Sở Y tế Hà Nội đề xuất treo biển “Gia đình có người theo dõi sức khỏe phòng chống dịch Covid-19” tại nhà người về từ TP.HCM, Đà Nẵng như một cách quản lý nhằm phòng, chống dịch COVID-19.
Trao đổi với truyền thông Nhà nước về việc này, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Đây chỉ là đề xuất và khuyến cáo để chính quyền địa phương quản lý những người trở về từ TP.HCM, Đà Nẵng trong thời gian thực hiện cách ly tại nhà. Việc này, nếu có thực hiện sẽ giúp người dân chú ý hơn, tránh tiếp xúc với những người liên quan trong thời gian cách ly. Đồng thời, những người thực hiện cách ly cũng sẽ nâng cao ý thức trong việc tự cách ly tại nhà”.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, việc treo biển trước cửa nhà như thế đã được nhiều địa phương làm trước đó để giám sát, quản lý các trường hợp F1, F2 hay có người phải cách ly, trở về từ vùng dịch.
Về chuyên môn mà nói thì F0 đầy ra rồi nhưng không phải F0 nào cũng có triệu chứng và phát bệnh. Làm như thế thì chả giải quyết được gì nếu đã áp dụng 5K và tiêm chủng rồi. Việc dán biển như thế gây sự phân biệt vùng miền và vi phạm quyền con người. Đây là cách làm việc cực đoan, cũng giống như ngày xưa bắt F0 nhốt. – Bác sĩ Đinh Đức Long
Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng cách chống dịch này là vô ích và vô lý. Ông nói:
“Về chuyên môn mà nói thì F0 đầy ra rồi nhưng không phải F0 nào cũng có triệu chứng và phát bệnh. Làm như thế thì chả giải quyết được gì nếu đã áp dụng 5K và tiêm chủng rồi. Việc dán biển như thế gây sự phân biệt vùng miền và vi phạm quyền con người. Đây là cách làm việc cực đoan, cũng giống như ngày xưa bắt F0 nhốt.
Vô lý quá. Nó thể hiện không có sự chỉ đạo xuyên suốt của Bộ y tế, của Chính phủ về mặt hành chính. Ai muốn làm gì thì làm!”
Trao đổi với RFA, một số người dân TP.HCM cho rằng, họ thực sự không quan tâm đến việc có bị treo bảng hay không vì đợt dịch này quá khủng khiếp, họ không còn biết gì ngoài sự sợ hãi với cái đói, cái chết chung quanh mỗi ngày. Đó là hậu quả của cách chống dịch sai lầm ngay từ ban đầu của giới lãnh đạo Việt Nam.
Trong khi đó, hầu hết những người dân Hà Nội mà RFA trò chuyện đều cho rằng đề xuất treo biển theo dõi y tế trước cửa nhà dân là một hình thức kỳ thị không thể chấp nhận được.
Anh T. nêu quan điểm của mình với RFA qua ứng dụng facebook messenger:
“Việc đề xuất dán biển trước nhà người dân Hà Nội như vậy là không chấp nhận được. Nó tạo ra một sự kỳ thị chính thức được Nhà nước cổ súy. Người mắc COVID không phải là một tội nhân. Đối xử với họ như thế là tàn ác.
Ngày xưa, khi Đức quốc xã khi bắt người Do Thái vào các trại tập trung, họ bắt đầu bằng việc dán lên trước cửa nhà mỗi gia đình Do Thái một “Ngôi sao David” hay còn gọi là “Tấm khiên David” như một hình thức đánh dấu tội phạm.”
Ông Lê Hoàng nhận định, cách chống dịch của cơ quan chức năng không làm người dân cảm thấy an tâm, tin tưởng mà chỉ làm dân nổi giận. Chính quyền đi từ sai lầm này đến sai lầm khác qua những phát ngôn bất nhất của giới lãnh đạo với nhau, và với chính bản thân họ. Ông nói:
“Tôi không đồng ý chuyện treo biển như thế vì nó là sự kỳ thị, phân biệt. Người ta có thiếu gì cách quản lý. Họ đã quản lý tất cả rồi. Tại sao họ cứ nghĩ ra những cái làm cho người dân bất bình, làm người dân cảm thấy bị kỳ thị như thời xưa bị xa lánh vì bệnh hủi.
Họ cứ đưa những đề xuất như phép thử xem phản ứng của dân thế nào. Nếu dân phản ứng quá thì họ lại ngưng. Họ coi dân như vật thí nghiệm, không có sự tôn trọng dân.”
Bà Quỳnh Hương nhận xét:
“Treo biển như thế thì dân cảm thấy bị kỳ thị giống như một tội phạm, sẽ rất khó sống. Khi bị kỳ thị như thế thì người dân thấy sợ và họ sẽ che giấu các triệu chứng bệnh nếu có. Họ sẽ cố cư xử như người bình thường, như thế nó lại phản tác dụng. Nếu coi đấy là cách phòng bệnh thì không hay.”
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, Chính phủ không có sự chuẩn bị, không lường trước được diễn biến dịch bệnh nên rất lúng túng trong điều hành chống dịch, từ đó gây ra những sai lầm trong chính sách. Hậu quả là hàng chục ngàn người chết vì COVID-19 ở Việt Nam; cả ngàn đứa trẻ lâm cảnh mồ côi.
Ngay từ ban đầu, chính quyền chủ trương ‘cách ly tập trung’. Đây là chủ trương bị cho là một nguyên nhân gây lây nhiễm chéo giữa những người bị ‘nhốt chung’, bởi ‘cách ly’ tức là cô lập mà lại có chữ ‘tập trung’ trong đó làm sao cô lập?!
Chủ trương ‘chống dịch như chống giặc’ trên toàn quốc được thay bằng ‘sống chung với dịch COVID-19’. Hôm 16 tháng 9, tại cuộc làm việc giữa Tổ Công tác Đặc biệt của Chính phủ với lãnh đạo TP.HCM về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận, các lực lượng chống dịch và người dân thành phố đã rất mệt mỏi sau thời gian dài giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch lây lan. Thế nhưng số người tử vong và dịch vẫn tiếp diễn.
Họ cứ đưa những đề xuất như phép thử xem phản ứng của dân thế nào. Nếu dân phản ứng quá thì họ lại ngưng. Họ coi dân như vật thí nghiệm, không có sự tôn trọng dân. – Ông Lê Hoàng
Gần đây nhất là Nghị quyết 128 ban hành ngày 11 tháng 10 Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, có giá trị hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Theo đó, có bốn cấp độ dịch được phân loại:
– Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới): màu xanh.
– Cấp 2: Nguy cơ trung bình: màu vàng.
– Cấp 3: Nguy cơ cao: màu cam.
– Cấp 4: Nguy cơ rất cao: màu đỏ.
Tuy phân loại như vậy nhưng Bộ Y tế chưa có hướng dẫn để xác định bốn cấp độ dịch. Do đó, các địa phương chưa thể có cơ sở xác định cấp độ dịch của địa phương mình để cho phép hoặc hạn chế các loại hoạt động.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, Nghị quyết 128 này thiếu phần hướng dẫn thi hành về xác định cấp độ dịch của Bộ Y tế, nên Nghị quyết chưa thể áp dụng được trong thực tế.
Phía Bộ Y tế có hướng dẫn tạm thời về chuyên môn việc thực hiện Nghị quyết 128. Theo đó không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân mà chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ nguy cơ cao…
Tuy nhiên đến ngày 15 tháng 10, nhiều địa phương vẫn yêu cầu trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính khi đi qua các chốt kiểm soát giáp ranh giữa các địa phương. Mỗi tỉnh/thành có những cách phòng, chống dịch tùy tiện khiến thủ tướng phải lên tiếng yêu cầu chấm dứt ‘cát cứ’.