Những người sống ở Thiền Am bên Bờ Vũ trụ thời gian qua bị báo chí Nhà nước và cả một số người trên mạng xã hội cáo buộc ‘lừa đảo, loạn luân, lợi dụng trẻ mồ côi để trục lợi’… Cơ quan công an cũng đã khởi tố, vào cuộc điều tra, nhưng rốt cuộc, không có một bằng chứng nào về hành vi ‘lừa đảo hay loạn luân’.
Tuy vậy, sáu thành viên tại cơ sở này phải nhận hơn 23 năm tù với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tồ chức, công dân’ theo Điều 331, Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Đối tượng mà cơ quan chức năng đưa ra là Công an Long An và Thượng toạ Thích Nhật Từ. Sau mọi biến động vừa qua, hiện nay các thành viên còn lại sinh sống ra sao?
Kinh tế bị phong toả, tâm lý hoang mang
“Tâm lý mọi người bây giờ là luôn lo sợ, không biết khi nào thì công an lại ập vào khống chế, cưỡng chế đưa đi nữa…”
Một thành viên của Thiền am, không muốn nêu danh tính, nói với RFA như vậy, và cũng chia sẻ thêm về cuộc sống hiện tại của những người còn lại ở cơ sở Thiền am bên Bờ Vũ trụ.
Người này cho biết thu nhập chủ yếu là từ kênh Youtube của các cháu được nuôi dưỡng ở đây, từ việc sáng tác và phối nhạc. Nguồn tiền hỗ trợ từ mạnh thường quân cũng có nhưng chỉ một phần nào, chứ không thể đủ để nuôi sống tất cả mọi người:
“Từ khi những người đó bị bắt giam thì tài chính bị phong tỏa. Nhờ sự giúp đỡ cộng đồng mạng, cũng như kênh youtube “Năm chú tiểu” mới giúp được một phần nào. Em cũng góp phần nhỏ của mình để lo cho Thiền am.
Cuộc sống của họ bị xáo trộn, từ chủ động sang bị động, không có cách nào có thể lao động kiếm ra đồng tiền.”
Từ khi các thầy bị bắt, các cô phải lo cán đáng hết mọi việc: từ chăm các cháu bé, cho đến chuẩn bị đồ ăn gởi vào thăm nuôi những người bị bắt.
Trong quá trình điều tra vụ án, cô Bùi Ngọc Trâm (pháp danh là Chơn Ngọc Xuân), một tình nguyện viên chăm sóc các trẻ em trong Thiền am, hoàn toàn không liên quan đến vụ án, nhưng Công an huyện Đức Hoà đã cưỡng chế đi khám phụ khoa ở bệnh viện Xuyên Á:
“Cô Trâm còn bị bắt đi khám thân thể dù không liên quan vụ án, bị hành hạ, bị tán vài bạt tai. Cô Trâm sau đó làm đơn tố cáo Công an huyện Đức Hoà. Công an trả lời rằng cô này đã đồng ý khám, nhưng điều này là sai sự thật.”
Chứng kiến công an vào nhà khám xét, lần lượt bắt người đưa đi, các cháu bé luôn cảm thấy lo sợ, bất an. Người lớn trong nhà phải giải thích, an ủi thì tâm lý các cháu mới ổn định trở lại:
“Tâm lý giờ thì ổn, nhưng không còn các thầy các cô trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý nhất là các bé nhỏ trong Thiền am.”
Vào ngày 9/1/2022, Công an tỉnh Long An khởi tố bốn người trong Thiền am về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi, được cho tại ngoại. Ba đệ tử của ông là Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên và Trùng Dương bị bắt tạm giam.
Đến tháng 5/2022, bà Cao Thị Cúc, 62 tuổi – người đứng tên khu đất Thiền am, cùng với một thành viên khác là Nhị Nguyên cũng bị bắt.
Phiên toà sơ thẩm ngày 21/7 tuyên án tổng cộng lên đến 23,5 năm tù giam dành cho sáu người. Theo đó, cụ Lê Tùng Vân, đã 90 tuổi, chịu án nặng nhất 5 năm tù giam.
Cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An cáo buộc ông Lê Tùng Vân đã chỉ đạo nhóm người sống ở Tịnh thất Bồng Lai đăng tải các bài viết, clip trên mạng xã hội có nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc, nhằm xúc phạm uy tín của cơ quan Công an huyện Đức Hoà, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của Thượng toạ Thích Nhật Từ…
Bị vùi dập nhiều năm vì “truyền thông bẩn”
Tất cả những người này đều bị kết án vì tội “lợi dụng tự do dân chủ”. Toà không nhắc gì đến hai tội danh “loạn luân” và “lừa đảo” như báo chí nhà nước và hàng loạt các kênh Youtube lan truyền.
Điển hình, Mạng báo Tiền Phong, hôm 5/1 có bài viết nói rằng theo xác minh của cơ quan chức năng tỉnh Long An, những người đang sống cùng, nhận là “đệ tử” của ông Lê Tùng Vân thực ra là con ruột của ông và những người đàn bà khác nhau. Do đó, Cơ quan điều tra vừa khởi tố vụ án về ba tội danh, trong đó có tội “loạn luân”.
Thành viên giấu tên của Thiền am cho rằng cũng chính vì những tin đồn vô căn cứ, ác ý của các kênh “truyền thông bẩn”, mà Thiền am bị xa lánh, miệt thị trong suốt thời gian qua:
“Theo em nghĩ Thiền am được chú ý, có sức ảnh hưởng trong và ngoài nước.
Nhiều kênh truyền thông bẩn, họ có âm mưu xóa sổ Thiền am từ những năm trước. Họ lên kế hoạch rất chu đáo và tỉ mỉ, bỏ ra tiền bạc vật chất rất nhiều vào câu chuyện này.
Dư luận trước đây họ xa lánh, kinh tởm nơi này vì những thông tin như vậy. Nhờ các luật sư đã đưa thông tin chi tiết qua kênh “Nhật ký Luật sư” thì người ta nhận ra là bị dư luận dẫn dắt, báo đài, báo chí đưa tin sai sự thật nhằm vu không xúc phạm Thiền am.”
Người này nói với RFA rằng những người sống trong Thiền am chú trọng tu tâm dưỡng tánh hiền lành, luôn yêu thương đùm bọc nhau, không sát sanh, không thù hận, không hại ai cả dù họ bị chịu vùi dập trong mấy năm nay.
Đạo của thầy khác ở chùa là không phải mặc áo tu là Phật, không phải tụng kinh gõ mõ là Phật mà là tu tại tâm, làm đúng quy định pháp luật, đúng chuẩn mực đạo đức con người, như vậy đã là thành Phật.