Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam hiện đại ở phía sau Nhà hát Lớn với mục đích được nói để quảng bá hình ảnh các dân tộc Việt Nam.
Không gian không phù hợp
Lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa ra nhiều biện minh với truyền thông, tại sao dự án Nhà hát mới lại nằm ngay sau Nhà hát lớn. Tuy nhiên dù là vì lý do mang tầm vĩ mô nào thì việc nhà hát nằm cạnh nhà hát vẫn đang gây nhiều tranh cãi.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 27/5/2023, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng, Nhà hát Lớn là một công trình, di tích cần bảo vệ theo luật Di sản, về quy hoạch cũng cần tuân thủ luật Xây dựng, do đó đề xuất xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam phía sau Nhà hát Lớn thiếu tính thuyết phục.
Ông An không đồng tình với đề xuất xây thêm một nhà hát gần một nhà hát sẵn có vì quỹ đất không còn. Điều này cũng được Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói với RFA sáng ngày 7/6/2023:
“Thứ nhất phải coi không gian tổng thể coi có phù hợp không. Thứ hai, phải coi hướng họ làm có hài hòa không. Tuy thông tin trên báo không đầy đủ, nhưng xem google map có thể thấy không gian xung quanh nhà hát lớn không có chỗ nào phù hợp để xây thêm một nhà hát!”
Truyền thông Nhà nước mới đây cho biết, Hà Nội có gần 20 nhà hát quy mô từ 200 đến 1.000 chỗ ngồi được phân bổ khắp thành phố. Trong đó có nhiều nơi đang trong tình trạng đìu hiu, xuống cấp nghiêm trọng, chỉ hoạt động cầm chừng.
Trong khi đó nhu cầu phục vụ dân sinh như trường học, bệnh viện cần xây dựng và phát triển thì không thấy Nhà nước đầu tư xây dựng, trường học, bệnh viện thiếu, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Với tư cách là công dân Hà Nội lâu đời tôi phản đối việc xây dựng Nhà hát dân tộc sau Nhà hát lớn. – Ông Nguyễn Quang Vinh
Một người dân Hà Nội, ông Nguyễn Quang Vinh, cũng là một đại tá quân đội về hưu, nêu suy nghĩ của ông với RFA:
“Xét từ nhu cầu của tôi và nhiều bạn bè tôi biết. Đã lâu chúng tôi không có nhu cầu đến các nhà hát có ở Hà Nội để xem biểu diễn diễn nghệ thuật. Được biết ngoài Nhà hát lớn, Hà Nội có một số nhà hát biểu diễn các loại hình nghệ thuật khác nhau, việc kinh doanh biểu diễn và phục vụ nhân dân rất ảm đạm, ở Hà Nội các công trình phục vụ văn hóa khác cũng nằm trong tình trạng này.
Trong khi đó nhu cầu phục vụ dân sinh như trường học, bệnh viện cần xây dựng và phát triển thì không thấy Nhà nước đầu tư xây dựng, trường học, bệnh viện thiếu, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Với tư cách là công dân Hà Nội lâu đời tôi phản đối việc xây dựng Nhà hát dân tộc sau Nhà hát lớn.
Ngoài việc nêu rõ ý kiến “phản đối”, ông Vinh còn cho rằng dự án Nhà hát dân tộc sẽ phá vỡ cảnh quan kiến trúc của khu vực trên, nơi mà người Pháp đã quy hoạch trước kia.
Thêm vào đó, ông Vinh nói tiếp:
“Chưa bàn về những tiêu cực xảy ra trong quá trình đầu tư xây dựng Nhà hát này trong quá trình triển khai mà cá nhâm tôi suy nghĩ chắc chắn là sẽ xảy ra”.
“Thùng rỗng kêu to”?
Thành phố Hà Nội đã nhiều lần bị dư luận xã hội lên tiếng với những công trình, dự án phá vỡ cảnh quan, phá rối quy hoạch. Chẳng hạn như dự án xây dựng Nhà hát Opera ở Đầm Trị, nằm bên Hồ Tây ở Hà Nội. Tháng 7 năm 2022, một nhóm gồm 58 kiến trúc sư, kỹ sư, và nhà nghiên cứu đã công bố kiến nghị gửi đến chính quyền thành phố Hà Nội, Uỷ Ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, và Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam để yêu cầu đánh giá lại dự án này.
Không chỉ Hà Nội, tại Thành phố Hồ Chí Minh dự án nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch trị giá 1.500 tỉ đồng cũng đang bị tạm dừng thi công do phí xây dựng qúa cao và địa điểm xây dựng dời từ Công viên 23 tháng 9 sang Thủ Thiêm.
Vẫn xoay quanh vấn đề trên, trao đổi với Đài Á châu Tự Do sáng ngày 7/6/2023, nhạc sĩ Tuấn Khanh, nói:
“Có cái gì đó bất thường trong khát vọng trình diễn bề mặt vĩ mô của đất nước của các quan chức hiện tại. Dường như mỗi quan chức đều muốn tạo một dấu ấn trong giai đoạn cầm quyền của mình, và vẽ ra những công trình với cái tên rất kêu nhưng rỗng tuếch.
Vì sao gọi là rỗng tuếch? Vì tên gọi là nhà hát các dân tộc, nhưng cho đến nay ngân sách nghiên cứu, bảo tồn, yểm trợ hoạt động văn hóa các dân tộc, hiện không bằng được dựng nhà hát đó.
Họ sẽ làm gì với những hình dạng văn hóa lớn lao nhưng bên trong chỉ là nội dung đại khái và nghèo nàn?”
Nhà hát Lớn Hà Nội được truyền thông Nhà nước ví như là một “thánh đường” nghệ thuật. Từ nhiều năm qua, nơi đây trở thành địa điểm tổ chức lễ kỷ niệm đủ loại lĩnh vực thay vì chỉ là nơi biểu diễn nghệ thuật.
Ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch từng nhìn nhận, mặc dù được xem là “thánh đường” nghệ thuật, nhưng những chương trình biểu diễn ở nơi đây thiếu vắng các đơn vị nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật truyền thống, ngược lại mang nặng mục đích kinh doanh thương mại hơn.
Có cái gì đó bất thường trong khát vọng trình diễn bề mặt vĩ mô của đất nước của các quan chức hiện tại. Dường như mỗi quan chức đều muốn tạo một dấu ấn trong giai đoạn cầm quyền của mình, và vẽ ra những công trình với cái tên rất kêu nhưng rỗng tuếch. – NS. Tuấn Khanh
Nhiều dự án, công trình trải dài trên khắp đất nước Việt Nam được thai nghén với mục đích phục dựng, lưu giữ bản sắc dân tộc đều bị người dân phản đối từ nhiều năm qua. Lý do được người dân đưa ra “vô bổ và tốn kém”.
Chẳng hạn như kế hoạch chi 1.480 tỷ đồng cho dựng lại hệ thống thủy văn thời An Dương Vương quanh khu vực Cổ Loa và 1.800 tỷ đồng để phục dựng điện Kính Thiên. Hay dự án của Bộ Xây dựng được nói là quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh khu di tích thành Cổ Loa trở thành công viên lịch sử – sinh thái – nhân văn.
Văn hóa có vai trò quan trọng trong sự điều tiết, vận động mọi mặt của xã hội; là động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao dân trí, cách ứng xử trong xã hội. Nhưng nếu các cơ quan chức năng cứ vin vào yếu tố đó để xây dựng những hình tượng văn hóa lớn nhưng lại thiếu “văn hóa lãnh đạo” thì khó nhận được sự đồng tình của người dân!
|