“Mười mấy anh em bán hơn phân nửa tại vì Grab lên chiết khấu, khách ít, giá xăng lên nên chạy không có ăn, anh em quyết định bán, nghỉ làm chuyện khác. Mỗi tháng đóng ngân hàng gồng sao nổi? Chi phí xe này nọ góp mỗi tháng cả chục triệu.
Một số anh em chịu không nổi bán xe hết rồi, mình cũng đang kêu lái bán, không chạy gì được. Mượn tiền bên vợ, bên mình, mượn tùm lum mà gồng không nổi chắc cũng bán, nghĩ sao giờ?”
“Bản thân tôi nhà có con nhỏ, tha phương cầu thực, ở thuê ở mướn, ngừng hoạt động từ 18/5 mà đến nay hơn bốn tháng trời tôi phải gồng gánh 13 triệu trong khi đó tiền ăn tiền uống, nhà cửa, con cái, nói chung rất khổ sở.
Tôi nằm trong cái khó nên chắc có lẽ tôi ‘bung’. Thật sự không chịu nổi vì tình hình này khi xả phong tỏa toàn quốc đi nữa tôi cho rằng khoảng hai tháng sau nghề dịch vụ mới sống lại được, mình không biết kéo dài bao lâu.”
Vừa rồi là chia sẻ của tài xế xe ô tô công nghệ của hãng Grab tại TPHCM với chúng tôi về tình hình khó khăn mà họ đang phải đối mặt sau khi thành phố lớn nhất phía nam liên tục giãn cách trong suốt bốn tháng qua để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát lần thứ tư.
Nhiều tài xế cho hay họ ở trong tình cảnh mua trả góp xe ô tô để gia nhập hãng xe công nghệ nhưng khi dịch bùng phát, họ không có thu nhập, nên vừa lo cho đời sống vật chất hằng ngày, vừa lo trả nợ cho ngân hàng vì ngân hàng không có chính sách giãn nợ.
“Một chiếc xe đâu rẻ, nếu người nào mua chiếc Ford Runner 1,1-1,2 tỷ làm dịch vụ hay Grab mua chiếc Ford Runner luôn thì giá góp tùy theo 5-7 năm. Nếu 5 năm trả một tháng 17-18 triệu, năm đầu tiên đóng tiền lãi có 0,85% nhưng sau nhảy lên một chấm mấy.
Nhóm tôi chạy dịch vụ bên Hóc Môn giờ đang bị nợ xấu hai tháng mấy chưa đóng, bây giờ trong khu cách ly nữa, nhà giăng dây, bị giãn cách, giờ nhiễm bệnh nữa sao chạy?
Câu lạc bộ Grab, bất cứ ai cũng vậy, giờ người ta than trời hết trơn, nói chung người ta buông hết rồi. Sài Gòn giờ 100% chạy ô tô ngoài đường là gia đình 100 người chứ có 1, 2 người đi là cao. Ô tô đâu phải số tiền nhỏ, toàn đi chạy Grab mà không nghe ngân hàng nói giãn nợ.
Ngân hàng của nhà nước mà nhà nước im ru sao ngân hàng dám ho. Ngân hàng tư nhân thì lãi suất cao hơn ngân hàng nhà nước. Tùy theo có người nào quen biết bên ngân hàng giãn nợ cho, còn không đóng một tháng thì cảnh báo, ba tháng thì thu hồi xe.”
Nhiều ngân hàng lấy lý do tài xế vay tiêu dùng nên khó giảm lãi cho người vay vì sử dụng không đúng mục đích.
Sở dĩ lý do nhiều tài xế chấp nhận vay tiêu dùng khi vay mua xe được nói do nợ có rủi ro cao vì thu nhập tài xế không ổn định nên nhiều ngân hàng chỉ đồng ý cho vay dưới dạng cho vay tiêu dùng, tức người vay có thêm nguồn trả nợ khác từ lương.
Vì vậy, ngân hàng từ chối giảm lãi hay cơ cấu cho người vay vì hợp đồng vay tiêu dùng nhưng lại sử dụng không đúng mục đích.
Bên cạnh đó, nhiều tài xế cho hay phía ngân hàng không tự áp dụng hỗ trợ giãn nợ hay cơ cấu nợ mà tài xế phải tự liên lạc tìm hiểu:
“Hồi đầu ngân hàng không có thông báo gì, bắt đầu anh em mới tự nói chuyện với nhau, nói là phải tự chủ động liên hệ chứ phía ngân hàng không chủ động thông báo cho mình.
Phía tôi có vay VIB thì em có liên hệ với các anh chị nhân viên bên đó người ta có hỗ trợ giãn nợ nhưng theo tính cách dồn.”
Người tài xế này nói rõ hơn về cách tính mà ngân hàng áp dụng:
“Tháng 9 tới tôi không đóng, tháng 9, 10, 11, 12 là họ sẽ hỗ trợ bốn tháng này, bắt đầu tháng 1 tôi đóng trở lại, nhưng thay vì mình đóng 1 thì mình đóng thành 1.5, họ giãn ra nhưng họ cộng dồn chứ họ không dời luôn cho mình. Thay vì cuối hợp đồng của mình giả sử là tháng 3/2025 họ dời thành tháng 9/2025 thì sẽ đơn giản hơn. Mặc dù họ dời cho mình thời điểm này nhưng họ là dồn cho mình một cái khó khác rất khó xử.”
Cùng hoàn cảnh tương tự, một tài xế khác cũng cho rằng việc giãn nợ mà các ngân hàng đang thực hiện với hợp đồng mua trả góp của cánh tài xế Grab hoàn toàn không đem lại tác dụng:
“Giờ ai cũng bị tình trạng đó. Ngân hàng kêu mình không đóng lãi, không đóng tiền gốc trong vòng 4-6 tháng, sau đó chia ra 8 tháng hoặc 12 tháng rồi mới đóng tiền lãi, tiền gốc luôn, đóng tiền cũ dồn lại hai cái đóng không nổi. Ví dụ mình đóng 5 triệu, qua tháng đó đóng 10 triệu sao nổi? 5 triệu là tiền gốc, rồi tiền lời nữa, nó bắt mình đóng hai lần sao đóng nổi?”
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, nói với truyền thông chính thống rằng vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư số 14, theo đó các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
Người vay nếu thuộc diện theo quy định của thông tư này có thể làm đơn đề nghị gửi đến ngân hàng cho vay. Nếu bị từ chối, người vay có thể gửi đơn đến Ngân hàng Nhà nước.
Tuy vậy, trong thực tế, mọi việc vẫn phụ thuộc vào quyết định của các ngân hàng do thông tư 14 được nói chủ yếu quy định về khoảng thời gian các ngân hàng được cơ cấu nợ và không giới hạn cụ thể đối tượng, mục đích vay.
Không chỉ từ phía ngân hàng mà ngay chủ lao động là Grab cũng được nói là không hỗ trợ gì cho chính những người hợp tác với công ty, như chia sẻ của một tài xế:
“Phải chi bên Grab có chương trình hỗ trợ cho tài xế, ngân hàng giảm thì anh em còn gắn bó nổi, kiểu này anh em đâu chịu nổi.
Bên Grab liên hệ không được, không giải quyết được gì. Mình mua ăn đấm ăn xôi là mình chịu chứ nó không có trách nhiệm gì. Mua chiếc Vios đời 2019 chạy được 3, 4 tháng là bị dịch tới giờ ảnh hưởng, chưa chạy được bao nhiêu là dịch dập tới. Dịch nhấp nhá nhấp nhử hoài chạy không được, khách đâu đi nhiều.”
Đại diện Grab khi trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ vào giữa tháng 9 về vấn đề tài xế phải ‘treo xe’ do không được ngân hàng giảm lãi và cơ cấu nợ đã cho hay: “Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, từ tháng 4/2020, Grab đã đề xuất một số ngân hàng xem xét giãn nợ, giảm lãi suất cho đối tác GrabCar. Rất mong TP sớm khống chế được dịch, mở lại các hoạt động kinh tế, trong đó có các dịch vụ như GrabCar, GrabBike theo lộ trình đảm bảo an toàn.”
Một tài xế cho hay nghề chạy xe chở khách công nghệ hoàn toàn không phải dễ dàng vì Grab có những chính sách không công bằng giữa các tài xế. Tuy vậy, họ vẫn cố gắng làm để kiếm thêm thu nhập nhưng dường như đã đến lúc họ cần phải xem xét lại về nghề nghiệp này vì so với những gì bỏ ra, thành quả thu lại không đủ bù đắp cho họ, đặc biệt trong thời gian dịch dã như hiện nay:
“Tôi chạy Grab được chắc khoảng tám tháng nhưng có khi tôi ăn trên xe, hộp cơm phải ngưng ăn hai, ba lần, hoặc mới ngưng kêu tô hủ tíu thì phải bỏ tô hủ tíu vì khi khách người ta vừa đặt, nếu mình không nhận cuốc để chạy thì khi khách đặt lại mình khó nhận được cuốc. Thành ra tài xế chỉ chưa đi toilet trên xe thôi chứ rất khổ!”