“Xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng bao gồm: Xe không gắn thẻ đầu cuối. Xe gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn ETC. Nếu thuộc 1 trong 2 trường hợp trên mà vẫn cố tình đi vào làn thu phí không dừng ETC tại các trạm thu phí, người điều khiển ôtô sẽ bị phạt 2 – 3 triệu đồng. Ngoài ra, người thực hiện hành vi này còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.”
Đó là khẳng định của Luật sư Nguyễn Hữu Toại (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) với truyền thông Nhà nước liên quan Nghị định 123/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.
Kể từ ngày 1 tháng 8 năm 2022, tám tuyến cao tốc trên cả nước sẽ thu phí tự động hoàn toàn gồm: Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, Hạ Long – Vân Đồn, Bắc Giang – Lạng Sơn, Liên Khương – Prenn, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Hà Nội – Hải Phòng (đã thí điểm từ 1 tháng 6) sẽ triển khai thu phí điện tử không dừng hoàn toàn. Dư luận xã hội cho rằng, dù đã có sự chuẩn bị từ rất lâu nhưng khi đi vào thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.
Tôi có đọc hết về Luật Giao thông Đường bộ thì tôi không thấy điều khoản nào phạt như thế cả. Ra luật phạt là phải ở cấp có đủ thẩm quyền chứ không phải cứ ban hành một cái nghị định là phạt, hoặc ông cảnh sát giao thông muốn đưa ra quy định phạt là phạt. Không nói như vậy được. Cứ đưa ra điều luật là để ngắm tới cái túi tiền của dân tôi thấy nó kỳ quá. – Ông Minh Đức
Ông Minh Đức, chủ doanh nghiệp vận tải nhỏ nói với RFA tối ngày 1 tháng 8 về những bất cập mà ông nhận thấy về thu phí không dừng:
“Thứ nhất, chưa có sự chuẩn bị về công nghệ tích hợp để thông suốt giữa các loại thẻ và giữa các trạm với nhau. Thứ hai, cơ quan chức năng không tính đến những phát sinh trục trặc của hệ thống điện tử ở các trạm. Khi có trục trặc thì giải quyết một cách lúng túng hoặc chưa có cách giải quyết. Cuối cùng phải thu thủ công mà thu thủ công thì xe ứ đọng ở cả đầu vào lẫn đầu ra.
Ngoài ra, xe không có thẻ mà đi vào làm thu phí tự động và xe có thẻ nhưng tiền không đủ mà đi qua trạm sẽ bị phạt mấy triệu và tước giấy phép lái xe mấy tháng, thì tôi đang thắc mắc là họ căn cứ vào đâu để phạt?
Tôi có đọc hết về Luật Giao thông Đường bộ thì tôi không thấy điều khoản nào phạt như thế cả. Ra luật phạt là phải ở cấp có đủ thẩm quyền chứ không phải cứ ban hành một cái nghị định là phạt, hoặc ông cảnh sát giao thông muốn đưa ra quy định phạt là phạt. Không nói như vậy được. Cứ đưa ra điều luật là để ngắm tới cái túi tiền của dân tôi thấy nó kỳ quá.”
Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ nhận định:
“Sự thật ở Việt Nam thì nó có cái tình trạng cơ quan thu tiền vẫn muốn nắm đằng chuôi, hay nói cách khác là có quy định là Nhà nước luôn luôn muốn nắm đằng chuôi để những người không có tiền thì không chạy đằng nào được. Tại sao lại như vậy? Bởi vì người Việt Nam cũng có nhiều người hay ‘chày cối’, trốn được là trốn, thành thành gia hai bên cứ găng nhau cái chuyện đó.
Nhà nước thì muốn đưa ra cái cách là phạt ngay, phải thu ngay bằng mọi cách. Theo tôi, còn một cái cửa nữa để có thể thu được chứ không đến mức phải gắt gao như vậy. Mọi thứ người ta có thể ghi nhận lại và đến khi đi đăng kiểm xe hằng năm thì yêu cầu phải trả hết tiền mới đăng kiểm được. Như thế nó sẽ lịch sự hơn. Miễn là thu được tiền chứ không cần phải làm những cái giải pháp riết ráo vậy xã hội sẽ căng thẳng. Ra luật nhưng phải hàm chứa được cái sự ấm áp, bao dung, đùm bọc chứ cái gì cũng thẳng thừng ra thì người dân sẽ không vui.”
Việc thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT được nói đến từ mấy năm qua. Đây được xem là giải pháp minh bạch trong công tác thu phí tại các trạm BOT.
Người ta còn nhớ, vào sáng mùng ba Tết Kỷ Hợi (2019), trạm thu phí BOT Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây ở Đồng Nai bị cướp hơn 2 tỷ đồng khiến công luận bàn tán. Khi vụ án vừa xảy ra, báo chí Nhà nước đưa tin số tiền bị mất thu được từ ca làm việc thứ ba trong ngày 7 tháng 2 năm 2019, nhưng phía chủ đầu tư sau đó lại thông tin rằng 2 tỷ 200 triệu đồng bị cướp đi từ két sắt sau khi giao nhận phí thu được trong ba ngày.
TS. Lê Đăng Doanh từng nhận định với RFA rằng, BOT ở Việt Nam đang bị biến tướng, trở thành miếng mồi ngon của các nhóm lợi ích lợi dụng việc Nhà nước chưa xây dựng khung pháp luật về BOT và sự giám sát dành cho các dự án BOT còn nhiều lỗ hổng để thu lợi nhuận khổng lồ.
Ngoài việc thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ, 17 trạm thu phí BOT trên tổng số 88 trạm trên cả nước còn bị người tham gia giao thông phản đối do đặt sai vị trí. Đây không phải chỉ là lỗi của doanh nghiệp, mà có lỗi cả cán bộ tham mưu của Bộ Giao thông Vận tải.
Những trạm thu phí bị người dân phản đối mạnh mẽ gồm có trạm Hòa Lạc ở Hòa Bình; trạm Bờ Đậu ở Thái Nguyên; trạm Bắc Thăng Long -Nội Bài ở Hà Nội; trạm Tân Đệ ở Thái Bình; trạm Cầu Rác ở Hà Tĩnh… phía Nam có trạm Trảng Bom ở Đồng Nai; trạm An Sương ở TPHCM; đặc biệt trạm Cai Lậy ở Tiền Giang.
Nhà nước thì muốn đưa ra cái cách là phạt ngay, phải thu ngay bằng mọi cách. Theo tôi, còn một cái cửa nữa để có thể thu được chứ không đến mức phải gắt gao như vậy. Mọi thứ người ta có thể ghi nhận lại và đến khi đi đăng kiểm xe hằng năm thì yêu cầu phải trả hết tiền mới đăng kiểm được. Như thế nó sẽ lịch sự hơn. – Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ
Đầu tháng 8 năm 2017, trạm thu phí Cai Lậy bị giới tài xế phản đối bằng cách bỏ tiền vào chai nhựa, dùng tiền lẻ mua vé, thậm chí đưa cả đoàn xe xếp hàng qua trạm… Ngày 14 tháng 8 năm 2017, nhà đầu tư đã tạm dừng thu phí. Ngày 30 tháng 11 năm 2017, trạm BOT Cai Lậy hoạt động trở lại, tuy nhiên tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp do sự phản ứng của nhiều tài xế, dự án BOT Cai Lậy đã phải tạm dừng thu phí từ ngày 4 tháng 12 năm 2017 cho đến nay.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà đầu tư hoàn tất các công việc chuẩn bị thu phí lại dự án bắt đầu cuối tháng 8 năm 2022.
Đã có một số tài xế bị tù do phản đối trạm thu phí năm 2019, có thể kể như tài xế Vũ Ngọc Hoàng, người phản đối Trạm BOT An Sương vì thu phí quá thời hạn, bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên 18 tháng tù với cáo buộc ‘Cố ý làm hư hỏng tài sản’; tài xế Hà Văn Nam bị tuyên 30 tháng tù giam với cáo buộc ‘Gây rối trật tự công cộng’ tại trạm thu phí BOT Phả Lại trên tuyến Quốc lộ 18 đoạn qua huyện Quế Võ…
Liên quan đến việc xử phạt nếu không có thẻ hoặc thẻ không đủ tiền qua trạm BOT cao tốc hiện nay , chủ doanh nghiệp vận tải Võ Minh Đức nhận định, đây có thể là cách các trạm BOT trên cả nước sẽ áp dụng trong tương lai để ngăn chặn những phản đối của người dân. Theo ông, sau này tất cả các trạm BOT thông thường (không phải chỉ cao tốc) cũng sẽ yêu cầu dán thẻ qua trạm để đối phó với những người chống đối những cái sai của BOT xưa nay. Họ sẽ vin vào các nghị định để phạt, để ngăn cản những người phản đối đi vào làn đường BOT như lâu nay. Đây cũng là một cách chống lại những người dân phản đối sự vô lý trong mức phí hoặc vị trí đặt trạm BOT trên cả nước.