Tại buổi tiếp xúc với cử tri để ‘vận động bầu cử’ hôm 9 tháng 5 tại Hải Phòng, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ nói nếu ông tiếp tục được bầu làm đại biểu Quốc Hội và Chủ tịch khóa 15 thì ông sẽ đặt trọng tâm giải quyết những bức xúc về đất đai. Mạng báo Pháp luật Online dẫn lời ông Huệ nói rằng dự kiến trong năm 2022 Quốc Hội sẽ xem xét, sửa đổi Luật Đất đai.
Đối với những người dân hiện đang phải khiếu kiện về tranh chấp đất đai với chính quyền từ địa phương đến Trung Ương, lời hứa hẹn như vừa nêu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không có gì mới lạ và cũng không mang lại chút hy vọng gì về vụ việc của họ được giải quyết rốt ráo.
Ông Cao Hà Chánh, một thành viên Ban đại diện Bà con Vườn Rau Lộc Hưng,nơi bị cưỡng chế phá hủy nhà cửa hồi tháng một năm 2019, cho biết:
“Tất cả những nhà lãnh đạo của Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng, họ nói cái gì cũng rất hay và rất chuẩn, tuy nhiên quan trọng nhất là họ có thực hiện hay không? Ông Vương Đình Huệ mới lên, tất cả những lãnh đạo nào của Việt Nam khi bắt đầu lên chức thì đều có những điểm nhấn, đều tuyên bố và khẳng định. Nhưng mà đối với tôi, hiện nay tôi chưa thấy họ thực hiện bất cứ lời tuyên bố nào cả”.
Ông Chánh nói 124 hộ dân tại Vườn rau Lộc Hưng đăng ký sử dụng đất nông nghiệp trong suốt hơn 20 năm qua đã bị cưỡng chế đất đai nhiều lần.
Ông nói cho dù họ tuân thủ pháp luật, đóng thuế, kê khai và yêu cầu chính quyền giải quyết, nhưng không có phúc đáp gì cho người dân ở đây.
“Người dân đã chứng minh rằng mình đang sử dụng ổn định và đóng thuế thì dù có thay đổi hay có sửa đổi luật thì cũng phải giải quyết cho nhân dân. Sửa đổi lần này là lần thứ bao nhiêu mà Vườn rau Lộc Hưng khổ thì vẫn khổ. Có chính sách chủ trương của đảng và luật Đất đai sửa đổi mà Vườn rau Lộc Hưng đến giờ này chưa nhúc nhích. Phải nói thẳng luôn là cơ quan thể chế chính sách và luật pháp không tiếp công dân suốt 21 năm nay, thì làm sao có được một lòng tin nào giữa bà con Vườn rau Lộc Hưng và chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”?
Vườn rau Lộc Hưng chỉ là một ví dụ trong hàng chục nghìn vụ khiếu nại tranh chấp đất đai, mà chỉ vài trường hợp đã trở thành những điểm ‘nóng’ được nhiều người biết đến, như vụ cường chế tại xã Đồng Tâm, Dương Nội, Thủ Thiêm, v.v.
Theo thống kê của CLB Lê Hiếu Đằng thì đến 80% các cuộc khiếu kiện của dân đều liên quan đến đất đai. Hơn nữa, cũng theo CLB Lê Hiếu Đằng, có khoảng 80% vụ việc bị xử lý kỷ luật đều dính tới quan chức các cấp từ địa phương đến trung ương về tham nhũng đất đai.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2019 xác định 98% đơn khiếu nại mà bộ này nhận được thuộc lĩnh vực đất đai.
“Tôi cho là cái việc mà ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, nói là trong khóa tới này sẽ sửa Luật Đất đai thì theo tôi cũng chẳng có gì mà đáng mừng cho những người dân oan mất đất,” là nhận xét của ông Trần Bang, một nhà hoạt động xã hội dân sự với nhiều kinh nghiệm hoạt động với dân oan.
Theo ông Bang thực trạng dưới cơ chế “sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý” như hiện nay thì người dân chỉ thiệt thòi vì tiền đền bù rẻ mạt, nếu không chấp nhận thì bị cưỡng chế:
“Bây giờ nhà nước cứ đè ra lấy đất dựa vào cái sở hữu toàn dân để cưỡng chế, dây dưa và tạo điều kiện cho lợi ích nhóm họ đề mà được hoành hành. Bây giờ lấy đất, đưa cho một doanh nghiệp, gọi là toàn dân nhưng lại chuyển vào sở hữu của công ty, dù là sở hữu có thời hạn, thì đâu gọi là công bằng được”.
Ông Vương Đình Huệ cũng được báo chí nhà nước dẫn lời rằng Luật Đất đai cần được điều chỉnh để tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Nhà hoạt động Trần Bang cho rằng nếu muốn thực sự giải quyết tình trạng xung đột giữa người dân và chính quyền, cũng như mở rộng quyền sử dụng đất nông nghiệp, thì phải giải quyết quyền sở hữu đất đai ở tận gốc tức ở Hiến pháp.
Ông Bang suy đoán có thể Quốc hội khóa 15 sẽ gia tăng quyền đất đai của hộ tư nhân nông nghiệp lên, nhưng ông nói mọi sự bổ sung, sửa đổi một vài điều khoản trong Luật Đất đai mà không thay đổi Hiến pháp thì chỉ là giải quyết ‘phần ngọn’.
“Theo tôi là vô phương, nó cũng chỉ là vụn vặt, chắp vá thôi. Cơ bản là phải sửa từ Hiến pháp. Không sửa được Hiến pháp từ chương 2 từ điều 50 đến điều 54 Hiến pháp Cộng hòa Xã Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, thì không sửa cơ bản được Luật đất đai.
Ví dụ về nông nghiệp, muốn phát triển thành nông nghiệp hàng hóa, anh phải có tích tụ ruộng rất lớn. Mà muốn tích tụ ruộng đất thì phải có chính sách đất đai là sở hữu tư nhân để cho những người không sản xuất nông nghiệp bán cho người thích kinh doanh nông nghiệp để người ta gồm toàn bộ diện tích đó lại thành hàng trăm nghìn mẫu giống như Mỹ. Người ta mới canh tác, dùng máy bay gieo hạt và mới tự động hóa được, mới tạo ra sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa để cạnh tranh với thế thế giới được.
Muốn sản xuất nông nghiệp hiện đại hóa thì phải tích tụ ruộng đất chứ không thể theo quy định bây giờ mỗi hộ không được quá 10 héc-ta, thì làm sao mà sản xuất kinh tế hàng hóa được, làm sao đầu tư bài bản được”?
Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cũng là ứng viên Đại biểu Quốc hội phát biểu tại một buổi tiếp xúc cử tri rằng Luật đất đai sửa đổi là “khoản nợ của Quốc hội đối với người dân”.
“Muốn tư nhân hóa thì thứ nhất phải đa đảng. Phải tự do lập hội và tự do ngôn luận. Thứ hai là sở hữu tư nhân. Thứ ba là tư pháp độc lập. Sở hữu tư nhân phải có tư pháp độc lập. Bởi vì khi tranh chấp không phải là nhà nước với dân nữa mà là tòa án là người là cầm cân. Song song với việc sở hữu đất đất đai tư nhân, tổ chức, nhà nước thì phải đi đôi với tự do lập hội, với tư pháp độc lập. Tức là tư pháp phi chính trị, tức là quân đội công an không được tham gia vào vấn đề tranh chấp đất đai. Còn anh tranh chấp mà anh mang súng đi thì dân chỉ có thua thôi. Dân thì không có sở hữu súng, không có quân đội”. -Ông Trần Bang
Mạng báo Pháp Luật Online cho biết Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành rà soát khúc mắc của luật này để Quốc hội 15 sớm thông qua.
Theo ông Bang, những điều lãnh đạo tuyên bố thì khó mà thực hiện. Người dân thì muốn có quyền sở hữu tư nhân, nhưng ý tưởng ‘sở hữu toàn dân’ vẫn nằm sâu trong học thuyết Mác Lênin.
“Muốn tư nhân hóa thì thứ nhất phải đa đảng. Phải tự do lập hội và tự do ngôn luận. Thứ hai là sở hữu tư nhân. Thứ ba là tư pháp độc lập. Sở hữu tư nhân phải có tư pháp độc lập.
Bởi vì khi tranh chấp không phải là nhà nước với dân nữa mà là tòa án là người là cầm cân. Song song với việc sở hữu đất đất đai tư nhân, tổ chức, nhà nước thì phải đi đôi với tự do lập hội, với tư pháp độc lập. Tức là tư pháp phi chính trị, tức là quân đội công an không được tham gia vào vấn đề tranh chấp đất đai. Còn anh tranh chấp mà anh mang súng đi thì dân chỉ có thua thôi. Dân thì không có sở hữu súng, không có quân đội”.
Thay đổi Luật Đất đai theo ông Trần Bang phải thay đổi thể chế chính trị.