Hàng chục người dân địa phương chịu tác động của Dự án Cảng container Long Sơn tiếp tục tập trung phản đối bất chấp quyết định khởi tố vụ án hình sự “gây rối trật tự công cộng” của Công an thị xã Nghi Sơn đưa ra hai ngày trước đó.
Chiều ngày 23/10, Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định khởi tố vụ án, coi việc biểu tình của khoảng 300 người dân xã Hải Hà vào sáng cùng ngày là hành vi cản trở, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng dọc tuyến đường tỉnh lộ 513 kéo dài 1 km.
Quyết định này có thể dẫn đến việc khởi tố bị can đối với những người phản đối dự án. Theo một số người trực tiếp tham gia vào cuộc biểu tình, lực lượng an ninh địa phương đã quay phim, chụp hình và thu thập thông tin về những người tham gia biểu tình.
Công an xã Hải Hà ra thông báo từ ngày 23/10 yêu cầu công dân ở địa phương chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không được tụ tập gây rối, lôi kéo, kích động, hoặc nghe theo các đối tượng xúi giục, cản trợ việc thi công bến số 3 Dự án Cảng container Long Sơn.
Tuy nhiên, trong hai ngày 24 và 25/10, người dân xã Hải Hà vẫn tiếp tục tập trung tại khu vực thi công bến số 3 của Dự án Cảng container Long Sơn nhằm ngăn cản việc triển khai các công việc của dự án.
Theo chị T. một người tham gia biểu tình không muốn công khai danh tính cho hay, hàng chục người và nhiều lúc hàng trăm người dân túc trực ngày đêm vài ngày gần đây để bảo vệ bờ biển của mình.
Người dân nói gì?
Xã Hải Hà có gần 3.000 hộ dân với gần 11.000 nhân khẩu, đa số họ làm nghề đi biển, đánh bắt moi (tép) để bán.
Đối với ngư dân, khu vực ven biển rất quan trọng cho cuộc sống mưu sinh, là nơi người dân đánh bắt hải sản và neo đậu tàu thuyền.
Bà V. – một người phụ nữ có gia đình làm nghề đánh bắt thuỷ sản, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh trong ngày 24/10:
“Chúng tôi không đồng tình với Dự án cảng container Long Sơn tại vì cái biển này là biển sinh sống của chúng tôi. Gần ven bờ chúng tôi đánh bắt, đi vào đi ra… mà bây giờ thuyền đậu gần bờ biển có khi đánh bắt trong bờ cũng có.
Khi làm cảng người ta không cho chúng tôi đánh bắt nữa. Có nguy cơ là không còn những con moi, con cá để mà đánh bắt nữa, với lại đường đi lại, phương tiện của chúng tôi đi vào đi ra khó khăn, trắc trở. Làm cảng lên thì chúng tôi cũng bị ô nhiễm bụi bặm, tại vì chúng tôi sống ở vùng biển, làm cảng lên thì chúng tôi hứng chịu tất cả.”
Nói về cuộc biểu tình ngày 23/10, người này nói:
“Chúng tôi đi diễu hành, không xúc phạm ai không làm chi cả. Không ai xúc phạm chi đến công an. Chúng tôi đi đúng theo quy luật giao thông, đi vào ven bờ, đi diễu hành theo hàng. Tất cả toàn dân chúng tôi đều đồng lòng.
Chúng tôi có 500 hộ thuyền, tất cả 500 hộ thuyền đều đồng lòng đi (biểu tình) hết cả.”
Người này cho biết trong thời gian gần đây, chính quyền địa phương đe dọa người dân sẽ khởi tố bị can và bắt giữ những người biểu tình phản đối dự án này.
Bà T. có chồng làm nghề đánh bắt moi ven bờ, trong khi bà ở nhà chế biến và bán sản phẩm gia đình làm ra.
Mọi chi phí của gia đình, bao gồm việc học hành của con cái, đều phụ thuộc hết vào biển. Do vậy, việc xây dựng Dự án Cảng container Long Sơn làm người đàn bà trung niên này rất lo lắng cho mưu sinh sau này.
Bà viết trong tin nhắn gửi RFA ngày 25/10:
“Nguyện vọng của chúng tôi là không muốn xây dựng cảng containner Long Sơn vì chỗ đó là bãi (biển) của ông cha để lại từ nhiều đời qua. Nếu cảng container Long Sơn làm lên thì người dân chúg tôi sẽ bị ảnh hưởng ô nhiểm, không có chỗ neo đậu tàu thuyền, không còn bãi để làm ăn.”
Nói về việc có nguy cơ bị khởi tố về cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” với mức án tù có thể lên đến bảy năm, bà T. khẳng định:
“Chúng tôi không sợ đi tù, vì chúng tôi không muốn mất bãi biển quê hương chúng tôi.
Nếu bị buộc phải di dời, thì phải bồi thường thoả đáng cho chúng tôi đồng thời phải bảo đảm đến chỗ có nơi cho dân chúng tôi chỗ neo đậu tàu thuyền an toàn.”
Truyền thông nhà nước đưa tin nhà chức trách tỉnh Thanh Hoá đã khảo sát kỹ lưỡng, đánh giá tác động môi trường của dự án, và đã tham khảo ý kiến người dân. Tuy nhiên, bà T. cho hay chính quyền chỉ đến nhà dân thuyết phục họ không phản đối dự án khi dự án đã được phê duyệt và chủ đầu tư bắt đầu tiến hành công việc.
Khói bụi từ các dự án công nghiệp bủa vây Hải Hà
Xã Hải Hà có diện tích tự nhiên hơn 1.200 ha. Xung quanh xã là năm dự án công nghiệp: Phía Bắc là Nhà máy xi măng và Cảng than, phía tây là nhà máy nhiệt điện, phía nam là nhà máy gang thép, và phía đông là Dự án Cảng container Long Sơn.
Trong nhiều năm qua, các dự án này có mang lại việc làm cho một số người dân địa phương. Tuy nhiên, hệ luỵ mà tất cả người dân ở đây phải gánh chịu là ô nhiễm môi trường trầm trọng từ bốn dự án hiện hành.
Bà V. cho biết:
“Khu làng của chúng tôi nhỏ lắm, nằm ở ven biển có tí xíu bờ biển thôi. Hứng chịu tất cả những bụi bặm, bụi than bụi thép đã quá nhiều, bao trùm ngôi làng của chúng tôi.
Từ khi các nhà máy xí nghiệp thép, cảng than mọc lên thì chúng tôi hít bụi than rất là nhiều, nhà cửa lúc nào cũng đen xì xì. Ngày nào con cái hít bụi, đi chơi về hai lỗ mũi đen ngòm. Trẻ em đi khám bệnh có giấy của viện là bị viêm họng nặng do môi trường không khí không trong lành.”
Sáng 25/10, chính quyền tỉnh Thanh Hoá điều động hàng chục cảnh sát cơ động đến xã Hải Hà để buộc bà con ngư dân rời khỏi khu vực thi công. Tuy nhiên, người dân địa phương, phần lớn là phụ nữ, vẫn bám trụ và phía công an chưa có hành vi trấn áp.
Bà H. cho biết buổi trưa lực lượng công an rút về nghỉ ngơi, chưa rõ diễn biến thế nào trong thời gian tới.
Dự án Cảng container Long Sơn
Dự án Cảng container Long Sơn, nằm ở phần ven biển của xã Hải Hà, do Công ty TNHH Long Sơn đầu tư, dự kiến đầu tư bến cảng trị giá hơn 750 tỷ đồng, trên diện tích mặt nước khoảng 15 ha, chiều dài bến cảng 250 m, dự kiến khai thác vào năm 2025.
Theo TTXVN, việc triển khai xây dựng dự án vào thời điểm này là rất cần thiết nhằm hình thành, phát triển khu vực cảng container chuyên dụng đầu tiên tại Cảng Nghi Sơn.
Tờ báo này cũng cho biết, khi hình thành Bến số 3 sẽ tạo thành đê chắn sóng, chắn gió, đồng thời tạo thành vùng nước, diện tích khoảng 10 ha phục vụ ngư dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn.
Dự án cũng được cho là góp phần tăng nguồn thu cho Thanh Hóa, tạo nhiều việc làm cho người lao động ở xã Hải Hà, cùng nhân lực trong, ngoài tỉnh, tuy vậy một số người dân khẳng định họ không hề được hỏi ý kiến về dự án mặc dụ là đối tượng chịu tác động.