Sau khi được cổ phần hóa, một số doanh nghiệp Nhà nước đã chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh để khai thác lợi thế từ đất đai, tức chỉ quan tâm đến đất vàng, tự diệt hoạt động sản xuất của chính doanh nghiệp. Đây là thực tế mặt trái của cổ phần hóa được xúc tiến lâu nay.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM, cho biết:
“Cổ phần hóa là một chủ trương lớn của Nhà nước, bắt đầu được thí điểm từ 1990 cho đến giờ đã là 32 năm”.
Cổ phần hóa, ông nhấn mạnh, tạo cơ hội kinh doanh cho các thành phần kinh tế khác, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, góp phần nâng cao năng lực tài chính, đổi mới phương thức quản trị DNNN và tác động tích cực tới thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên thực tế cho thấy việc thực hiện cổ phần hóa DNNN vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Từ 2016-2020 đã có dự kiến thoái vốn tại 384 DN với tổng giá trị theo sổ sách Nhà nước là 60.000 tỷ đồng. Nhưng hết 2020 thì chỉ thoái vốn được 106 DN, với tổng giá trị 6.493 tỷ đồng, đạt 11%.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại các DN sau cổ phần hóa vẫn cao. Tại nhiều DN, cổ đông Nhà nước vẫn nắm quyền quyết định nên thực chất không có đổi mới. Hoạt động kinh doanh sau cổ phần hóa có chiều hướng đi xuống, điển hình Tổng Công ty CP Lương thực Miền Nam, Tổng công ty CP Xây dựng Sông Hồng.
Tiến độ cổ phần hóa chậm là đúng, những trường hợp tiêu cực thì phải dẫn chứng, là nhận định của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. Theo ông vì không có sự đánh giá chính xác giá trị của DNNN, mà để đánh giá phải có sự tổng kết, phải có sự phân tích chứ không thể lấy ví dụ từ một số DN nào đấy rồi bảo rằng các trường hợp cổ phần hóa đều tiêu cực như thế:
“Tôi biết có những doanh nghiệp cổ phấn hóa rất thành công, thí dụ DN cổ phần hóa bóng đèn phích nước Rạng Đông mà tôi có tham gia làm thành viên Hội đồng Quản trị, thì cho đến nay doanh nghiệp đó rất phát triển và đã ứng dụng khoa học công nghệ. Hiện Rạng Đông đang xây dựng các ‘ngôi nhà thông minh’ ở Hà Nội.”
Cần phải hoàn chỉnh khung pháp lý về cổ phần hóa, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định, để trên cơ sở đó đánh giá đúng các giá trị, tránh sự lợi dụng cổ phần hóa để làm giàu cho một số nhà đầu tư nhất định nào đấy:
“Muốn vậy thì phải có luật về cổ phần hóa, phải công khai minh bạch quá trình cổ phần hóa, phải công khai minh bạch các nhà đầu tư mua cổ phần của DN đó”.
Đáng quan tâm hơn cả theo phản ảnh của Bộ Tài chính, một số DNNN sau khi cổ phần hóa đã chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh để khai thác lợi thế từ đất đai, không tạo việc làm cho người lao động. Nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần của DNNN chỉ nhắm vào bất động sản và những ‘khu đất vàng’. Khi đã nắm được DN thì tìm cách chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, để kiếm lời chứ không tập trung vào đầu tư phát triển DN theo hoạt động sản xuất kinh doanh ban đầu.
Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân, đồng ý rằng DNNN nào mà bất động sản có vị trí gọi là ‘đắc địa’ ở các thành phố lớn thì được các tập đoàn tư nhân hoặc DN tư nhân chú ý quan tâm nhiều nhất:
“Trước đây vì việc định giá đất chưa sát với thị trường, cho nên nó rất hấp dẫn tư doanh hay tư nhân muốn mua cổ phần DNNN đó. Thế bây giờ quá trình bị chậm do là phải rà soát lại công tác định giá. Định giá DN phải tính đến giá trị quyền sử dụng đất.”
“Gần đây công tác cổ phấn hóa bị chậm. Chậm cả phía các công ty kiểm toán cũng bị thanh tra, trong đó có việc không định giá tài sản sát với thị trường.”
“Thứ hai ở đây là có sự tham nhũng giữa các cán bộ có chức có quyền và các công ty tư nhân thông qua các công ty chứng khoán và các công ty kiểm toán để mà mua lại tài sản của DNNN với giá rẻ, trong đó tham nhũng lớn nhất liên quan đến bất động sản và đất đai ở trung tâm các thành phố lớn. Công tác cổ phấn hóa bị chậm lại là vì như vậy”.
Thống kê cho thấy tính đến hết 2020 chỉ còn 0.08% DNNN còn hoạt động, nhưng lại nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, chiếm 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ các DN trên thị trường. Các DNNN này chiếm 25,78% tổng vốn sản xuất kinh doanh, 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các DN.
Tiến độ cổ phần hóa các DNNN diễn ra chậm cũng là nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ông cho biết, kế hoạch năm 2021 là thu về cho ngân sách khoảng 40.000 tỷ từ cổ phần hóa, nhưng thực tế thì chưa được 2.000 tỷ đồng. Ông còn dự báo năm nay việc cổ phần hóa tiếp tục gặp khó khăn do không thực hiện được.
Người đứng đầu Bô Tài chính nêu bật một số tồn tại trong việc cổ phần hóa DNNN, nói rằng xác định giá trị của DN chưa chính xác, có nghĩa là thấp hơn giá trị thực tế và giá trị xác định lại sau kiểm toán.
Đây là nguyên nhân gây thất thoát, ông nói, dẫn đến nhiều vụ xử lý hình sự. Qua kiểm toán 45 DNNN đã cổ phần hóa, Kiểm toán Nhà nước phát hiện giá trị các DN tăng lên bình quân 2,8 lần. Điều này cho thấy việc xác định giá trị DN, đặc biệt xác định giá trị quyền sử dụng đất…đều không chính xác.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng sự thất thoát tài sản công là đất đai trong cổ phần hóa DNNN, không chỉ qua định giá thấp mà còn qua việc “tư nhân hóa ngầm” đất công.
Trả lời RFA qua điện thư hôm 18/5, Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế-Quản lý TPHCM, cho rằng việc cổ phần hóa, thoái vốn không đạt yêu cầu kế hoạch đề ra do tình hình dịch bệnh COVID-19 tác động đến thị trường khiến công tác định giá gặp nhiều trổ ngại:
“Mặt khác, người đứng đầu DN chưa thật sự quyết tâm; công tác chuẩn bị cổ phần hoá, thoái vốn chưa khẩn trương, chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hoá, các vướng mắc về tài chính chưa được xử lý đến nơi đến chốn.”
Những bất cập có dấu hiệu tiêu cực, Tiến sĩ Trần Quang Thắng phân tích tiếp, cần phải được giám sát, ngăn chặn trong quá trình định giá giá trị thương hiệu, giá trị tài sản, đồng thời giá trị sử dụng đất đưa vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá có nhiều biến đổi do thị trường đất đai thiếu ổn định.
Ông cũng nhân đây mô tả bức tranh toàn cảnh về cổ phần hóa, nhắc lại Nghị quyết Trung ương Đảng XIII với qui định rõ là kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể dần phải làm chủ đạo, kinh tế tư nhân và kinh tế FDI (vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) là động lực quan trọng để phát triển kinh tế quốc gia:
“Thế thì xem ra vẫn phải có doanh nghiệp Nhà nước. Nhà nước hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các DN thuộc thành phần kinh tế khác nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, đồng thời củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.”
Viện trưởng Viện Kinh Tế và Quản lý Trần Quang Thắng còn cho biết thêm là Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025 đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam. Người dân sẽ quan sát, đánh giá xem các tập đoàn này sẽ hoạt động tích cực và hiệu quả ra sao trong thời gian tới.