Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan sẽ thăm Việt Nam vào nửa cuối tháng bảy này. Đây là chuyến thăm sau hơn một năm rưỡi của một hàng không mẫu hạm Mỹ đến Việt Nam. Hai nguồn tin địa phương cho biết tin vừa nêu.
Chuyến thăm gần nhất là của hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt hồi tháng ba năm 2020 với 5.000 thành viên đều phải xét nghiệm COVID-19 khi đến thăm Đà Nẵng.
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan vào đầu tháng bảy tiến hành diễn tập tại vùng Biển Philippines sau khi rời Guam hồi cuối tháng sáu. Hiện thời Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho du khách nước ngoài khi mà Chính phủ áp dụng chính sách ‘sống chung với COVID’.
RFA đã liên lạc với Bộ Chỉ huy phụ trách Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của Hoa Kỳ để hỏi về thông tin vừa nêu nhưng chưa nhận được trả lời. Nếu được xác nhận, đây sẽ là hàng không mẫu hạm thứ ba của Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc hồi năm 1975.
Hàng không mẫu hạm đầu tiên thăm Việt Nam là chiếc USS Carl Vinson hồi tháng 3/2018. Đã có những cuộc bàn bạc về chuyến thăm của chiếc USS Abraham Lincoln đến Việt Nam vào tháng năm vừa qua nhưng rồi không thực hiện được. Hàng không mẫu hạm này đang tham gia đợt diễn tập hai năm một lần RIMPAC gần Hawaii.
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (CVN 76) được đặt theo tên của vị tổng thống Hoa Kỳ thứ 40. Đây là siêu hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng nguyên tử thuộc lớp Nimitz và đóng tại cảng Yokosuka, Nhật Bản.
Dịch COVID-19 lây lan trên tàu hồi tháng 3/2020 khi đang có mặt tại khu vực Tây Thái Bình Dương dẫn đến tình trạng phong tỏa tại Căn cứ Hải quân Yokosuka, trụ sở của Đệ thất Hạm đội Mỹ.
Cuối tháng ba năm 2020, Hải quân Hoa Kỳ vba1o cáo có 134 nhân sự bị nhiễm COVID-19 nhưng không nói rõ họ thuộc chiến hạm nào.
Những nguồn tin hàng hải và tàu biển thạo về Hải quân Việt Nam cho biết hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan sẽ đến Đà Nẵng trong khuôn khổ chuyến thăm năm ngày Việt Nam diễn ra trong vòng chừng hai tuần lễ nữa. Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan mang 90 máy bay trong đó có nhiều chiếc thuộc loại F/A-18E Super Hornets và những hệ thống tên lửa tinh vi.
Tất cả những chuyến thăm của chiến hạm ngoại quốc đều được quân đội Việt Nam điều tiết một cách cẩn thận để không bị cho đứng về phe cường quốc nào trên thế giới. Tuy vậy trong những năm gần đây, hai quốc gia cựu thù là Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước dài tiến đến mối quan hệ đối tác chiến lược vào khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp quyết đoán tại Biển Đông. Đây là vùng biển mà Việt Nam và năm quốc gia khác cùng có tuyên bố chủ quyền.
Kể từ năm 2016 dưới thời Tổng thống Obama khi Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, Hà Nội bắt đầu có được khí tài quân sự của Mỹ gồm tàu cho lực lượng tuần duyên ngày càng tăng cường của Việt Nam.
Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa tại Biển Đông và Washington thường xuyên cử chiến hạm hải quân đến để thực hiện chiến dịch gọi là tự do hàng hải (FONOPs); hoạt động này của Washington bị Bắc Kinh phản đối mạnh.
Vào tháng 6/2016, trước khi diễn ra phiên tòa quốc tế do Philippines đệ đơn dẫn đến phán quyết chống lại tuyên bố chủ quyền quá đáng và phi pháp tại Biển Đông của Trung Quốc, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan được bố trí trong khu vực trong nhiệm vụ được xem là để ủng hộ cho phán quyết đó của tòa.
Trong một diễn tiến mới nhất, đợt diễn tập hải quân lớn nhất thế giới- Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2022 do Hoa Kỳ chủ soái, đang diễn ra cho đến ngày 4/8 cũng để phô diễn sức mạnh hải quân của Hoa Kỳ và đồng minh.
Năm nước quanh Biển Đông gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore thuộc số 26 quốc gia tham dự đợt diễn tập RIMPAC 2022 với 25000 nhân sự tham dự.
Phiên bản tiếng Anh của Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc, có bài bình luận chỉ trích ‘cuộc trình diễn hải quân’ là ‘cuộc phô diễn sự dọa dẫm’.
Báo này cho rằng cuộc phô diễn ‘nhắm đến việc bảo đảm một khu vực Ấn Độ dương- Thái Bình dương’ thuộc sự thống soái của Hoa Kỳ hơn là một khu vực tự do và rộng mở’.
Báo này cũng cảnh báo rằng cùng với ‘sự gia tăng sức mạnh đất nước, Trung Quốc đã phát triển khả năng bảo vệ những quyền lợi cốt lõi, chủ quyền, và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc trong phạm vi lớn hơn ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và xa hơn nữa’.
Hôm ngày 17/6, Trung Quốc cho hạ thủy hàng không mẫu hạm thứ ba do mình tự thiết kế và đóng hoàn toàn tại Hoa Lục. Chiếc Phúc Kiến 80.000 tấn được trang bị những thiết bị tiên tiến như dàn điện từ để chiến đấy cơ cất cánh. Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc có tên Liêu Minh được mua lại của Ukraine và tân trang lại. Chiếc thứ hai là Sơn Đông được thiết kế dựa theo mẫu của Liêu Ninh.
Như vậy đến nay, Trung Quốc có ba hàng không mẫu hạm so với 11 chiếc của Hoa Kỳ. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc từng cho biết Hoa Lục sẽ phát triển thêm hàng không mẫu hạm tùy theo nhu cầu an ninh của đất nước.