Theo một quan chức chính phủ Campuchia, một vài tàu chiến Trung Quốc đã đến căn cứ hải quân Ream của nước này “để chuẩn bị huấn luyện” cho Hải quân Campuchia. Đây được xem là một động thái hiếm hoi diễn ra song hành với chuyến thăm Phnom Penh của một tướng lĩnh Trung Quốc – chuyến viếng thăm được trông đợi sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha cho biết trên trang Facebook của mình hôm Chủ nhật (3/12) rằng ông và cha mình, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh, đã đến thăm Ream – căn cứ hiện đang được xây dựng với sự giúp đỡ của Bắc Kinh.
Ông Tea Banh đã được phong tặng danh hiệu cao quý Samdech Pichey Sena, tạm dịch là “Vị Tư lệnh chiến thắng và vĩ đại nhất” vào năm 2017 và vẫn duy trì ảnh hưởng lớn đối với quân đội mặc dù đã nhường lại vị trí cho con trai mình.
Hai cha con đã thăm các tàu hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) “đậu tại cảng Ream nhằm chuẩn bị huấn luyện thủy thủ Hải quân Campuchia của chúng ta” – ông Tea Seiha viết trên Facebook và thêm rằng cha con ông đã “thị sát việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đang diễn ra một cách tích cực theo kế hoạch” và việc phát triển căn cứ này sẽ “đưa năng lực của lực lượng hải quân [của Campuchia] lên một tầm cao mới”.
Không rõ có bao nhiêu tàu PLA đang ở Ream và thời gian huấn luyện sẽ kéo dài bao lâu nhưng có thể nhìn thấy ít nhất hai tàu trong các bức ảnh được đăng kèm status này.
Hình ảnh vệ tinh cung cấp bởi công ty Planet Labs vào ngày 3/12 cũng cho thấy hai tàu, nhiều khả năng là tàu hộ vệ corvette hoặc hộ vệ frigate, đang neo đậu tại cầu tàu mới ở phía tây trung tâm của căn cứ.
Điều này cho thấy sự can dự sâu hơn, nhiều hơn của Hải quân PLA ở Campuchia.
Cho đến nay, chưa có trường hợp tàu chiến nước ngoài được biết đến là đã được tiếp cận căn cứ hải quân Ream. Tàu khu trục chống ngầm Admiral Panteleyev của Hải quân Nga, trong chuyến thăm Campuchia ngày 27/11, đã đậu tại cảng Sihanoukville cách đó khoảng 20km.
Tư duy chiến lược của Campuchia
Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã đưa tin về sự phát triển nhanh chóng của căn cứ hải quân Ream trong năm qua.
Một trong những sự phát triển ấn tượng nhất là công trình cầu tàu nước sâu mới có thể làm nơi neo đậu cho các tàu sân bay, trong đó có cả tàu sân bay thứ ba Phúc Kiến (Fujian) của PLA.
Campuchia đã nhiều lần bác bỏ thông tin cho rằng Trung Quốc đang có tiếp cận quân sự độc quyền đối với căn cứ Ream đồng thời nói rằng việc này sẽ mâu thuẫn với hiến pháp của Campuchia. Nếu hoạt động từ căn cứ này, đây sẽ là cơ sở tập kết hải quân đầu tiên của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á và là căn cứ nước ngoài thứ hai của nước này trên thế giới, tiếp sau căn cứ đầu tiên là Djibouti ở Đông Phi.
Trong một bài báo mới đây, học giả Campuchia Chansambath Bong, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Tầm nhìn Châu Á (Asian Vision Institute – AVI), cho rằng “cuộc tranh luận về việc tái phát triển Căn cứ Hải quân Ream đươc thống trị bởi các phương tiện truyền thông và nhà phân tích phương Tây – những người nhìn Campuchia chủ yếu thông qua lăng kính về cạnh tranh Mỹ – Trung ở Đông Nam Á đồng thời là những người thiếu hiểu biết về lịch sử và tư duy chiến lược của Campuchia”.
Trong bài báo đăng trên website của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), ông Chansambath Bong lập luận rằng “hoạt động tái phát triển Căn cứ Hải quân Ream đang diễn ra là việc tối quan trọng mang tính chiến lược đối với quản trị hàng hải của Campuchia”.
“Theo quan điểm của Campuchia, việc tái phát triển căn cứ Ream là cần thiết và phù hợp với hiến pháp và các quyền của Campuchia với tư cách là một quốc gia có chủ quyền” – học giả này nói và thêm rằng: “Campuchia đã tận dụng quan hệ đối ngoại để giải quyết các thách thức về tự vệ và an ninh hàng hải”.
Cộng đồng Chung Vận mệnh
Theo hãng thông tấn Tân hoa xã của Chính phủ Trung Quốc, chuyến thăm của tàu chiến PLA diễn ra trong bối cảnh một tướng lĩnh cấp cao của Trung Quốc đến thăm Campuchia để thúc đẩy tình hữu nghị “không gì phá vỡ được” giữa hai nước và hai quân đội.
Trong ngày thứ Hai (4/12), Thượng tướng Hà Vệ Đông, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Campuchia, trong đó có Thủ tướng Hun Manet và ông Hun Sen – cha ông Hun Manet đồng thời là Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia – đảng hiện đang giữ quyền lãnh đạo tại Campuchia.
Ông cũng hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Tea Seiha để trao đổi “quan điểm về quan hệ song phương, hợp tác quân sự và các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.”
“Hai quân đội đã duy trì hợp tác cấp cao trong các lĩnh vực, bao gồm cả trao đổi cấp cao, xây dựng cơ chế, tập trận chung và huấn luyện quân nhân” – ông Tea Seiha nói.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Campuchia và tướng Trung Quốc “bày tỏ tin tưởng” rằng Bắc Kinh và Phnom Penh sẽ tiếp tục củng cố cái gọi là “Cộng đồng Chung Vận mệnh Campuchia-Trung Quốc.”
“Cộng đồng Chung Vận mệnh” là một khái niệm khá mới được nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thường xuyên sử dụng để mô tả về tầm nhìn về quan hệ quốc tế của Trung Quốc.