Bất chấp sự lo lắng của người dân và doanh nghiệp khi số ca nhiễm vì dịch COVID-19 liên tiếp tăng, Việt Nam vẫn cương quyết không hoãn việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5/2021. Giới quan sát chính trị cho rằng điều này cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam quyết tiến hành bầu cử bằng mọi giá.
Thắng lợi bằng mọi giá
Nhiều ngày qua, Việt Nam ghi nhận mỗi ngày trên 100 ca nhiễm COVID mới và số ca tử vong đã tăng lên 42 kể từ đầu mùa dịch. Nhiều địa phương đã bị phong toả và ít nhất bốn khu công nghiệp đã phải dừng hoạt động khi số ca lây nhiễm tại đây tăng, khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi bất an, lo ngại về nguy cơ phá sản do gián đoạn sản xuất, không hoàn thành hợp đồng đã ký với khách hàng nước ngoài.
Tuy vậy, cuộc bầu cử QH và HĐND vẫn được diễn ra đúng ngày ấn định, thậm chí trong ngày 22/5, hơn 100 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 Bắc Ninh đã phải “đi bầu” sớm ngay tại khu điều trị. Và hơn ba ngàn người dân Bắc Ninh -địa phương đang bị dịch hoành hành cũng đã đi bỏ phiếu bầu cử sớm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người đã từng có hơn 30 năm công tác tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng Việt Nam không hoãn lại ngày bầu cử – một quyết định đã được Quốc hội đưa ra từ 6 tháng trước khi dịch COVID-19 lần thứ tư chưa bùng phát đều có lý do:
“Đối với chính quyền cộng sản [Việt Nam] họ đã định làm cái gì là phải làm bằng được dù có nguy hiểm, phải làm để thắng lợi chứ không để thua hay thất bại. Có xảy ra cái gì đi nữa thì người ta sẽ tìm cách tuyên truyền để cuộc bầu cử nhất định phải thắng lợi.”
Ông Trang nói với RFA vào ngày 22/5 rằng ngày nào người dân như ông cũng nhận được tin nhắn tuyên truyền về bầu cử qua điện thoại, danh sách ứng cử viên và phiếu bầu cử cũng được tổ dân phố mang đến tận nhà. Với sự tuyên truyền đến “tận ngõ” về kỳ bầu cử này như vậy thì rõ ràng Chính phủ Việt Nam đã hạ quyết tâm thực hiện thành công bằng được kỳ bầu cử này, ông nói tiếp:
“Tôi nghĩ việc này Việt Nam đã có kinh nghiệm rồi, kinh nghiệm tổ chức các phong trào của toàn hệ thống chính trị, đồng loạt ra quân thì chắc [kết quả] lại có 99% cử tri đi bầu thôi”.
Nhìn nhận thực tế tại một số quốc gia khác như Mỹ hay Ấn Độ, tình hình dịch bệnh đã tăng mạnh sau bầu cử, do đó ông Trang cho rằng Việt Nam “chắc chắn có nguy cơ” tăng lây nhiễm trong quá trình bầu cử; nhưng để “hoãn lại” sự kiện trọng đại này là điều không bao giờ xảy ra.
“Hoãn lại như thế hóa ra quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước này kém à? Đảng đã có quyết tâm chính trị như vậy rồi, nhất định phải thực hiện, dù có khó khăn, hy sinh vẫn phải làm cho bằng được. Thực hiện quyết tâm của trên, dưới không quan trọng, làm thế nào thì làm”
Ngoài ra, ông Trang nói tiếp, Việt Nam muốn chứng tỏ với thế giới rằng “dịch như thế nhưng Việt Nam vẫn chỉ đạo cuộc bầu cử thành công 100%.”.
Tuy nhiên nếu chẳng may tình trạng lây nhiễm gia tăng nhiều hơn trong quá trình bầu cử thì Việt Nam vẫn có cách tuyền truyền theo hướng tích cực, ông Trang nói thêm:
“Con số đó [con số lây nhiễm] thì người ta sẽ xử lý thế nào để không tăng. Thiếu gì cách, phối hợp giữa việc y tế, việc bầu cử, tuyên truyền phải khớp nhau để để vừa dập dịch vừa bầu cử thắng lợi”
Ông cũng đoán rằng Việt Nam sẽ báo cáo tỷ lệ đi bầu đạt “rất cao” như thường lệ vì các cấp từ tỉnh, thành phố đến quận huyện, xã phường, thôn xóm, nơi nào cũng được yêu cầu phải đạt tỷ lệ 100% nếu không sẽ bị kiểm điểm, phê bình.
Có thực sự là ngày hội của toàn dân?
Trao đổi với RFA, rất nhiều người dân tỏ ra lo lắng về nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch và cho rằng việc “hy sinh sức khỏe và sự an toàn” của bản thân cho một cuộc bầu cử mang tính hình thức cũng không đáng. Một người dân (không muốn nêu tên vì an toàn) ở miền Trung nói với RFA:
“Mai tôi sẽ không tham gia bầu cử. Cá nhân tôi không muốn đi bầu cử vì có nhiều cái không biết thế nào vì có thể người ta đi nước ngoài về, mình bị nhiễm vì cái kháng thể của mình không chống lại được thì hậu quả sẽ vô cùng phức tạp. Mình cũng khuyên bố mẹ mình là họ đừng có đi. Chưa đi đã biết anh nào trúng rồi thì đi để làm gì” – ông này nói và cũng cho biết thêm rằng nếu chính quyền xã gây khó dễ thì gia đình cũng chỉ cử đại điện đi bầu thôi.
Ông này cũng cho rằng nên hoãn lại bầu cử thì sẽ an toàn cho người dân hơn:
“Việt Nam vẫn tự hào về phòng chống dịch tốt. Giờ ca nhiễm tăng lên từng ngày từng ngày một, một ngày xấp xỉ 100 ca rồi thì cái đó buộc phải xem lại. Một là cuộc chạy đua chính trị, hai là sức khỏe của người dân thì cái đó có nên đánh đổi hay không. Cá nhân tôi nghĩ nên cứ từ từ, nên hoãn lại. Người ta làm [bầu cử] cũng để cho có mà thôi mà.”
Ở đây chẳng có ai háo hức đi bầu cử. Cá nhân tôi, từ khi lớn lên đến giờ tôi chưa bao giờ háo hức về vấn đề bầu cử – một người dân miền Trung nói.
Trao đổi với RFA, TS. Hà Hoàng Hợp, chuyên gia cao cấp về Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS) cho rằng tổ chức bầu cử an toàn và suôn sẻ là một thách thức lớn đối với tân Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ông Chính đã thừa kế mục tiêu kép vừa phải kiểm soát bệnh dịch vừa phải phát triển kinh tế từ thời cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông cũng cho rằng Việt Nam không bàn tới việc hoãn bầu cử ở thời điểm hiện tại vì ngoài việc tốn kém, cuộc bầu cử sẽ được coi là suôn sẻ “nhờ vào 76 năm kinh nghiệm thực hiện các cuộc bầu cử theo thể chế chính trị độc đảng”.
Ông dự đoán số lượng cử tri không tham gia bỏ phiếu sẽ nhiều hơn so với các kỳ bầu cử trước.
“Cuộc bầu cử này diễn ra trong lúc có làn sóng COVID thứ 4 nên một lượng cử tri có thể sẽ không đi bỏ phiếu vì lo bị phơi nhiễm” – ông nói.