Thủ Tướng mở cửa hậu cho công an hóa hành chính dân sự?

Cả thế giới đều xem đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe là quan hệ hành chính dân sự. Hơn 30 năm qua, pháp luật Việt Nam cũng đã sửa sai, trả việc này từ tay công an về cho dân sự. Quốc Hội khóa XIV cũng từng gác lại đòi hỏi phi lý xé luật Giao Thông Đường Bộ thành hai luật. Vì sao thủ tướng anh minh lại mở cửa hậu cho Bộ Công An vượt tuyến xin ý kiến Bộ Chính Trị đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2022?

Tại Hội nghị về phát triển thị trường vốn chiều 22/4 Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi ‘Không hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế’. Thừa nhận khởi tố Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh…. là cần thiết nhưng ông Chính xem đây chỉ là những sai phạm nhỏ không nên vì thế mà thắt chặt thị trường tài chính tiền tệ. (1)

Không hình sự hóa kinh tế nhưng tăng bạo hành hành chính dân sự,

Trong bối cảnh hiện nay, giới kinh doanh biết rõ mười mươi, thao túng địa ốc, ngân hàng, tài chính, phát hành cổ phiếu tràn lan không chỉ có Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh mà còn nhiều khối u ác tính khổng lồ khác có số vốn trái phiếu huy động lớn hơn gấp trăm lần mà nếu bùng vỡ thì nguy cơ với thị trường tài chính, tiền tệ sẽ lớn hơn những đợt bốc hơi, chao đảo vừa qua gấp trăm lần. Trong đợt thanh tra các dự án ở TPHCM năm 2021, Thanh Tra Chính Phủ đã nêu tên một tập đoàn địa ốc đã sang tay 6.000 m2 đất vàng của TP nhưng rồi mọi việc chìm vào im lặng. Thông tin trong giới tài chính cho rằng khối u này to đến hàng trăm ngàn tỉ đồng và đang tiếp tục phát hành trái phiếu mới để trả lãi cho trái phiếu cũ. Đại gia này còn có cả ngân hàng riêng, chuyên huy động vốn và phát hành trái phiếu. Trịnh Văn Quyết so với đại gia này chỉ là con tép. Vì vậy, ý kiến đánh giá những sai phạm, khiếm khuyết trên thị trường tài chính hiện nay chỉ là thiểu số cá biệt, của ông Phạm Minh Chính cần được phản biện nghiêm túc và có dữ liệu chi tiết hơn chứ không thể nói vo khơi khơi như vậy.

Tuy nhiên, nếu không phải là tấm kim bài miễn tử che chắn cho những con cá mập đẳng cấp sư phụ, sư tổ của Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng còn đang lọt lưới, vẫn đang mượn phép màu mang tên DỰ ÁN, mượn tiền dân, cướp đất nông dân làm giàu thập bội thì quan điểm “không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế” có thể xem là xu hướng tiến bộ trong chế độ toàn tri, công an trị hiện nay. Vấn đề là quan điểm này phải được thể chế hóa, pháp luật hóa thật minh bạch, công bằng. 

Xu hướng này cũng cần được mở rộng ra nhiều lĩnh vực quản lý dân sự hành chính khác vẫn đang nằm trong tay ngành công an như chế độ hộ khẩu quản lý quyền đi lại, cư trú của công dân, công an quản lý chứng thư hành chính công dân… Theo quan niệm của thế giới hiện đại, việc nhà nước lạm quyền trong quản lý những lĩnh vực dân sự bị xem lả bạo hành hành chính.

Rất tiếc là Thủ Tướng Phạm Minh Chính không quan tâm xóa công an hóa các quan hệ này mà ngược lại, mở cửa sau để công an hóa, hình sự hóa những quan hệ đã được các thế hệ trước tháo gỡ. Thời sự nhất là việc đề nghị hoãn trình luật Đất đai sửa đổi và đưa bổ sung hai dự luật đã bị Quốc hội khóa XIV gác lại trong kỳ họp thứ 10 vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 đó là hai dự luật do Bộ Công An đề xuất: Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cách thức Thủ Tướng mở cửa “ép” Quốc Hội tái xét luật này cũng cập rập, thần tốc nghe có mùi kit test, giải cứu “Việt Kẹt” (người Việt bị kẹt ở nước ngoài do các quy định phòng chống dịch) thời COVID.

Hai đại gia vừa bị khởi tố và bắt giam hồi cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2022: (trái qua) Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh, Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC

Chen ngang, bị Quốc Hội khóa trước gác lại thẳng tay

Quốc Hội Việt Nam vốn có truyền thống bấm bút 100% với các đề xuất của Chính phủ, bộ ngành nhưng kỳ họp thứ 10 Quốc Hội khóa XIV vào tháng 11-2020, có sự kiện bất ngờ, các đại biểu đột nhiên tỉnh ngủ, thoát ra khỏi cơn mộng du đã thẳng tay gác lại hai dự luật do Bộ Công An đề xuất là Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ (xẻ đôi từ Luật Giao thông đường bộ) và Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Trong thể chế mà Quốc Hội luôn rộng rãi niềm tin, bỏ phiếu đánh giá Chính phủ chỉ có tín nhiệm cao với tín nhiệm nhiệm thấp, việc gác lại dự luật do các bộ ngành đề xuất là cực kỳ hiếm. Quốc Hội phải gác lại hai luật này vì nhiều ý kiến phản đối rất mạnh mẽ, luật không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, tốn kém cho ngân sách và là điều kiện phát sinh tham nhũng.

Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ chủ yếu là giành quyền quản lý việc đào tạo, cấp bằng lái xe về tay ngành công an. Miếng ngon này ngành Công An đã hưởng một thời gian dài mãi đến thời Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ mới trả về cho ngành giao thông và chính thức được luật hóa từ năm 2008.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 10 quốc hội khóa XIV đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) băn khoăn việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông – vận tải sang Bộ Công an. “Ai đảm bảo, khẳng định và dám chịu trách nhiệm cá nhân là khi chuyển sang Bộ Công an không có GPLX giả, tai nạn giao thông giảm. Trong khi giấy tờ do ngành công an cấp cũng có trường hợp giả như hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thậm chí thẻ công an giả. Không nên hình sự hóa các vấn đề dân sự và không nên tập trung quá nhiều quyền lực vào một số ngành, cơ quan đơn vị vì như thế dễ sinh ra tình trạng độc quyền, lạm quyền, đặc quyền, đặc lợi.”

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận đưa ra lý do không đồng thuận việc tách Luật giao thông đường bộ năm 2008 ra làm hai luật trong đó có việc quan trọng nhất là Chính phủ đã vi phạm quy trình đưa luật này trình Quốc Hội “Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ không có trong Chương trình xây dựng luật năm 2020. Do vậy, nếu áp dụng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ không thỏa mãn các điều kiện”. (2)

Theo quy định, Quốc Hội có nghị quyết về chương trình làm luật hàng năm. Muốn đưa một luật ra ra trình Quốc Hội, phải thông qua nhiều bước trình duyệt thẩm định từ nhiều cấp Bộ Tư Pháp, Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội, Chính Phủ, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật.

Thời điểm đó, chương trình Quốc Hội chỉ xây dựng Luật Giao Thông Đường Bộ nhưng sau các đợt kiểm tra, điều tra các dự án BOT, các vụ án ở Tổng Cục Đường Sắt, … Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã tự nguyện nhất trí với ngành Công An xé Luật Giao Thông đường bộ thành hai luật và Chính phủ đã xen ngang đưa luật An toàn giao thông đường bộ ra trình Quốc Hội.

Sau những ý kiến phản biện gay gắt, Quốc Hội đã bỏ phiếu gác lại luật này để các Bộ ngành liên quan xem xét sửa chữa bổ sung theo các ý kiến đóng góp của Đại biểu.

000_Hkg8349848.jpg
Hình minh hoạ: Công an điều tiết giao thông trên đường phố Hà Nội. AFP

Luật hóa công an xã phường tốn kém không cần thiết

Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng được bỏ phiếu với đa số gác lại cùng lý do tương tự. Quốc hội thảo luận về Luật này và nhiều ý kiến phản biện về tính cần thiết của việc thống nhất ba lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chính quy cũng như tính cần thiết ban hành luật này.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (An Giang), ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, cho rằng dự thảo luật nêu có thể giảm được 500.000 người là chưa thuyết phục. Ông Bộ chỉ ra số người tăng mà ngân sách phải chi trả thêm là hơn 800.000 người  chưa kể chi phí trụ sở.

“Giả sử không có luật này, các quy định văn bản pháp luật hiện nay đều có hàng loạt quy định phối hợp giữa các lực lượng. Có cần ban hành luật mà sẽ ngốn nhiều ngân sách nhà nước trong thời gian tới hay không?” – Ông Bộ cũng đặt câu hỏi mà cũng chính là câu trả lời.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội, cũng đặt câu hỏi về việc xây dựng thêm một lực lượng không, khi mà hiện nay lực lượng công an chính quy đã được đưa về xã để thay thế lực lượng công an xã không chuyên trách. “Một tỉnh ít nhất có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy. Đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa. Chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình?”. (3)

Gác lại thật ra là một cách nói vuốt mặt nể mũi. Ý kiến phản biện của các đại biểu khóa XIV rất cụ thể rõ ràng là những luật này chỉ nhằm tăng quyền lực cho ngành Công an, bất lợi cho xã hội tạo điều kiện phát sinh tiêu cực rõ ràng là phủ quyết chứ không thể nào tiếp thu sửa chữa.

Người ta cứ nghĩ là cái luật oái oăm này sẽ chìm vào quá khứ. Nghị quyết về chương trình xây dựng pháp luật của Quốc Hội khóa mới cũng không ghi nhận xem xét hai luật này

Vượt mặt Quốc Hội, đi cửa hậu lên Bộ Chính Trị

Thế nhưng mới đây sau những cuộc đột kích ngoạn mục của Tô Đại tướng sau tai tiếng tiệc bò dát vàng, từ Kit Việt Á, chuyến bay giải cứu, Nguyễn Phương Hằng, Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh, tại phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết đang xin ý kiến Bộ Chính Trị để tiếp tục đưa hai dự luật này vào chương trình xây dựng luật năm 2022.

Lần trước Bộ Công an và Chính phủ đã chen ngang đưa các Luật này ra Quốc Hội, ngoài chưa trình làm luật thì lần này Bộ Công an và Chính phủ rút kinh nghiệm nên đưa hai luật bị gác lại vào chương trình xây dựng pháp luật bằng cửa hậu.

Ông Hùng tiết lộ tình tiết thú vị nằm ngoài quy trình pháp luật này như sau: “Ngày 15-4, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã có báo cáo về giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV về dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để bổ sung vào hồ sơ.

Quy trình làm luật gồm các bước: trình Uỷ ban pháp luật và Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban khác của Quốc hội thẩm tra, Sau thẩm tra, Uỷ ban pháp luật Báo cáo thẩm tra trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc Hội đưa vào chương trình. Việc Bộ Công an thừa lệnh của Chính phủ gửi báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị là cách làm luật không đúng theo quy trình và cũng không dựa theo quy định pháp luật nào.

Hơn thế nữa, cách làm lại hết sức cập rập và xem thường Quốc Hội là ngay cái văn bản báo cáo gửi Bộ Chính trị cũng “Mới ngày hôm qua nên chưa kịp gửi văn bản này tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, trung tướng Hùng nói.

Ông Hùng thông tin thêm chi tiết là sau khi Bộ Công An báo cáo một ngày, Ban cán sự Đảng Chính phủ mới có các văn bản báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến về việc tách Luật giao thông đường bộ thành 2 dự án là Luật đường bộ; Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ. (4)

2014-05-18T120000Z_774275481_GM1EA5I10G601_RTRMADP_3_VIETNAM-CHINA.JPG
Công an, an ninh, dân phòng giải tán người biểu tình phản đối Trung Quốc ở TPHCM hôm 18/5/2014. Reuters

Vì sao kẻ đâm xuyên, người mở cửa?

Với diễn tiến đầy kịch tính như trên chắc hẳn các dự luật này sẽ được thông qua với đa số tuyệt đối.

Không phải chúng tôi suy đoán mà chính Bộ Công an đã rất tự tin. Vì ngay khi Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội còn chưa thấy mặt báo cáo tiếp thu, sửa chửa thì từ ngày Ngày 28/02/2022 Cổng thông tin điện tử của Công an các tỉnh thành đã đăng rầm rộ “Đề cương Tuyên truyền Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” như là Luật đã được Quốc Hội thông qua và Chủ Tịch Nước phê chuẩn ban hành.(5)

Vì sao Tô Đại Tướng không theo quy trình từng bước mà quyết liệt vượt mặt Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đi cửa sau lên Bộ Chính trị xin ý kiến xé luật tăng quyền cho ngành Công an? Dễ thấy nhất là việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe sẽ là nguồn thu trên bàn, dưới bàn vô cùng hậu hĩnh. Nhưng có lẽ nó không chỉ dừng lại đó.

Vì sao Thủ Tướng anh minh tận tụy, áo mướt mồ hôi quản lý sát sao đến tận xã phường lại lỏng tay mở cửa hậu ủy quyền cho Bộ Công an thông quan thẳng lên Bộ Chính trị?

Phải chăng sau những đại án kit test, chuyến bay giải cứu, chứng khoán, cổ phiếu địa ốc, những bộ ngành có liên quan đến các đại án và cả cấp trên của các bộ, ngành ít nhiều đều có dính chàm. 

Tô Đại Tướng đã có trong tay nhiều con tin, nhiều ách chủ bài để ngã giá trong cuộc đua tam tứ mã vào ngôi cửu ngũ? Chuyện xé Luật Giao Thông Đường Bộ làm đôi, tăng quyền cho ngành Công An vừa ném đá dò sông, vừa tạo thêm uy lực.

_____________________

Tham khảo:

1-https://vnexpress.net/thu-tuong-khong-hinh-su-hoa-cac-quan-he-dan-su-kinh-te-4454863.html

2-https://tuoitre.vn/cap-bang-lai-xe-cong-an-khong-nen-nhan-them-nhung-nhiem-vu-khac-20201116152824579.htm

3-https://tuoitre.vn/thieu-tuong-sung-thin-co-xin-loi-bo-truong-luc-luong-cong-an-qua-dong-20201117112648148.htm

4-https://tuoitre.vn/thu-truong-bo-cong-an-chinh-phu-xin-y-kien-bo-chinh-tri-viec-tach-luat-giao-thong-duong-bo-20220416141809846.htm

5-http://congan.namdinh.gov.vn/mDefault.aspx?sid=1216&pageid=669&catid=50516&id=184209&catname=tin-hoat-dong-cong-an-tinh&title=de-cuong-tuyen-truyen-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts