Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Diên, mới đây chỉ đạo thành lập Đoàn thanh tra về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đoàn thanh tra gồm lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Dầu khí và than. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân được phân công trực tiếp chỉ đạo cuộc thanh tra.
Cùng với việc lập Đoàn thanh tra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu lập thêm Đoàn giám sát thanh tra.
Nhiều người cho rằng, việc thành lập thêm một cấp như thế là điều không hợp lý, tốn tiền thuế của dân. Nhà báo Võ Văn Tạo nói với RFA quan điểm của ông:
“Thanh tra là thanh tra chứ lại còn có đoàn giám sát thanh tra nữa. Mà cả hai đoàn đều do Bộ ra quyết định thành lập thì nó rất lạ lùng, lố bịch và buồn cười. Đã sinh ra đoàn thanh tra đi giám sát những công ty, doanh nghiệp trong ngành, trong tỉnh, bên trung ương thì có thanh tra chính phủ, mà còn phải có đoàn giám sát thanh tra vì thực tiễn, hệ thống thanh tra làm việc rất kém cỏi, năng lực không có mà chủ yếu kết quả là do tiêu cực. Ai chứ Thanh tra Chính phủ thì tôi biết quá rồi. Nó ác tới mức, nó vào hóng hớt báo chí bọn anh phản ánh thì kích cho báo chí viết mạnh lên để đem dọa mấy chủ dự án ở địa phương để bọn kia đưa nhiều tiền. Nó ăn cả hai đầu luôn. Thậm chí nó tệ tới mức ăn luôn của cả những người đi khiếu kiện.
Thế nhưng, giả sử đoàn giám sát đó không được sạch sẽ thì càng chết, lại thêm một tầng nấc đè đầu cưỡi cổ nhân dân, tốn ngân sách nhà nước từ tiền thuế của dân.”
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, do chất lượng cán bộ qua quá trình tuyển lựa cán bộ lâu nay không cần những người có thực tài, không cần những người có tâm huyết, ngay thẳng dẫn đến chuyện tiêu cực ở khắp các tầng nấc cán bộ.
“Đó là cái bế tắc chung của xã hội Việt Nam. Khi nào còn một đảng lãnh đạo độc quyền thì tiêu cực không bao giờ hết được”. Ông Tạo kết luận.
Mục đích giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra được nói là nhằm theo dõi, nắm bắt việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra và ý thức kỷ luật của Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; tình hình thực hiện nhiệm vụ và triển khai hoạt động thanh tra để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, nội dung theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt.
Trường hợp phát hiện Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra có hành vi vi phạm pháp luật, trưởng Đoàn giám sát thanh tra có quyền xử lý theo thẩm quyền, kiến nghị người có thẩm quyền xử lý hoặc chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự khi có dấu hiệu tội phạm.
Việc phải thành lập thêm một đoàn cán bộ để giám sát một đoàn cán bộ khác được cho là cần thiết, bởi những tiêu cực từng xảy ra trước đây. Bác sĩ Đinh Đức Long nêu quan điểm của ông với RFA sáng 12 tháng 6 năm 2023:
“Trên thực tế, cán bộ thanh tra là con người và có những đoàn thanh tra đã bị mua chuộc rồi nên kết quả không khách quan. Tôi chỉ hỏi một câu đơn giản, ông Trần Văn Truyền tiền đâu mà xây dinh thự nhiều nghìn tỷ ở Bến Tre, trong khi ổng chỉ là thanh tra chính phủ thôi. Tiền đâu mà nhiều thế? Rõ ràng là ổng ăn đút lót chứ còn gì nữa.
Nếu có những cán bộ tốt thì cần gì phải thanh tra vì họ làm tốt ngay từ đầu rồi. Thường những đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có đơn kiện khiếu nại, tố cáo thì mới phải thanh tra.”
Ông Trần Văn Truyền nguyên Tổng thanh tra Chính phủ, từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Năm 2014, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận xác minh 6 căn nhà do ông Trần Văn Truyền và gia đình đứng tên ở tỉnh Bến Tre và một căn nhà ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Cái cách làm này cho thấy họ không tin nhau nữa. Họ phải có cách để bắn tiếng cho nhau biết sự việc nó như thế nào. Mình giả dụ có một đoàn thanh tra công ty điện lực, thì đoàn giám sát phía trên có những xét có khi trái lại nhận xét của đoàn thanh tra vừa mới làm nhiệm vụ thanh tra. Thành ra, việc tổ chức một cái hệ thống như thế thì về mặt pháp luật Việt Nam không thể chấp nhận được. – Luật sư Đặng Trọng Dũng
Với việc một Bộ thành lập Đoàn thanh tra, rồi thành lập thêm Đoàn giám sát thanh tra, nhiều người dân nhận định không khách quan vì chẳng có ai lấy đá tự đè vào chân mình. Luật sư Đặng Trọng Dũng bình luận với RFA sáng 12 tháng 6 năm 2023:
“Cái cách làm này cho thấy họ không tin nhau nữa. Họ phải có cách để bắn tiếng cho nhau biết sự việc nó như thế nào. Mình giả dụ có một đoàn thanh tra công ty điện lực, thì đoàn giám sát phía trên có những xét có khi trái lại nhận xét của đoàn thanh tra vừa mới làm nhiệm vụ thanh tra. Thành ra, việc tổ chức một cái hệ thống như thế thì về mặt pháp luật Việt Nam không thể chấp nhận được.
Thế nhưng tại sao họ vẫn tổ chức làm như thế? Ngay trong cơ chế nó có những cái tổ chức chồng chéo nhau và gần như là họ có những bộ phận để bênh nhau. Họ chưa làm gì hết nhưng đã bày binh bố trận để phản bác kết quả thanh tra nếu họ không đạt những mục tiêu họ mong muốn. Họ cố làm ra vẻ có một cơ chế giám sát quyền lực nhưng thực sự ra, họ tổ chức ra như thế để đáp ứng dư luận sôi sục của người dân Việt về công ty điện lực.”
Trước tình trạng nhiều địa phương bị cắt điện luân phiên từ đầu tháng 6 vừa qua, đại diện EVN thông tin với truyền thông nhà nước rằng, việc thiếu hụt công suất khi nhu cầu tăng cao có thể gây ra nguy cơ mất an toàn cho hệ thống điện nên cần cắt điện luân phiên.
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), cho hay, tính đến ngày 6 tháng 6, hầu hết các hồ thủy điện về mực nước chết (Sơn La và Lai Châu, Thác Bà…), riêng thủy điện Lai Châu, Sơn La xuống dưới mực nước chết, còn thủy điện Hòa Bình còn nước nhưng chỉ đủ phát điện đến ngày 12, 13 tháng 6 năm 2023.
Tuy vậy, Bộ Công Thương khẳng định đã có nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện, như việc có nhiều văn bản chỉ đạo, đảm bảo cung ứng nguyên liệu than, khí cho phát điện…