đồng đội’, hay là ‘thương em gái’, mà ‘làm vô tư, không hưởng thù lao’ trong vụ này. Tôi tin rằng ông Tuấn ‘có phần’ trong vụ này. Tôi cho rằng ông Tuấn cao thủ hơn ông Hưng, ông biết rằng không thể nào chối tội được, nên ông tỏ ra thái độ ‘mềm mỏng, chân thành’; khôn ngoan hơn ông Hưng. Ông Hưng, tôi cho rằng ông ấy tưởng rằng ông ấy khôn, nhưng xử lý như thế không khôn ngoan đối với cá nhân của ông ấy.”

Theo vị cựu Hội thẩm nhân dân Võ Văn Tạo, trong khi tất cả các nhân chứng, vật chứng, những lời khai thác được cho là ‘đều chứng minh’ rằng cựu điều tra viên, Bộ Công an Hoàng Văn Hưng ‘có tội’, bị cáo này liên tục bác bỏ nên sẽ không được tình tiết ‘giảm nhẹ’, còn bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Thiếu tướng, Phó Giám đốc CA TP. Hà Nội đã tỏ ra ‘khôn ngoan hơn’ vì biết ‘không thể che dấu’ được hành vi phạm tội, nên có thể sẽ được hưởng lợi từ tâm lý của những người xét xử, mà theo ông Tạo thì “thường hay nghiêng về những người có vẻ thành khẩn” trước tòa. Còn theo truyền thông Việt Nam hôm 21/7, ông Nguyễn Anh Tuấn được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao của Việt Nam đề nghị xét giảm một năm, và sau khi bị cáo này đề nghị gia đình nộp tiền để ‘khắc phục’, đã được đề nghị trả hoàn trả lại tiền, vàng, tài sản có số lượng lớn, báo Tiền Phong online cho biết chi tiết:

“Sau phần luận tội, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội đã tác động gia đình nộp khắc phục toàn bộ hậu quả với số tiền 1,85 triệu USD, do đó, Viện kiểm sát đề nghị giảm án cho bị cáo này. Còn ông Tuấn đề nghị được trả lại 210.000 USD, 146 miếng vàng.” (2)

anh hcm và cờ đảng pano ở hà nội afp.jpeg
Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cờ đảng trên một pano ở Hà Nội. Ảnh AFP

Tòa quyết tìm công lý ‘đến cùng’ hay tùy thuộc vào đảng quyết định?

Bình luận liệu tòa có thể làm sáng tỏ được thêm các hành vi phạm tội trong vụ việc hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ này và không để xảy ra việc lọt người, lọt tội hay không, ông Võ Văn Tạo nói:

“Không thể biết được, cái này có thể do quyết tâm điều tra đến cùng của cơ quan điều tra đối với hai ông này, đặc biệt là đối với ông Tuấn. Vì vụ án này rất là lớn, đụng chạm đến nhiều bị cáo và có rất nhiều tình tiết phức tạp, nên người ta khó lòng có thể làm cho công tác điều tra, truy tố có thể hoàn bị được, cho nên còn tùy vào quan điểm của cơ quan điều tra, của tòa án để mà người ta tiếp tục truy vấn đến cùng, hay là chỉ đến thế, cho rằng cơ bản như thế là tạm được và họ chấp nhận như thế thôi.”

Từ góc nhìn trên quan điểm cá nhân của mình, Luật sư Lê Quốc Quân từ Hoa Kỳ nói với Đài Á Châu Tự Do:

“Mâu thuẫn ở trong lời khai là một điều thường xuyên xảy ra và nó xảy ra rất nhiều, bởi vì tất cả các tội phạm đều có tính gọi là muốn bảo vệ cho chính mình, cho nên sử dụng tất cả những lời khai có lợi cho chính cá nhân của mình mà thôi. Ngược lại, phía bên kia cũng tận dụng tất cả những lời khai, ví dụ chỉ có một sự thật thôi, nhưng luôn luôn được nhìn từ hai góc độ khác nhau, các cá nhân luôn nhìn các góc độ khác nhau và đưa ra những lời khai có lợi cho mình và dẫn đến mâu thuẫn là chuyện bình thường.

Nhưng ở Việt Nam, thay vì mâu thuẫn đó được đi tìm một cách xác thực bằng các phương tiện, công cụ, các lý luận, tư duy, về cả mặt tâm lý, lẫn cả mặt thực chứng, thể chất, về mặt tâm lý học nữa…, thì ở Việt Nam là chỉ đạo. Ở Việt Nam, quan điểm của người ta là chỉ đạo: chỉ đạo đánh án như thế này, là người ta đánh án như thế này, chỉ đạo làm cho nó phình to ra là nó phình to, và chỉ đạo làm cho nó nhỏ lại là nhỏ lại, chỉ đạo phải ‘diệt’ người này, thì lấy hết những lời khai của người nọ để ‘diệt’ người này. Tất cả phiên tòa này, kể cả những ai đó nói là đấu nhau rất gay gắt trước tòa, nhưng đó chẳng qua cũng là chấp nhận hay không và nhìn nhận nó dưới góc độ nào là hoàn toàn do tòa. Tòa có thể biết đấy, nhưng tòa ‘làm ngơ’, tòa không bao giờ đi đến cùng để tìm công lý cả. Nó không phải là một cuộc chạy đua để tìm kiếm công lý và tranh luận giữa hai bên dựa vào chứng cứ hay dựa vào lời khai. Báo chí nói như vậy thôi, nhưng mâu thuẫn như vậy ai cũng biết, rõ ràng sờ sờ tất tật, nhưng mà người ta vẫn làm theo chỉ đạo. Người ta hoàn toàn nhìn nhận nó dưới góc độ là đảng muốn nhìn nó như thế nào, muốn ‘diệt’ ai, muốn tôn vinh ai, muốn tha ai, hay là muốn bắt ai.”

Từ CHLB Đức, cũng trên quan điểm riêng của mình, Luật sư Nguyễn Văn Đài bình luận với RFA:

“Theo tôi hiểu, bị cáo Hoàng Văn Hưng này hoàn toàn dựa vào bản lĩnh nghề nghiệp của ông ta, ông từng là một điều tra viên rất sành sỏi, rồi ông ta lên đến chức Trưởng phòng 5 của Cục An ninh Điều tra, thì không phải là người non nớt gì về kinh nghiệm cả, cho nên việc ông ta tự tin rằng với những lời khai của ông ta, và với những gì ông ta che đậy hành vi phạm tội của mình, thì ông ta hoàn toàn không hề hấn gì, nhưng cuối cùng Viện Kiểm sát vẫn luận tội và vẫn đưa ra cho ông ta mức án rất cao so với ‘tội lừa đảo’, mức hình phạt cao nhất dành cho ‘tội lừa đảo’ là chung thân, mà ông ta bị đề nghị mức án từ 19-20 năm, tôi cho rằng ông ta đã bị mức án gần kịch khung rồi. Ông ta đã bị mức hình phạt khá cao như vậy, thì cho dù ông ta đã thực hiện tất cả những biện pháp nghiệp vụ, với tất cả những kinh nghiệm trong suốt nghề nghiệp điều tra viên của mình, để chứng minh rằng ông ta không có hành vi phạm tội, không có nhận tiền từ ông Nguyễn Anh Tuấn, nhưng kết quả cuối cùng vẫn không đem lại lợi ích gì cho ông ta cả, mà ông ta sẽ phải đối diện với một tội danh thứ hai nữa ở trong giai đoạn hai của vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ này.”

Các bị cáo ‘ăn năn’, ‘xin lỗi đảng, nhà nước’, ‘xin khoan hồng’ có gì lạ?

Cũng theo truyền thông Việt Nam, trong số nhiều bị cáo tỏ ra ‘ăn năn, hối lỗi’, ‘xin lỗi’đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam và đề nghị nhận được sự khoan hồng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trước Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’, cựu trợ lý của một Phó Thủ tướng thường trực của chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Quang Linh được cho là đã tìm kiếm sự chú ý của Hội đồng Xét xử với mình, khi trình bày trước tòa rằng:

“Những sai phạm này, bản thân bị cáo đã nhận thức được từ rất sớm, rất ân hận và ăn năn hối cải, thành khẩn trước cơ quan điều tra… Bị cáo gửi lời xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Văn phòng Chính phủ vì sai phạm của mình.”

Còn về phần mình, cũng trình bày lời nói cuối cùng trước tòa như 19 bị cáo khác hôm thứ Sáu, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nói:

“Bị cáo là con trai duy nhất trong gia đình, hoàn cảnh bị cáo như thế này, một mình vợ phải gánh vác cuộc sống 2 bên, chăm sóc 2 con nhỏ”.

Vẫn theo truyền thông chính thống Việt Nam, bị cáo bị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị án Chung thân này còn ‘khóc’ và trình bày thêm trước tòa hoàn cảnh cá nhân của mình, rằng: “Bị cáo mong HĐXX xem xét gia cảnh hiện nay, khi bố đẻ ở chiến trường Tây nguyên trở về đã ngoài 70 tuổi, mẹ đẻ bị tâm thần nhiều năm, bố vợ cũng là thương binh, mẹ vợ thì ung thư phải phẫu thuật.”

Bình luận về những diễn biến này, từ Nha Trang, nhà báo, cựu Hội thẩm nhân dân Võ Văn Tạo nói:

“Các tình tiết gây buồn cười thì nhiều, kể cả lập luận của các luật sư cũng như lập luận của các bị cáo, thế nhưng họ trình bày là việc của họ, còn việc phán xử là do Hội đồng xét xử, chuyện ấy tôi thấy cũng xảy ra nhiều trong các vụ án khác, chứ không chỉ riêng ở vụ án này.”

Nhìn lại vụ án và phiên xử nhiều ngày qua và cho tới ngày 21/7, các nhà quan sát diễn biến phiên tòa và thời sự chính trị Việt Nam nhân dịp này đưa ra tiếp một số bình luận trên quan điểm riêng của mình với Đài Á Châu Tự Do, mà trước hết, từ Hoa Kỳ, Luật sư Lê Quốc Quân bình luận về vấn đề ‘chạy án’ như trong vụ liên quan tới một số cựu quan chức ngành Công an Việt Nam ở trên, trong vụ án, ông nói:

“Nội bộ của ngành tư pháp của Việt Nam, nói thẳng ra câu chuyện, đó hoàn toàn là một ổ tham nhũng, từ cơ quan Công an, cơ quan Viện Kiểm sát, cơ quan Tòa án là những ổ tham nhũng, một tội phạm nào đó xảy ra, tôi gọi là tội phạm hình sự đi, các tội phạm như ma túy hay là trộm cắp vặt đến tất cả các thứ là đều phải chi tiền cả, và khi người ta chi tiền, người ta nói thẳng là bao nhiêu tiền, thì được giảm bao nhiêu án, một năm tính ra là mấy triệu bạc đó mà giảm đi, và điều này là Công an biết, Tòa án biết, Viện Kiểm sát biết, một khi có tội phạm xảy ra, như một tội phạm hình sự xảy ra, là bố mẹ (gia đình) phải đi lo, mà đi lo thì phải lo cả ba cơ quan: lo từ cơ quan điều tra để sao nó bóp lại, xong bóp lại một chút rồi, lại lo đến cơ quan Viện Kiểm sát để Viện Kiểm sát truy tố ít đi, rồi truy tố tội như thế, thì Tòa lại co lại nữa. Cho nên bản thân đó chính là một ổ tham nhũng mà rất khó để có thể ‘khui ra’ được. Người ta có thể ‘cắt ngay’, ngay cả khi tại tòa lời khai đã khai ra rồi, khi cần người ta cắt ngay. Điều đó ai cũng biết, nhưng vấn đề là người ta chưa bao giờ minh bạch ra trước tòa và chưa bao giờ được công khai cho mọi người biết điều đó, nhân dân biết một cách là nó thối nát đến như vậy, mà ở đây như tôi nói là (vấn để) chỉ đạo tới đâu, còn họ làm cả một hệ thống, một chuỗi của nó.”

chongthamnhung2.jpeg
Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng

‘Muốn công bằng, phải xử các quan chức cấp cao hơn liên can’

Cho rằng nạn tham nhũng với quan chức ở Việt Nam khó có thể hạn chế được vì có lý do môi trường xuất phát từ nguyên nhân ‘thể chế’, Luật sư Quân nói tiếp:

“Tôi nghĩ ở Việt Nam rất khó làm một người tử tế, bởi vì tổ chức đã sinh ra họ (quan chức tham nhũng) chính là một tổ chức ‘bất lương’, như chính ông Nguyễn Tấn Dũng (cựu Thủ tướng Chính phủ) nói rằng ‘về hưu để làm người tử tế’, nhưng không làm người tử tế được, bởi vì tất cả các quan chức được đào tạo trong một môi trường mà họ phải là Đảng viên, họ sinh hoạt ở trong chi bộ đó, họ lớn lên, trở thành công chức ở đó, chính môi trường ‘bất lương’ và cơ chế ‘sự dữ’ như vậy, thì bản thân những người tốt, hay những người tử tế không thể lọt vào trong đó được.”

Từ góc nhìn của mình, nhìn lại các chuyến bay được gọi là ‘giải cứu’ trong vụ án đang được xét xử để thấy rõ hơn tính chất của vụ án và vai trò, trách nhiệm của nhà nước, chính phủ Việt Nam, từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà quan sát, bình luận thời sự Việt Nam Lê Văn Sinh nói với RFA:

“Tôi muốn nói về các ‘chuyến bay giải cứu’ để cứu vớt những người Việt Nam đang bị nạn dịch Covid ở nước ngoài, nếu thực sự là ‘chuyến bay giải cứu’ thì tôi hiểu đó phải là chuyến bay được nhà nước thực hiện, vì nhà nước giao cho các hãng hàng không của nhà nước Việt Nam, đặc biệt là hãng hàng không của Việt Nam, hãng Vietnam Airlines, đồng thời là một số hãng hàng không tư nhân, nhưng nhà nước giao cho công việc ấy; nhà nước chi tiền, nếu mà đủ sức lực, thì nhà nước chi hoàn toàn. Mà nếu không đủ tài lực, thì nhà nước chi một phần, còn một phần còn lại, đồng bào Việt Nam ở trên khắp vùng miền ở trên thế giới được hưởng chế độ của nhà nước, được tài trợ của nhà nước, để đưa họ về Việt Nam để tránh dịch, thì đó mới gọi là ‘chuyến bay giải cứu.

Còn đây là các chuyến bay mà các hãng, các công ty tư nhân lập ra và người ta phải chạy chọt tới năm cửa ải của năm Bộ khác nhau để họ xin chữ ký, để xin quyết định để được bay về. Và chúng ta thấy tình hình là các nạn nhân người Việt ở nước ngoài đều bị ‘chặt chém’, tới mức gần hai nghìn tù nhân hết hạn tù ở Malaysia…, ngay cả tù nhân là những người bị giam tại Malaysia vì các tội như đánh cá (trái phép), hay tội lao động (chui) ở đất nước họ hay là những cô gái bán hoa do phạm tội ấy mà bị tù, mà vào thời điểm đó các quốc gia như Malaysia có quyết định đưa những người hết hạn tù hoặc cho tù nhân ra sớm để về nước, tránh dịch, mà người ta còn thu, mà theo báo chí Việt Nam đưa tin là mỗi một cá nhân như vậy, Sứ quán Việt Nam ở Malaysia thu những người có hộ chiếu là 22 triệu VNĐ, những người không có hộ chiếu là 25 triệu đồng, tức là mỗi một người là trên 1.000 đôla Mỹ để có được cái vé bay về, thì đó đâu phải là ‘giải cứu’. Vì thế mới có tình trạng hàng loạt quan chức của năm bộ ngành của nhà nước bị dính vào chuyện tham nhũng, hối lộ, rồi chạy án, rồi môi giới hối lộ và nhận hối lộ. Và tôi nghĩ chữ ‘giải cứu’ là không đúng trong hiện thực của xã hội Việt Nam, vào thời điểm mà người Việt Nam bị hoạn nạn dịch giã ở nước ngoài.”

Còn từ Berlin, CHLB Đức, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo nói:

“Đây là một phạm vi rộng lớn của việc những quan chức ở các Bộ, trong đó có cả các doanh nghiệp, mà là doanh nghiệp ‘cánh hẩu’ của các vị đó phạm tội. Chẳng hạn như Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, rồi các doanh nghiệp, các công ty, tóm lại là như thế, tôi nghĩ rằng nếu muốn công bằng thực sự trong vụ án này, những người ở mức cao, cấp cao không thể không liên quan.

Và họ cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, họ phải được xử đúng tội, đúng người, nếu mà dừng lại ở đây, rõ ràng đấy chỉ là đưa ra một số người để mà cho qua vụ án này mà thôi,” nhà bình luận chia sẻ trên quan điểm cá nhân với Đài Á Châu Tự Do.

Related posts