Việt Nam được nói đã hoãn kế hoạch phân bổ nửa triệu liều vắc-xin Sinopharm do Trung Quốc tặng đến các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, sau khi nước này phàn nàn rằng Hà Nội không giữ lời hứa ưu tiên tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 cho công dân Trung Quốc đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam.
Tặng hay ban ơn?
Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội hôm 24 tháng 6 đã tố cáo chính quyền Việt Nam “không tham vấn phía Trung Quốc trước khi phân phối vắc-xin”. Sau đó một ngày, Đại sứ quán nước này qua thông báo cho biết Hà Nội nói sẽ thu xếp để sớm thực hiện cam kết tiêm vắc-xin cho các công dân Trung Quốc.
Bà Đào Thu Huệ, một giáo viên nghiên cứu về Trung Quốc từ Hà Nội nhận xét, Trung Quốc gửi tặng lô vắc-xin 500 nghìn liều mà kèm theo điều kiện phải tiêm cho công dân nước họ, là trò mưu mẹo:
“Tôi nhận thấy đây là một trò xảo trá của chính phủ Trung Quốc. Họ muốn tiêm cho công dân của họ tại nước ngoài. Đúng ra họ sẽ phải nhờ Chính phủ Việt Nam hoặc là chính phủ các nước mà họ gửi vắc-xin tới, thậm chí là phải thuê những chính phủ tiếp nhận vắc-xin đó để tiêm cho công dân của Trung Quốc. Nhưng bây giờ họ lại sử dụng ngôn từ rất xảo trá, họ nói họ tặng. Nếu mà theo nguyên tắc tặng thì người nhận sẽ có quyền sử dụng vắc-xin đó theo ý của người ta. Nhưng bây giờ khi mà chính phủ Việt Nam mới chỉ có kế hoạch thôi là định phân bổ vắc-xin cho địa phương này, địa phương kia mà không theo như Trung Quốc muốn, thì lập tức người Trung Quốc quay ra trở mặt. Người Trung Quốc ở đây mới là người trở mặt trước”.
Bà Huệ đã nhiều năm sinh sống, học tập ở Trung Quốc và bà nói hành động từ Đại sứ quán Trung Quốc bộc lộ bản chất rằng người dân Trung Quốc vốn không có cái nhìn tích cực về Việt Nam:
“Cái nhìn chung, quan niệm, nhận thức của họ về người Việt Nam, thứ nhất là họ không biết gì về Việt Nam, thứ hai coi Việt Nam là một phần của Trung Quốc và thứ ba nếu những ai có chút nhận thức gì thì nói rằng Việt Nam đã từng nhận ơn của Trung Quốc và bây giờ đối xử không tốt với Trung Quốc”.
Một người đàn ông được tiêm vắc-xin Sinopharm ngừa COVID-19 ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hôm 8/2/2021. Ảnh: AP
Viện trợ mang màu sắc chính trị
Bộ Y tế Việt Nam mãi đến ngày 3 tháng 6 mới phê duyệt vắc-xin của Trung Quốc cho nhu cầu cấp bách phòng ngừa COVID-19 đang lây lan nhanh chóng từ cuối tháng tư và cả thế giới đang phải đối mặt với sự khan hiếm vắc-xin. Việt Nam cũng là quốc gia cuối cùng trong khối ASEAN nhận vắc-xin từ Trung Quốc và bị xếp hạng chót về tỷ lệ tiêm chủng. Tính đến ngày 28 tháng 6 mới có khoảng 3,5 triệu người được tiêm, trong đó chỉ khoảng 173 nghìn người đã tiêm cả hai liều.
Bà Đào Thu Huệ nói, người dân Việt Nam vẫn nghi kỵ và cẩn trọng đối với vắc-xin Trung Quốc và Bắc Kinh hiểu rõ điều đó nên lô vắc-xin của họ có kèm theo điều kiện:
“Chính phủ Trung Quốc cũng lường trước được thái độ của người dân Việt Nam tẩy chay hàng Trung Quốc. Cho nên họ cũng đặt luôn điều kiện là phải tiêm cho người Trung Quốc tại đây. Thế còn chương trình vắc-xin ở Việt Nam hiện nay người Việt Nam đang có thứ tự ưu tiên, nếu mà phải lựa chọn tiêm vắc-xin thì họ thà tiêm vắc-xin của Việt Nam còn hơn là tiêm vắc-xin của Trung Quốc”.
Một công nhân Việt Nam giấu tên đang làm việc tại Đài Loan nói, mặc dù ông không tán thành việc tiêm vắc-xin Trung Quốc cho người Việt Nam, nhưng đòi hỏi của Bắc Kinh phải ưu tiên cho công dân của họ không hợp lý:
“Đây là một đòi hỏi rất là quá đáng. Trung Quốc mang tiếng là viện trợ, nhưng mà viện trợ có điều kiện, số lượng thì rất ít, chỉ có 500.000 liều. Một số nước khác, Nhật Bản, Mỹ và Nga, người ta cũng viện trợ cho Việt Nam con số rất lớn mà người ta không có một đòi hỏi gì cả. Tôi cho viện trợ Trung Quốc mang tính màu sắc chính trị, không đơn thuần là hỗ trợ như các nước”.
Nhà phân tích Greg Poling của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Washington DC, bình luận về ngoại giao vắc-xin của Trung Quốc rằng đây là chính sách nhằm tạo ảnh hưởng lên các quốc gia khác, ở Châu Phi, Đông Nam và Nam Mỹ. Trao đổi với RFA, ông nhận định qua điện thư về việc Đại sứ quán phàn nàn về cách Việt Nam phân bổ vắc-xin:
“Việc này dường như chạm đến hai xu hướng: Đầu tiên là sự chần chừ của Việt Nam trong việc tiếp nhận và phân phối vắc-xin do Trung Quốc sản xuất. Khác với các nước láng giềng, trong nhiều tháng Việt Nam đã cố gắng tránh sử dụng Sinovac hay Sinopharm (hai loại vắc-xin của Trung Quốc-pv). Và xu hướng thứ hai là sự lo lắng trên toàn khu vực rằng việc tài trợ vắc-xin của Trung Quốc đi kèm với những dây dưa chính trị nặng nề”.
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Sài Gòn nhận xét, có lẽ Trung Quốc thông qua việc tặng vắc-xin để tạo tiếng tăm về vắc-xin ‘made in China’ đang được dùng tại Việt Nam:
“Vì lý do đó Việt Nam và nhiều nước trên thế giới muốn tẩy chay, nên Trung Quốc mới hối thúc Việt Nam phải chích ngừa, mà dân Việt Nam không chích. Có thể họ nghĩ rằng nếu mà dân VN không chích thì chích cho người dân của họ đang làm việc và sinh sống ở Việt Nam, hoặc những người có nhu cầu qua Trung Quốc làm việc hoặc một số dân tỉnh biên giới. Theo tôi nghĩ Trung Quốc làm như vậy là để có những người chích thì tạo được niềm tin và ảnh hưởng, không những đối với người dân Việt Nam mà cả những người dân các nước khác trên thế giới”.
Việt Nam cần sắp xếp khoa học trong việc tiêm vắc-xin
Mục sư Hùng cũng cho rằng những vướng mắc trong việc phân phối vắc-xin đã thể hiện những bất cập trong chương trình tiêm chủng đại trà mà chính quyền Việt Nam đang tiến hành. Điển hình, những cảnh hàng ngàn người dân Việt chen chúc xếp hàng tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP HCM, để chờ được tiêm vắc-xin. Họ đứng san sát, vi phạm các yêu cầu về giãn cách xã hội ngay tại thời điểm mà thành phố này đang ghi nhận hàng chục ca nhiễm mới mỗi ngày.
Nhìn nhận về vấn đề này, Mục sư Hùng nói:
“Đây là cách làm thiếu khoa học của nhà nước Việt Nam. Thay vì như vậy thì tổ chức thành từng đợt nhỏ đi và thực hiện chế độ 5k của Bộ Y tế, thực hiện tốt vấn đề cách ly, giãn cách thì bảo đảm tốt hơn.”
Một công nhân làm việc tại Đài Loan cũng cho biết ông không hề chứng kiến những cảnh “chen chúc” để được tiêm vắc-xin như thế tại Đài Loan:
“Thứ nhất là do những người lãnh đạo vẫn chưa lo rốt ráo vụ này, thứ hai là do người dân Việt Nam mình ý thức chưa được cao. Tôi thấy ở Đài Loan ý thức người dân tốt, họ thực hiện rất tốt”.
Dịch COVID-19 đã tái bùng phát tại Việt Nam nhiều đợt và lý ra theo người công nhân làm việc tại Đài Loan chính quyền Việt Nam không nên để những cảnh xếp hàng chen chúc như thế xảy ra.