Tàu hải cảnh của Trung Quốc mang số hiệu 5204 đang đi tuần trong khu vực Bãi Tư chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt 30 ngày qua tính đến ngày 1/10/2023. Ông Raymond Powell – Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Stanford đưa tin này trên mạng X (Twitter) dựa theo các hình ảnh vệ tinh thu thập được.
Theo hình ảnh vệ tinh và thông tin được ông Raymond Powell đăng tải, tàu Kiểm ngư 260 của Việt Nam hiện dang theo dõi hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc.
Khu vực Bãi Tư chính ngoài khơi Vũng Tàu là nơi có các các lô dầu khi đang khai thác của Việt Nam và cũng là nơi chịu nhiều sức ép do các hoạt động của tàu chấp pháp và tàu dân quân biển của Trung Quốc trong những năm qua.
Hồi năm 2017 và 2018, Trung Quốc đã gây sức ép khiến Việt Nam phải yêu cầu công Repsol của Tây Ban Nha ngưng khoang tìm dầu khí ở các lô 07/03 và 136/03 ở Bãi Tư chính.
Gần đây nhất, vào ngày 17/8, Trung Quốc cũng điều tàu hải cảnh mang số hiệu 5403 vào Bãi Tư chính.
Hồi đầu tháng 7, Trung Quốc đã điều tàu hải cảnh lớn nhất thế giới là CCG 5901 vào vùng biển của Việt Nam và tiến gần tới các lô dầu khí của Việt Nam ở phía Nam.
Trong tháng 5, Trung Quốc cũng điều tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng đoàn tàu hộ tống gồm hải cảnh và dân quân biển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đi lại trong vùng nước này suốt 28 ngày.
Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc điều tàu khảo sát vào vùng biển của Việt Nam nhưng Bắc Kinh khẳng định tàu Trung Quốc đang hoạt động ở vùng nước thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng bao gồm Việt Nam.
Toà Trọng tài quốc tế trong một phán quyết vào năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường này nhưng Bắc Kinh không công nhận phán quyết này.