Sau nhiều lần bị dời lại, chiếc ấn Kim Bảo Tỷ của vua Minh Mạng đã được Việt Nam mua lại qua một thỏa thuận ngoài sàn với nhà đấu giá Million tại Pháp. Tuy nhiên có nhiều thắc mắc về nội dung của bản thỏa thuận này, đài RFA trao đổi với một vài nhân vật quan tâm để làm rõ sự việc.
Sau thời điểm niêm yết lần đấu giá đầu tiên ngày 31/10, do có sự can thiệp của bên nhà nước Việt Nam nên Nhà đấu giá Millon phải dời ngày đấu giá chiếc ấn vàng Kim Bảo Tỷ lại ngày 11/11. Đến ngày 11/11, do có cuộc đình công của nghiệp đoàn xe lửa tại Paris nên cuộc đấu giá phải dời lại ngày 18/11. Tuy nhiên, ngày 14/11, nhiều báo trong nước đã đăng tin : Việt Nam đã đạt được thỏa thuận để đem cố vật hồi hương. Và đến ngày 15/11, nhà đấu giá Millon mới có thông báo bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Việt trên trang nhà với nội dung :
Nhà đấu giá Millon vui mừng thông báo rằng Nhà nước Việt Nam và những người đã đạt được một thỏa thuận chuyển giao Kim ấn, qua đó sẽ giúp Ấn vàng của Hoàng đế Minh Mạng an toàn hồi hương.
Do đó, phiên đấu giá công khai “So Unique” vào ngày 18 tháng 11 năm 2022 sẽ bị hủy.
Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của quý vị.
Từ Paris, nhà báo Phạm Cao Phong bày tỏ sự vui mừng về việc cổ vật sẽ được hồi hương :
« Theo tôi nghĩ điều đó rất là phấn khởi, bởi vì chưa bao giờ chúng ta có một cái niềm vui đó. Chiếc ấn bị lùi ra 2 lần : ngày 11, sau đó ngày 18. Nhưng trong ngày mùng 10 ( 31/10, RFA) chúng ta đã bị mất bát vàng của vua Khải Định, bán với giá 680.000 euros, ngược lại một chút nữa là tháng 6/2022 thì bát ngọc của vua Khải Định cũng đã được bán đấu giá. Hai món cổ vật đó đã đi mà chúng ta không có một cản trở nào, có thể nói là động thái « nước đến chân mới nhảy » Cũng may là chúng ta cứu được « Hoàng đế chi bảo » này. Tôi cũng muốn chia sẻ với mọi người theo dõi chương trình niềm vui này »
Bên cạnh đó, từ ngoại ô Paris, luật sư Lê Trọng Quát nhấn mạnh, đây là tài sản quốc gia, của nước Việt Nam chứ không thuộc về bất cứ một thể chế chính trị nào :
« Theo luật pháp quốc tế, thì cái ấn đó thuộc về quốc gia Việt Nam chứ không thuộc về chính quyền, chính phủ đương hành. Đó là một tài sản thuộc về quốc gia Việt Nam. Tại sao tôi nói vậy, bởi vì nước nào cũng có một số tài sản quốc gia – công sản- tiếng Pháp gọi là « Patrimoine Public » Thí dụ như ở Pháp mình thấy là có điện Elysée, Matignon, và tất cả những cái đó thuộc về quốc gia. Mỗi năm (Pháp) có ngày «La Journée du patrimoine – Ngày di sản quốc gia » thì phủ Tổng thống mở cửa cho thiên hạ vào xem bàn làm việc của Thổng thống, xem cái hiện vật này, hiện vật kia….Thì tất cả những cái đó là tài sản quốc gia, ông Tổng thống chỉ có nhiệm vụ gìn giữ, đến khi ông hết nhiệm kỳ thì ông phủi tay ông đi về, tất cả những cái đó phải để lại ! Vậy thì những cái ấn thuộc thời Minh Mạng để lại thuộc về ai ? Thì câu trả lời dứt khoát là : thuộc về Quốc gia Việt Nam ! Còn chính quyền này hết thì chính quyền khác thay đổi, đi qua thôi. Cái ấn vua Minh Mạng để lại thuộc về quốc gia Việt Nam, còn cái chính quyền đang tại vị có bổn phận phải giữ gìn cái quốc bảo đó.
Chiếc ấn bằng vàng ròng được gọi là Kim Bảo Tỷ được đúc dưới thời vua Minh Mạng thứ tư, tức năm 1823, nặng 10,7 kg. Phía trên là hình con rồng, trán rồng khắc chữ « vương » phía dưới khắc chữ Hán : « Hoàng đế chi bảo » là con dấu quan trọng nhất của triều Nguyễn, chỉ được dùng để đóng dấu lên những sắc phong hoặc văn bản quan trọng của triều đình.
Luật sư Lê Trọng Quát cho biết thêm :
Các cổ vật xưa của triều Nguyễn từ thời vua Gia Long trở xuống thì được để trong « Tàng Cổ Viện » Ở thành phố Huế có cái « Tàng Cổ Viện » cách hoàng cung 100 thước thôi và cách nhà tôi 200 thước vì nhà tôi ở trong Đại Nội. Thì cái « tàng Cổ Viện » có những cái ấn, nhữn cái áo của vua..v.v..thì người ta đi thăm, nó cũng như là cái musée du Louvre ở đây vậy. Tóm lại những cái áo của Vua, những cái ấn vàng… tất cả những gì của Vua sử dụng thuốc về quốc gia. Chính quyền hiện tại, tức chính quyền cộng sản ở bên nhà có bổn phận gìn giữ như một di sản của đất nước. »
Trên nguyên tắc đấu giá, người mua sản phẩm đấu giá không được liên lạc trực tiếp với chủ sở hữu mà mọi việc phải qua công ty đấu giá. Công ty đấu giá chịu trách nhiệm về giá trị xác thật (authentique) của cổ vật cũng như định giá sản phẩm. Người đấu giá thành công món hàng chỉ nhận được giấy chứng nhận từ nhà đấu giá. Thế nhưng, trong trường hợp này, chiếc ấn không được công khai đấu giá ngoài công chúng mà được nhà Millon thu xếp một cuộc thỏa thuận ngoài sàn. Nhà báo Phạm Cao Phong nhận xét về vai trò của nhà Millon – một công ty đấu giá có uy tín với tiểu sử gần 100 năm – trong thỏa thuận này :
Có một cái tin hiệu rất là tế nhị là ngày 14/11, gần như các báo chí ở Việt Nam đã đưa tin là đã đạt cái thỏa thuận « hồi hương chiếc ấn » Tuy nhiên, tôi đã có mặt ở nhà đấu giá Millon lúc đó là 3.40 giờ, chúng tôi đã nói chuyện trong vòng 15 phút với cả những người phụ trách đấu giá đấy. Thì ngay cả bà Nathalie Mangeot , commissaire priseur, tức là người bán đấu giá đó, bà nói với tôi là Việt Nam đã tuyên bố « hơi sớm ».
Điều đó nói lên cái gì ? Điều đó nói lên là có thể Việt Nam đã thỏa thuận được với người chủ sở hữu theo di chúc của vua Bảo Đại. Tuy nhiên phải có một sự đồng ý, một sự thỏa thuận nào giữa chủ sở hữu, cũng như là phía Việt Nam và phía Millon. Đương nhiên là phải có 3 phía trong này : Nhà Million là đại diện cho chủ sở hữu, nói một cách chính xác nhất : là người bảo vệ cho chủ sở hữu, vì họ là người đứng ra làm cái bình phong rất là tốt để cố vật đó được định giá một cách công bằng và chính xác đứng về mặt luật pháp quốc tế cũng như luật pháp nước Pháp được đảm bảo. Tôi đánh giá cao vai trò của Million là đã đồng ý cho phía Việt Nam tiếp xúc với sở hữu chủ và có những thương thảo với sở hữu chủ. Tôi nghĩ rằng điều đó cũng phải có sự đồng ý của đại diện sở hữu chủ, đó là Million »
Người cuối cùng được xem là giữ chiếc ấn sau khi vua Bảo Đại qua đời là thứ phi Monique Baudot, bà này cũng đã qua đời năm 2021. Giữa hai người không có con nên theo nhà báo Phạm Cao Phong, người giữ chiếc ấn có thể là thân nhân gần nhất của bà Monique Baudot :
« Ẩn khúc về Hoàng đế chi bảo ly kỳ như thế nào thì tôi đã đưa ra một thông tin là bà Monique Baudot có bà dì 95 tuổi (Renée) và một bà chị 77 tuổi là bà Solange, thì tôi nghĩ nếu Việt Nam đạt được thỏa thuận với chị Solange hay với bà Renée thì đương nhiên phải có sự đồng ý rút lại hay trả một khoảng tiền nào đó cho Millon. Tôi nghĩ là nếu không có sự đồng ý của nhà Millon thì không thể được »
Tại sao nhà Millon và chủ sở hữu đồng ý hủy cuộc đấu giá mà nếu tiến hành có thể đưa giá của chiếc ấn lên cao gấp hàng chục lần giá ước tính. Ví dụ, ngày 31/10 chiếc bát vàng của vua Khải Định được nhà Millon ước tính là 20.000 -25.000 euros nhưng giá mua cuối cùng trên sàn đấu giá là 680.000 euros. Có lý do nào để nhà Millon cùng chủ sở hữu đồng ý hủy đấu giá để thỏa thuận ngoài sàn ? Theo nhà báo Phạm Cao Phong, dù không khẳng định được là chính phủ Pháp có can thiệp vào việc này không, nhưng theo ông, rất có thể mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam đã ảnh hưởng phần nào đến việc này :
« Vừa rồi kỷ niệm 50 năm quan hệ với nước Pháp mà chúng ta đã có lịch sử 100 năm với nhau thì đương nhiên họ cũng rất muốn củng cố cái liaison (quan hệ) giữa 2 nước trong tư thế mới. Và thực sự, trong giai đoạn vừa qua, Tổng thống Macron cũng đã tiếp xúc rất nhiều với các nước Châu Phi và ra hẳn một tiểu ban viết ra những quyển sách nghiên cứu về những khúc mắc với những nước thuộc địa cũ. Thì tôi nghĩ rằng là Việt Nam đã có một cơ hội, đã có một cái vận may gặp đúng một thời điểm là nước Pháp có một Tổng thống rất là trẻ, có một cách nhìn rất là mới, một cách nhìn rất là táo bạo »
Cũng theo luật sư Lê Trọng Quát, không có một luật lệ ràng buộc nào để bắt bên nước giữ cổ vật phải trả hoặc chủ sở hữu có quyền đòi lại cổ vật mà tùy theo quan hệ hữu hảo giữa hai nước :
Trước đây nước Pháp đánh chiếm vài nước trong một thời gian, họ đem một số tài sản, bảo vật quốc gia của nước đó đem về Pháp. Một-hai thế kỷ sau, họ đòi lại thì nước Pháp có khi trả, có khi không ! Trên nguyên tắc thì phải trả lại , nhưng mà tùy tình trạng giao hảo giữa hai nước, tùy tương quan lực lượng giữa hai nước. Có lần tôi nghe nói Ai cập cũng đòi Pháp trả lại cái này cái kia, nước Phi Châu họ đòi phải trả lại mấy bảo vật của nước đó , có khi họ đòi trả lại một cái xác ướp…thì có khi Pháp trả, có khi lờ đi, thì đó là một « pratique courant » thường xảy ra, không phải là có luật lệ chặc chẽ trên luật pháp bắt phải trả lại hay được quyền giữ lại, đó là tùy sự thương lượng giữa hai nước, tương quan giữa hai nước »
Thỏa thuận mua bán coi như đã xong, nhưng liệu cổ vật có lịch sử gần 200 năm này có đem ra khỏi nước Pháp được không ? theo nhà báo Phạm Cao Phong, có một dư luận cho rằng: « nếu có một cơ quan của Pháp hay người Pháp nào muốn ngăn việc vận chuyển tài sản này với lý do không được chuyển tài sản của nước Pháp ra khỏi lãnh thổ Pháp về Việt Nam thì họ vẫn có thể kiện ra tòa để ngăn và chiếc ấn sẽ bị giữ lại nước Pháp cho đến khi tòa xử » nhưng nhà báo Phạm Cao Phong cho rằng việc này bất khả thi vì đây không phải là tài sản hay bảo vật của nước Pháp, ông lý giải :
« Tôi muốn nói đã có một tòa án của Pháp phán quyết về sự tranh chấp giữa vua Bảo Đại và hoàng thái tử Bảo Long là chiếc ấn đó thuộc về vua Bảo Đại , đó là cơ sở pháp lý đầu tiên. Thì ai sẽ lật ngược lại cái án lệ đó ? Và theo Bộ luật Dân sự của Pháp, điều 1128 và điều 1171 cũng như điều 2272 nói về tính sở hữu chủ thì tôi nghĩ không có điều nào để ngăn việc này cả »
Việc thỏa thuận ngoài sàn (accord de gré à gré) giữa người bán, người mua và nhà đấu giá như một pháp nhân trung gian không phải là một chuyện lạ, nhưng trong tất cả các cuộc đấu giá, giá bán đều được công khai, thế nhưng bên phía Việt Nam cũng như nhà Millon đều không đưa chi tiết về bản thỏa thuận này. Đài RFA liên lạc với một vài commissaires-priseurs (người điều khiển cuộc đấu giá) thì câu trả lời đều là : trong thỏa thuận có một điều khoản là không được công bố nội dung thỏa thuận và nhà Millon phải tôn trọng điều kiện do bên mua (tức là phía Việt Nam) đưa ra.
Sự mập mờ này không khỏi gây sự bức xúc ở nhiều người, luật sư Lê Trọng Quát nói :
« Thật là một sự lạ kỳ mà tôi có thể nói là một sự cố ý mờ ám để mà sử dụng riêng của đảng cộng sản hay của các cá nhân có chức vị tại Việt Nam. Đó là chuyện quốc gia, là chuyện chung mà mọi người cần biết, tại sao lại là mờ ám, nhập nhèm như vậy ?
Sự nhập nhèm đó chứng tỏ là có một cái gì mờ ám. Sau khi bảo vật đem về, sau một thời gian người ta quên đi rồi sẽ tẩu tán ? Tôi nhắc lại là một bảo vật quốc gia, nó phải được giữ trong bảo tàng viện, đâu phải là của cá nhân mà làm việc mờ ám. Cái điều mà yêu cầu giữ kín chứng tỏ rõ rệt tư cách mờ ám của các giới chức đó. »
Theo thông lệ, giá mua của tất cả những cổ vật được bán đấu giá sau đó đều được công khai trên trang mạng của nhà đấu giá. Tuy nhiên, trên thông báo của báo Việt Nam cũng như nhà Millon đều không công bố giá mua chiếc ấn. Khi được hỏi về giá mua của Ấn Kim Bảo Tỷ, một trong những commissaire-priseur (người điều khiển cuộc đấu giá) mà chúng tôi (RFA) liên lạc được chỉ cho biết : « Tôi không thể nói gì hơn, nhưng giá của nó cao hơn giá mà chúng tôi ước tính rất nhiều » (nguyên văn tiếng Pháp : Je ne peux pas en dire plus, mais ç’est nettement au dessus des estimations )
Giá ước tính được đưa ra trong ngày dự định đấu giá là 2 – 3 triệu euros, như vậy, thì giá mua phải cao hơn 3 triệu euros rất nhiều. Nhưng chính xác là bao nhiêu thì không được cả phía bên Việt Nam cũng như nhà Millon công khai.
Ngày 5/11, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân – nguyên giám đốc viện bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam – trả lời trên đài truyền hình Nhân Dân rằng cần xã hội hóa việc huy động nguồn vốn để mua lại chiếc ấn, ông kêu gọi sự đóng góp của các tập đoàn kinh tế lớn của cộng đồng trong cũng như ngoài nước để hồi hương cổ vật.
Câu hỏi « cháy bỏng » của nhiều người Việt quan tâm đến sự kiện này là : « Việt Nam đã phải trả giá bao nhiêu để hồi hương cổ vật ? và nguồn vốn được huy động từ đâu ? từ tiền của các tập đoàn kinh tế tư nhân hay nguồn vốn chính phủ, tức từ tiền thuế của người dân ? và nếu từ tiền thuế của người dân, tai sao người dân không được biết nội dung thỏa thuận cũng như giá mua chiếc ấn ? »
Theo nhà báo Phạm Cao Phong : dù là từ nguồn vốn nào, thì đây là một tài sản quốc gia, và người dân đều được quyền biết :
« Thật sự ra, cái khao khát của người dân Việt Nam là họ có quyền công dân, quyền hiểu biết đã được ghi vào quyền con người. Thì tôi nghĩ rằng điều đó, cái câu hỏi đó cần phải được bạch hóa và phải được cho mọi người biết. Tôi nghĩ rằng cái câu hỏi đó phải được đưa thành vấn đề bức thiết bây giờ. Tại vì trong Bảo tàng Huế chẳng hạn, chỉ cần nhìn cũng đã thấy ngay là ấn giả. Một chiếc ấn mà chân con rồng thiếu một cái, cawsi mặt ấn thì khấp kha, khấp khểnh. Nhìn thấy là có cái gì đó không thuyết phục được rồi.
Thứ hai nữa là trong khi bàn giao cho Việt Minh thì đã có bản kiếm kê đến 3000 báo vật của nhà Nguyễn. Bây giờ chúng ta cần phải biết là 3000 báo vật đó ở đâu và như thế nào ? Chúng ta đã biết chuyện 16 tấn vàng rõ rồi, nó mới 1975 thôi. Tức là năm 75 đã bay ra Hà Nội rồi mà đến bây giờ chúng ta cũng không biết là tiêu tốn như thế nào ? Mà 16 tấn thì nó không thể chui qua lỗ kim được !
Trong hiến pháp Việt Nam ghi là « Dân làm chủ », người dân là người kiểm tra, còn những quan chức là đầy tớ của nhân dân thì bây giờ yêu cầu phải rõ ràng, minh bạch những điều mà hiến pháp Việt Nam đã ghi là quyền được hiểu biết, được tiếp nhận thông tin mà những quyền ấy là quyền con người »