Trong báo cáo gửi Bộ Công thương về tình hình cấp than cho sản xuất nhiệt điện được truyền thông nhà nước trích dẫn hôm 10/2/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN cho biết, tình hình cung cấp than không đúng theo kế hoạch xảy ra đối với hầu hết các nhà máy nhiệt điện của EVN như Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghi Sơn 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1.
Theo EVN, nếu không thể giải quyết tình trạng thiếu than, việc đảm bảo cung cấp điện trong năm 2023 sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Lý do vì nhu cầu sử dụng than tăng so với năm 2022 với Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mới đưa vào vận hành. Tin cũng cho biết, than cấp cho Nhà máy nhiệt điện Thái Bình năm 2022 là than sản xuất trong nước và an pha trộn giữa than trong nước và than nhập khẩu do 2 đơn vị TKV và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp.
Nhìn nhận về tình hình thiếu than của Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, hôm 13/02/2023 nói với RFA:
“Tình hình khai thác than của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam gần đây gặp khó khăn, bởi vì các mỏ có điều kiện thuận lợi khai thác lộ thiên với chi phí thấp thì đã cạn kiệt. Bây giờ chỉ còn các mỏ phải khai thác hầm lò và dưới độ sâu khá lớn, nên chi phí tăng lên và giá thành than cũng tăng lên. Trong tình hình đó, để sản xuất điện Tập đoàn EVN cũng đã phải nhập than từ bên ngoài, ví dụ như nhập từ Australia.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, đó là thực trạng khác so với trước đây, khi đó Việt Nam không những có đủ than để sản xuất điện, mà còn có thể xuất khẩu than để thu ngoại tệ. Ông Doanh cho biết thêm về những bất lợi trong việc khai thác than của Việt Nam hiện nay:
“Các loại than trong nước có rất ít loại có chất lượng, đa số có hàm lượng nhiệt thấp khó xuất khẩu, chỉ có thể để sử dụng cho sản xuất điện. Còn các than Anthracite quý, thì xuất khẩu có thuận lợi hơn. Tuy vậy, tình hình gần đây số than có chất lượng cao để xuất khẩu không còn được nhiều và giá thành cũng đã tăng lên. Hiện sản xuất than trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện ngày càng tăng lên và việc sản xuất điện do đó phải nhập khẩu nhiên liệu từ bên ngoài.”
Đúng là có một số nhà máy nhiệt điện chạy bằng than hiện nay đang phải ngừng vì thiếu than. Than cấp cho các nhà máy đó phần lớn là than nhập khẩu, bây giờ nhập khẩu khó khăn nên không có than.
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm
Trước đó, vào tháng 3 năm 2022, EVN cũng đã từng xảy ra tình trạng thiếu than tương tự, khi đó lượng than thực tế thiếu hụt lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký trước đó, EVN chỉ cung cấp được 4,49 triệu tấn trên tổng 5,58 triệu tấn theo hợp đồng đã ký, nghĩa là lượng than thiếu hụt lên đến 1,36 triệu tấn.
Vào thời điểm đó, hàng loạt các nhà máy nhiệt điện như Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 chỉ đủ vận hành một tổ máy ở mức 60 đến 70% công suất. Riêng nhà máy Hải Phòng chỉ vận hành một trong bốn tổ máy do thiếu than. EVN sau đó đã xác nhận toàn hệ thống điện quốc gia thiết hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện.
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này cho biết:
“Đúng là có một số nhà máy nhiệt điện chạy bằng than hiện nay đang phải ngừng vì thiếu than. Than cấp cho các nhà máy đó phần lớn là than nhập khẩu, bây giờ nhập khẩu khó khăn nên không có than. Còn đưa than trong nước vào vận hành không được, vì đã thiết kế cho loại than nhập khẩu. Khuyết điểm này là ở sự phối hợp của EVN với TKV (Tổng công ty Than) không được chặt chẽ, không thống nhất, không có sự dự báo, phán đoán trước, để xảy ra rồi mới kêu lên…”
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho rằng, để thiếu than trong việc sản xuất điện là khuyết điểm phối hợp giữa các bộ phận với nhau. EVN và TKV phải phán đoán được khó khăn và báo cáo ngay cho chính phủ. Ông Lâm phân tích rõ hơn:
“Về mặt kỹ thuật thì không có vấn đề gì lớn, đây là vấn đề quản lý thôi, nếu mà dự báo trước nước về thủy điện ít thì phải tăng cường nhiệt điện hay năng lượng mới lên. Còn về vấn đề than thì có những cái còn vượt thẩm quyền của TKV. TKV chỉ là nơi nhận than, còn hợp đồng với các nước còn phải liên quan Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Ngoại giao, còn Bộ Tài chính liên quan tiền nong… Tất cả những khó khăn này thuộc vấn đề quản lý, phối hợp giữa các bộ ngành. Cho nên nếu tăng cường chỉ đạo chặt chẽ hơn, tức Bộ Công thương… thì sẽ tốt hơn.”
Trong năm 2021, ngành than của Việt Nam tự hào vì đã xuất siêu hơn 50.000 tấn than… nhưng sau đó ,Việt Nam lại tìm cách nhập khẩu thêm than từ Úc để giảm bớt tình trạng thiếu nhiên liệu hóa thạch cho sản xuất điện.
Từ đầu tháng 1 đến hết tháng 9 năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 24,4 triệu tấn than, tương đương 5,8 tỷ USD, giảm 16,8% về khối lượng nhưng tăng mạnh 85% về kim ngạch so với 09 tháng năm 2021. Than đá nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 03 thị trường: Australia, Indonesia và Nga.
Cần phải xem chi tiết là xuất khẩu than gì và nhập khẩu than gì? Bởi vì than thì cũng có nhiều loại, ví dụ như than cốc thì dùng vào mục tiêu khác… như Quảng Ninh có nhiều thì có thể xuất khẩu than cốc.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho biết:
“Cần phải xem chi tiết là xuất khẩu than gì và nhập khẩu than gì? Bởi vì than thì cũng có nhiều loại, ví dụ như than cốc thì dùng vào mục tiêu khác… như Quảng Ninh có nhiều thì có thể xuất khẩu than cốc. Thế còn nhập khẩu than mà chất lượng mang tính vừa với các lò nhiệt điện thì việc xuất khẩu và nhập khẩu chênh lệch nhau thì cũng là bình thường. Chứ không phải tất cả là cùng một loại than. Thế nhưng cần phải phân tích chi tiết mới biết được.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết thêm, trong Qui hoạch điện VIII nhiệt điện than vẫn tăng 20.000MW trong giai đoạn từ 2021-2030 và tăng thêm 10.000MW trong giai đoạn tiếp theo từ 2031-2045. Như vậy năng lượng sạch chỉ đạt 13,5%. Điều này theo ông Võ là không đúng như lời cam kết của Thủ tướng Chính phủ trước rất nhiều hội nghị quốc tế về giảm nhiệt điện dùng than để bảo vệ môi trường.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, gọi tắt là Quy hoạch điện 8, tổng công suất sẽ đạt mức 130 GW vào năm 2030 và 221 GW vào năm 2045.
Trong đó, về cơ cấu nguồn điện đến năm 2030, thủy điện vừa và lớn 17%, nhiệt điện khí – dầu 17,3% và nguồn điện năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ và điện sinh khối chiếm 22,9%. Đến năm 2045 tỷ lệ này là thủy điện 11,5%, nhiệt điện khí – dầu 18,3% và điện năng lượng tái tạo tăng lên 40,2%.
Còn theo Tổng sơ đồ quy hoạch điện 7, do Bộ Công Thương giao Viện Năng lượng lập quy hoạch, dự kiến đến 2030, điện từ than chiếm 42,6%; khí tự nhiên chiếm 14,7% và năng lượng tái tạo chiếm 21%…
Dù đã ban hành Tổng sơ đồ Quy hoạch điện 8, nhưng đến nay theo Bộ Công thương, mới có khoảng 87,7% khối lượng nguồn điện trong Tổng sơ đồ 7 được thực hiện.