Thứ trưởng Bộ Văn hóa thừa nhận giới trẻ Việt thích phim lịch sử nước ngoài hơn lịch sử VN

Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Việt Nam cho rằng giới trẻ Việt tìm đến phim lịch sử của nước ngoài nhiều hơn phim lịch sử Việt Nam.

Ông Đông đưa ra nhận định trên tại Hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” diễn ra hôm 9/11. Thứ trưởng Văn hóa cũng thẳng thắn thừa nhận “điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm hay về đề tài lịch sử”, truyền thông Nhà nước loan.

Tờ Tiền Phong trích lời ông Đông: “Chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – cho rằng các nhà làm phim Việt Nam đôi khi quá tôn trọng, quá ý tứ với tác giả văn xuôi nên không có nhiều sáng tạo khi chuyển thể tác phẩm văn học sang phim điện ảnh. Nhiều người cũng có nỗi sợ mơ hồ với đề tài lịch sử, dẫn đến sự kìm hãm đáng tiếc.

Chủ tịch Hội Nhà văn VN cho biết thêm có đến 99% học sinh cho biết thích nhân vật lịch sử của Trung Quốc -Quan Vân Trường hơn vua Quang Trung.  Qua đó, ông thừa nhận: “Nhà làm phim, nhà văn Trung Quốc làm thế giới yêu Quan Vân Trường, nhưng chúng ta không làm được điều đó với một vị vua vĩ đại như Quang Trung”.

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, nếu đòi hỏi phim điện ảnh phải phản ánh chính xác 100% chi tiết lịch sử thì phim ảnh không còn hấp dẫn. Lịch sử có nhiều chi tiết yêu cầu phải chính xác, nhưng cũng có nhiều góc khuất. Đó là cơ sở để nhà làm phim sáng tạo dựa trên tình tiết có thật.

Trước đó, phim Đất rừng phương Nam bị chỉ trích xuyên tạc lịch sử. Nhà sản xuất phim sau đó đã chỉnh sửa một số nội dung bao gồm đổi tên các hội trong phim là “Nghĩa Hòa Đoàn” thành “Nam Hòa Đoàn”, “Thiên Địa Hội” thành “Chính Nghĩa Hội”…

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành qua sự việc trên cho rằng làm phim về lịch sử không dễ. Ê-kíp luôn phải đối mặt với nhiều bình luận trái chiều, thậm chí gay gắt của cộng đồng mạng.

Các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng Nhà nước nên định hướng, tạo điều kiện để dòng phim lịch sử phát triển bằng cách tạo một kho phục trang cho nhiều phim cổ trang, tạo thuận lợi về phim trường, bối cảnh để nhà làm phim sáng tạo trên điều kiện sẵn có, đồng thời bỏ đánh thuế phim lịch sử.

 

Related posts