Suy thoái nhân lực khu vực công cản trở phát triển thị trường lao động

Nhân lực khu vực công đang đứng ngoài, đứng trên và lợi dụng thị trường dẫn đến suy thoái và, khiến thị trường lao động không thể phát triển lành mạnh và hiệu quả. Suy thoái nhân lực khu vực công là điểm nghẽn nhân lực nghiêm trọng nhất, nhưng nó đã không được đề cập trong Hội nghị toàn quốc về “Phát triển thị trường lao động…” được tổ chức cuối tháng 8/2022 dưới sự chủ trì của ông Thủ tướng Chính phủ (CP). 

Trong bối cảnh bất ổn kinh tế – xã hội  sau đại dịch COVID-19, dường như ông Chính cần những hội nghị như vậy đề xuất các giải pháp chính sách phục hồi cũng như điều hành kinh tế. Ông Thủ tướng đã “trăn trở” về nghẽn nhân lực, tuy nhiên ông đã không nói đến vấn đề suy thoái nhân lực công đang tạo ra điểm nghẽn lớn nhất cho phát triển thị trường. Cách tiếp cận phiến diện, không đầy đủ về thị trường lao động có thể có những giải pháp chính sách không hiệu quả.

Trăn trở

Bất chấp những báo cáo và tham luận chỉ ra ‘bức tranh toàn cảnh’ về nhân lực với những con số rằng, Việt Nam hiện có “trên 51,6 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo là… 26,2%, tỷ lệ thất nghiệp chung “duy trì” trong khoảng 2,2-2,3%… và nhận định: “có được “thành tích” là nhờ “Đảng, Nhà nước luôn chú trọng phát triển”, cuối cùng kết luận, rằng “để tiếp tục phát triển thị trường lao động cần thực hiện “Chín nhiệm vụ, giải pháp cơ bản…”, ông Thủ tướng CP đã nêu hàng loạt các câu hỏi liên quan đến các điểm nghẽn nhân lực và yêu cầu: “Đây là những câu hỏi chúng ta phải có câu trả lời.” Giới truyền thông bình luận đây là những trăn trở của chính khách. Vì vậy, khó có thể nói, rằng Hội nghị này là thành công.

Những năm gần đây các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách cho rằng, các nguồn lực bị nghẽn khiến kinh tế tăng trưởng không đúng tiềm năng. Năm 2016 Ban Kinh tế Trung ương (Ban KT) tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia trong và ngoài nước: “Chẩn đoán điểm nghẽn tăng trưởng và Bản đồ năng lực sản xuất của Việt Nam”, trong đó ba điểm nghẽn được nêu ra: nhân lực, kết cấu hạ tầng và thể chế. Đây được coi là việc tiếp tục cụ thể hoá để nâng cao tính khả thi cho “ba đột phá chiến lược” được xác định tại Đại hội 11 năm 2011 của Đảng Cộng sản (ĐCS). Cách tiếp cận này hàm ý rằng để đạt tiềm năng phát triển kinh tế thì mỗi yếu tố tăng trưởng có vai trò quan trọng của nó và, sự kết hợp chúng lại thông qua thị trường có ý nghĩa quyết định tăng trưởng kinh tế.

“Trăn trở” của ông Thủ tướng CP được ghi lại: Một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc; Lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân; Lao động xuất khẩu của Việt thu nhập bình quân thường thấp hơn các nước trong khu vực; Lao động có hoàn cảnh gia đình khó khăn ở một số địa phương phải bỏ ruộng vườn để đi làm thuê nơi khác; Công nhân ở các khu công nghiệp, thành phố lớn còn khó khăn về ăn, ở, sinh hoạt; Hiện tượng đình công ở một số khu công nghiệp; Chiến lược phát triển thị trường lao động thế nào khi thời điểm dân số vàng đi qua… Tuy nhiên, đây là điểm nghẽn của một một bộ phận nhân lực tư của thị trường và, điểm nghẽn của bộ phận nhân lực công quan trọng hơn đã không được đề cập.

000_Hkg9637658.jpg
Người đi đường đi qua các tấm biển cổ động trên đường phố Hà Nội hôm 24/3/2014. AFP

Suy thoái

Nhân lực khu vực công (NLC) là một bộ phận của lao động xã hội và, bao gồm các công chức lãnh đạo, quản lý và viên chức chuyên môn trong hệ thống chính trị như Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang. Suy thoái NLC có nguyên nhân từ tính chất của chế độ chính trị, Đảng Cộng sản (ĐCS) lãnh đạo toàn diện, đã làm tách biệt sâu sắc giữa hai bộ phận nhân lực: tư và công, thị trường và phi thị trường. Hơn thế, nhân lực khu vực công không chỉ đứng ngoài, mà còn đứng trên và lợi dụng thị trường khiến thị trường lao động không thể phát triển lành mạnh và hiệu quả.

Những biểu hiện chủ yếu của suy thoái NLC có thể dễ dàng chỉ ra: Họ có quyền lực lớn, thực chất là do ĐCS ban cho, và khi họ tha hoá quyền lực, trục lợi cùng tham nhũng trầm trọng; nỗ lực phòng chống của ĐCS vẫn “không đạt kết quả như mong muốn”; Họ, về pháp lý, đại diện cho nhân dân quản lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai và tài sản công và mọi hoạt động xã hội nhưng khi thực thi công vụ kém và thiếu giải trình và chịu trách nhiệm; NLC được tổ chức trong bộ máy cồng kềnh, phình to, song trùng, chồng chéo nhiệm vụ chức năng và hiệu quả thấp nhưng không thể tinh giản; NLC được trả lương theo quy định riêng, từ tiền thuế của dân nhưng không gắn với thị trường; Bộ phận công chức lãnh đạo không sống bằng tiền lương và thậm chí giàu lên nhanh chóng; Họ được trang bị ý thức hệ CNXH và đạo đức cách mạng nhưng vẫn dễ bị cám dỗ vật chất, họ ‘mong manh’ dễ vỡ như trường hợp Vụ án Việt – Á; Họ phản ứng quyết liệt khi chế độ đặc quyền đặc lợi bị đe doạ hay dỡ bỏ, chẳng hạn trường hợp xin rút “tự chủ toàn diện” khiến chính sách tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trở thành “nửa vời”; Họ được Đảng kêu gọi “đột phá” nhưng không dám và không thể…

Tháo gỡ

Suy thoái NLC đang gây ra hậu quả nặng nề, về kinh tế đang cản trở tăng trưởng bền vững và, về xã hội tạo ra sự bất công ngày càng lớn. Giải pháp chính sách chung để tháo gỡ những điểm nghẽn này là cải cách thể chế, hơn thế, phải là thể chế chính trị mà ĐCS đã thừa nhận, “cải cách thể chế là dư địa lớn để tăng trưởng” và, đẩy mạnh từ Đại hội 13 năm 2021, nhưng đang gặp thách thức khi quyền lực không thể được kiểm soát hiệu quả.

Thực tế chuyển đổi sang thị trường đã buộc ĐCS phải nới rộng quyền tự do kinh tế, nền tảng của thị trường để tăng trưởng. Hành động của những nông dân can đảm “khoán chui” và những cán bộ liều “sinh mạng chính trị” để “phá rào” là những phản ứng của những cá nhân năng động bị nền kinh tế chỉ huy đè nén, đã làm nên Đổi mới 1986. Quyền “tự do thoát khỏi nghèo đói” đã được trao cho người dân trong cải cách kinh tế để phát triển. Nay, cải cách chính trị cần đáp ứng nhu cầu về các quyền cơ bản khác như tự do ngôn luận và bày tỏ, tự do không chịu các nỗi sợ, tự do tín ngưỡng… như hệ quả tất yếu của phát triển kinh tế. Và, người dân cần được trao những quyền đó để có thể tham gia thực sự vào kiểm soát quyền lực và thúc đẩy tiếp tục cải cách.

Trong bất kỳ chế độ nào khi đề cập đến tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng thì nhân lực đều được coi là có vai trò quyết định. Tiềm năng vô hạn của nhân lực là ở tri thức. Và, sự khác biệt ở chỗ những người cầm quyền nào tạo ra được cơ chế hoạt động của nó để phát huy vai trò nhân lực. Trong môi trường thể chế có nhiều tự do hơn, sẽ có nhiều tri thức và nhiều sáng tạo hơn. Nhiều đổi mới hơn dẫn đến kinh tế tăng trưởng năng động hơn và, ngược lại.

Các điểm nghẽn nhân lực đã bộc lộ cải cách thể chế đã không theo kịp sự phát triển của thị trường. Quá trình này đang hướng tới quyền lực tập trung để đảng “mạnh và sạch” nhưng đồng thời đang có dấu hiệu thị trường bị rối loạn, yếu đi trong đó quyền tự do cơ bản của con người bị thu hẹp. Liệu có thể trông chờ sự xuất hiện của những con người can đảm hay các cán bộ dám đột phá để có Đổi mới lần hai?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts