Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất cao trong vài năm gần đây nhờ những nỗ lực kiểm soát ban đầu tuyệt vời đối với đại dịch COVID-19, giúp các nhà máy và doanh nghiệp của nước này tiếp tục mở cửa. Việt Nam cũng là nước hưởng lợi lớn nhất từ việc các tập đoàn kinh tế đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế 8,5% trong năm 2022 đồng thời thu hút được mức vốn cam kết đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) lên đến 22,4 tỷ USD. Chín tháng đầu năm 2023, vốn FDI cam kết cũng đã đạt tới 20 tỷ USD..
Một dòng khách cấp cao nước ngoài – bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden – đã đến thăm để lấy lòng giới lãnh đạo Hà Nội. Apple đã chuyển một dây chuyền cung ứng sang Việt Nam. Lego đang xây dựng một nhà máy sản xuất sử dụng điện mặt trời và các nhà sản xuất chip khác cũng đã loan báo việc mở nhà máy tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong sáu tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, bằng một nửa mục tiêu đề ra. Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 vẫn là 6,5% nhưng Ngân hàng Phát triển Châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng UOB của Singapore đều đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống gần mức 5%.
Mặc dù Việt Nam đã được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia nhưng điều đó cũng khiến Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Xuất khẩu của nước này chiếm tới 93% GDP trong năm 2021. Năm 2023 đã chứng kiến xuất khẩu của Việt Nam giảm trong năm tháng liên tiếp – mức giảm dài nhất trong vòng 14 năm qua.
Xuất khẩu sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 24% so với (cùng kỳ) năm trước, ảnh hưởng lớn tới cán cân thương mại tổng thể của nước này. Việt Nam có thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc vì hàng hóa sản xuất tại Việt Nam phụ thuộc vào linh kiện và nguyên liệu nhập khẩu.
Tuyên bố gần đây của Intel và Ørsted, hai nhà đầu tư nước ngoài quan trọng cũng là những cảnh báo đáng chú ý với giới lãnh đạo nước này.
Vội vàng
Intel đã mở nhà máy lắp ráp và đóng gói chip ở Việt Nam vào năm 2010 và vào năm 2021, đã tăng vốn đầu tư lên mức 1,5 tỷ USD.
Đầu năm 2023, một số thông tin chưa được xác nhận cho hay công ty này đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư thêm một tỷ USD. Các nhà lãnh đạo Việt Nam rõ ràng mong đợi điều đó và hơn thế nữa. Trong tháng 2, Chính phủ Việt Nam đã vội vàng công bố khoản đầu tư 3,3 tỷ USD từ Intel.
Trong một cuộc họp hồi tháng 5/2023 tại Hà Nội, Giám đốc điều hành của Intel nói với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng công ty này vẫn có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Bất chấp những quảng cáo rầm rộ xung quanh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden vào tháng 9/2023, việc thông qua Đạo luật CHIPS và chuyến công du chớp nhoáng tới Thung lũng Silicon của ông Chính trong tháng 9 vừa qua, Intel gần đây vẫn tuyên bố rằng họ sẽ không mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong tương lai gần.
Cả hai phía đều đã cố gắng kiểm soát thiệt hại. Intel tái khẳng định rằng họ “vẫn chưa hề có công bố chính thức nào về khoản đầu tư mới”. Nhưng rõ ràng, có cái gì đó không ổn.
Tháng 6 năm nay, Ørsted – người khổng lồ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Đan Mạch – tuyên bố công ty này sẽ rời thị trường điện gió ở Việt Nam và cũng nói rằng “Đạo đức kinh doanh của chúng tôi đã gặp trở ngại”.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có thị trường điện tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á và cũng có tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo nhanh nhất khu vực. Với đường bờ biển dài, Việt Nam được cho là thị trường điện gió lớn nhất Đông Nam Á, với công suất ước tính đạt khoảng 600GW.
Trong năm 2021, Ørsted đã ký thỏa thuận hợp tác với T&T, một tập đoàn lớn của Việt Nam, với mục tiêu đầy tham vọng là đầu tư phát triển một dự án điện gió ngoài khơi đạt công suất 21GW vào năm 2030. Tháng 8/2022, liên doanh công bố đề xuất xây dựng hai trang trại điện gió ngoài khơingoài khơi tỉnh Ninh Thuận. Tháng 5/2023, Ørsted đã ký hợp đồng với một bộ phận thuộc tập đoàn dầu khí quốc doanh của Việt Nam để xây dựng chân đế (kết cấu móng trụ) cho các turbines của mình.
Những vấn đề mang tính hệ thống chưa được giải quyết
Vậy đều gì đang xảy ra khi một quốc gia đang cố gắng thu hút nhiều hơn đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn và năng lượng tái tạo nhưng đã và đang chứng kiến các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đưa ra những tuyên bố lấp lửng hay bỏ đi?
Mặc dù sẽ là không chính xác khi nói rằng Việt Nam không còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhưng Việt Nam hiện đang phải đối mặt với không ít các vấn đề và thách thức khiến nước này không phát huy được hết tiềm năng và có thể bị mắc trong bẫy thu nhập trung bình.
Có năm vấn đề có liên quan với nhau đáng lưu ý.
Thứ nhất, nguồn cung cấp điện của Việt Nam vẫn còn thất thường. Những đợt nắng nóng mùa hè năm ngoái đã dẫn đến tình trạng bị mất điện tạm thời hoặc phải dùng điện hạn chế hàng ngày tại nhiều khu công nghiệp trong hành lang kinh tế Hà Nội – Hải Phòng. Chính phủ Việt Nam đã phải kêu gọi các doanh nghiệp giảm tiêu thụ điện.
Nếu bạn muốn trở thành một quốc gia có điểm cộng (plus one) – một lựa chọn ưa thích – khi các công ty đa quốc gia tìm kiếm đa dạng hóa chuỗi cung ứng thì bạn phải đảm bảo có cơ sở hạ tầng cơ bản đáng tin cậy.
Có một sự thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng, vào tháng 5 năm nay, Việt Nam đã đưa ra được quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện 8) – một bản kế hoạch được chờ đợi từ lâu. Đã mất nhiều năm để đàm phán và cũng đã có nhiều tranh luận căng thẳng về bản quy hoạch này. Thủ tướng Việt Nam thậm chí đã không ký phê duyệt văn bản này.
Quy hoạch điện 8 còn thiếu chi tiết và giảm bớt cam kết của Việt Nam trong việc cắt giảm phụ thuộc vào nhiệt điện than. Chính phủ thậm chí còn khá lâu mới hoàn thành kế hoạch triển khai và mạng lưới điện vẫn còn lỗi thời và chậm phát triển.
Mặc dù đã tham gia chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỷ USD trong năm nay nhằm loại bỏ nhiệt điện than đồng thời cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, nhưng Việt Nam vẫn chậm trễ trong việc cung cấp các kế hoạch cụ thể cho cộng đồng các nhà tài trợ.
Tình hình đã không tốt lên khi Việt Nam bắt giữ sáu nhà hoạt động khí hậu với những cáo buộc ngụy tạo – những người đang đưa ra kế hoạch giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu trung hòa carbon.
Lo lắng về tham nhũng
Khung pháp lý vẫn chưa rõ ràng, mâu thuẫn và đôi khi vẫn còn lạc hậu. Ørsted tỏ ý lo ngại về việc chưa có cơ chế mua bán điện và ít khả năng sớm có được sự thống nhất về cơ chế này.
Thứ hai, có những mối lo lắng thực sự về vấn đề nhân lực. Cùng với việc Samsung, Amkor, Synopsis và những công ty khác đổ xô vào ngành công nghiệp bán dẫn non trẻ của Việt Nam, hiện đã có tình trạng thiếu kỹ sư và thiết kế viên được đào tạo. Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư về chip và sẽ mất nhiều năm để có thêm nguồn nhân lực được đào tạo.
Thứ ba, tham nhũng vẫn là căn bệnh trầm kha. Scandal gần đây nhất – vụ tham ô 12,5 tỷ USD ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – đã cho thấy rõ sự buông lỏng giám sát và tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng.
Tuyên bố của Ørsted đã gián tiếp đề cập tới nạn tham nhũng.
Thứ 4, Việt Nam ít ổn định chính trị hơn so với khi chúng ta thoạt nhìn. Ba chính trị gia được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tin tưởng nhất đã bị thanh trừng trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023 trong chiến dịch “đốt lò” của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng.
Không ai liên quan trực tiếp đến tham nhũng và các động thái chống lại họ được xem là có động cơ chính trị. Trong suốt năm 2023, đã có những tin đồn rằng bản thân Thủ tướng cũng lo mất chức.
Cho đến nay, đã có hai Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã được tổ chức nhưng Đảng vẫn chưa đi đến thống nhất được ai là hai người sẽ ngồi vào hai chiếc ghế trống trong Bộ Chính trị. Và hiện đã có các cuộc đấu đá nội bộ trước kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2026.
Cuối cùng, việc hoạch định chính sách vẫn còn chậm chạp và cồng kềnh và người ta không kỳ vọng trước thềm Đại hội Đảng sẽ có những quyết sách táo bạo để đương đầu với nền kinh tế đang ì ạch.
Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế, nhưng sự phát triển và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của nước này không phải là điều tiền định. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần có những phản ứng nhanh.
Những tín hiệu gần đây của hai doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu thế giới cho thấy sự thiếu tin tưởng vào khả năng quản lý kinh tế sáng suốt và chống tham nhũng của giới lãnh đạo Việt Nam.
*Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.