Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói ngành Công an Việt Nam đang áp dụng mô hình đàn áp kiểu Stalin với sự tuyên truyền khá nực cười và thảm hại.
Ông Phil Robertson- Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW có phát biểu trên phản hồi lại bài viết trên báo Công an Nhân dân online, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an.
Bài viết được đăng tải hôm 19/9 với tựa đề “Can thiệp sai trái là vi phạm các nguyên tắc trong bảo đảm quyền con người,” bôi nhọ hai nhà bất đồng chính kiến mới bị bắt tạm giam là Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước, đồng thời chỉ trích HRW vì lên tiếng đòi tự do cho họ.
Hai tác giả Anh Tú – Huân Nguyễn cho rằng, “Việc kêu gọi trả tự do cho đối tượng đang bị điều tra về hành vi phạm tội là trái với nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, đồng thời là sự can thiệp vô lý đối với hoạt động tố tụng của một quốc gia.”
Bài báo được đăng trong chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình” khẳng định, “khi HRW hay các tổ chức khác bất chấp sự thật, can thiệp sai trái cho đối tượng phạm pháp thì chính những tổ chức này đang vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm các nguyên tắc trong bảo đảm quyền con người.”
Trong email gửi cho Đài Á Châu Tự Do, ông Phil Robertson viết:
“Bài báo (của báo Công an Nhân dân- PV) có nội dung hoàn toàn sai trái này cho thấy thế giới quan thực sự nhỏ bé của công an Việt Nam, những người dường như nghĩ rằng luật vi phạm quyền của họ là bất khả xâm phạm.
Sự thiếu hiểu biết của họ sâu sắc đến nỗi họ dường như không hiểu rằng khi một chính phủ như Việt Nam phê chuẩn các điều ước quốc tế về nhân quyền thì nghĩa vụ pháp lý của chính phủ đó là phải đưa luật pháp của họ phù hợp với các hiệp ước nhân quyền đó.”
Đại diện của tổ chức nhân quyền ở Bangkok cho rằng, luật quốc tế thế chỗ cho luật quốc gia, khi nói đến quyền con người, vốn là những giá trị phổ quát được Liên hợp quốc và hệ thống quốc tế toàn cầu thừa nhận, chứ không phải ngược lại.
Ông Phil Robertson nói, những tuyên truyền như bài báo của Bộ Công an cho thấy họ mắc kẹt “trong một lịch sử cộng sản cực kỳ đàn áp, ngược dòng của chế độ Stalin.”
Đối với một quốc gia khao khát hiện đại và hiện diện toàn cầu như Việt Nam, thái độ thụt lùi kiểu này thực sự đáng xấu hổ, ông bổ sung.
Ông Bùi Tuấn Lâm, người hoạt động nhân quyền và xã hội, từng tham gia phái đoàn xã hội dân sự trong buổi Kiểm điểm Định kỳ phổ quát (UPR) về nhân quyền Việt Nam ở Geneva năm 2014.
Một ngày sau vụ bắt giữ ông Lâm, công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước, cũng theo cáo buộc Điều 117.
Luật sư Lê Quốc Quân, một người từng bị cầm tù vì tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ nói với RFA qua tin nhắn:
“Tôi thấy các hành động của các anh chị Phạm Đoan Trang, Lê Văn Dũng (Lê Dũng Vova), Nguyễn Lân Thắng- những người bị bắt trước đây, và gần đây là các anh Bùi Tuấn Lâm và giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước đều phù hợp với luật pháp Việt Nam và phù hợp với các đòi buộc của lương tâm con người để lên tiếng cho công lý, sự thật, và những bức xúc mà họ va chạm hàng ngày.”
Báo Công an Nhân dân biện hộ cho việc bắt giữ hai nhà bất đồng chính kiến cũng như nhiều người khác theo Điều 117, coi họ là tội phạm. Tuy nhiên, theo cựu tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân, việc bắt giữ họ là sự đàn áp đối với tự do ngôn luận và các quyền phổ quát khác.
Việc đàn áp gia tăng hiện nay là nhằm bảo vệ chế độ và giữ vững sự độc tôn chính trị của Đảng Cộng sản chứ không phải là giữ cho sự ổn định của quốc gia, ông Quân nói.
Bình luận về sự lên tiếng của tổ chức Theo dõi Nhân quyền trước việc Việt Nam bắt giữ các nhà hoạt động, ông Quân cho hay:
“Tôi thấy tất cả lên tiếng của các tổ chức quốc tế, các nhà đấu tranh dân chủ và nhân quyền hay các cá nhân có lương tâm về tình trạng đàn áp hiện nay ở Việt Nam là rất quan trọng, cần thiết và đúng đắn.
Nó phản ánh một cái thao thức của con người và cũng là lương tri người ta thấy trước việc đàn áp bắt bớ như vậy, và người ta lên tiếng. Sự lên tiếng này hoàn toàn đúng đắn.”
Ông cho rằng báo Công an Nhân dân sử dụng lối nói vu cáo “cả vú lấp miệng em,” nói lấy được khi coi sự lên tiếng của HRW là “sự can thiệp sai trái.”
Ông Quân tán thành việc HRW kêu gọi Việt Nam xoá bỏ Điều 117, nói điều luật này vi hiến và đi ngược lại với các cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền.
Luật sư Quân cho rằng, chính phủ Việt Nam sử dụng điều luật về an ninh quốc gia này như một lưới quét để bắt giữ những người bị coi là “chống nhà nước” trong khi họ chỉ là những người thao thức với hiện tình của đất nước và dám nói ra sự thật cùng những hạn chế của chính quyền để muốn đất nước tốt đẹp hơn chứ không phải “chống nhà nước” như cáo buộc.
Việc bắt giữ những người hoạt động ôn hoà và nhiều cá nhân chỉ vì họ bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội thể hiện sự yếu đuối của chế độ, ông bổ sung.