Thuế đối với bất động sản thứ hai hay bỏ hoang- nhiều lần đề xuất, sao chưa ‘đánh’ được?

Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam – VARS, mới đây tiếp tục đề xuất đánh thuế với bất động sản thứ hai hoặc bỏ hoang. VARS đưa ra đề xuất này trong bối cảnh giá bất động sản liên tục tăng, chưa có tín hiệu giảm…

Bộ Xây dựng trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ từng cho rằng đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Vì sao việc đánh thuế bất động sản được đưa ra nhiều lần nhưng vẫn dừng lại ở đề xuất?

Một kỹ sư từng tham gia xây dựng nhiều dự án bất động sản, hôm 2/10 cho biết, bất động sản có nhiều loại sản phẩm, nhưng chủ yếu là nhà ở gồm chung cư và đất nền khu đô thị mới đã được xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay, có 2 hiệp hội hoạt động liên quan đến bất động sản, đó là Hiệp hội môi giới Bất động sản Việt Nam – VARS và Hiệp hội Bất động sản nhà đất Việt Nam – VREA. Ông này nêu lý do vì sao đề xuất đánh thuế bất động sản ‘vẫn trên giấy’:

“Hai Hiệp hội này mâu thuẫn về lợi ích: Trong khi VARS thì muốn bất động sản được bán ra càng nhiều càng tốt, còn VREA thì muốn ghìm hàng để chờ tăng giá, nhất là hiện nay tại Việt Nam nhu cầu về nhà ở rất lớn, đặc biệt là ở các đô thị cung không đủ cầu! VREA lại là nơi sân sau của nhiều quan chức nhà nước gửi gắm trong đó. Vì vậy, trong khi VARS chỉ làm dịch vụ và không có chân của các quan chức nhà nước, thì muốn bán được nhiều bất động sản nên đã đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2, nếu chủ bất động sản chịu không nổi thì buộc phải bán…”

Ngược lại theo vị này VREA, mà trong đó có sân sau của quan chức nhà nước, thì ghìm hàng chờ tăng giá nên không muốn thêm thuế bất động sản thứ 2 vì ảnh hưởng xấu đến lợi ích của họ. Chính mâu thuẫn này mà nhiều lần đề xuất tăng thêm thuế bất động sản thứ 2 đến nay vẫn không thực hiện được!

Đưa ra sắc thuế chỉ đánh mạnh vào những trường hợp nhiều bất động sản, nhưng không đưa vào sử dụng, chủ yếu đánh vào đấy để hạ thấp đầu cơ bất động sản.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Trước đó vào đầu tháng 5/2023, chính phủ Việt Nam cũng đã gửi cho Quốc hội báo cáo giải trình dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đáng chú ý, trong đó có dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 do TPHCM đề xuất về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Theo đó, TPHCM đề xuất áp thuế bất động sản thứ hai trở lên để tránh đầu cơ. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 2/10 nhìn nhận việc áp thuế bất động sản gặp thách thức bởi rơi vào thế giằng co nhiều năm qua. Theo ông, đối tượng bị đánh thuế là người sở hữu nhiều bất động sản, thường là nhà đầu tư, đầu cơ, chủ đầu tư – vốn là nhóm có nguồn lực tài chính lớn hoặc quyền lực. Nhóm này luôn ở thế xung đột với những người vất vả để mua nhà, hay số đông người lao động tài chính ít… Ông nói tiếp:

“Đưa ra sắc thuế chỉ đánh mạnh vào những trường hợp nhiều bất động sản, nhưng không đưa vào sử dụng, chủ yếu đánh vào đấy để hạ thấp đầu cơ bất động sản. Nhưng hạ tầng quản lý ở Việt Nam không phát triển mặc dù chú trọng số hóa, thiết lập cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất… Nhưng hiện nay chưa có một cơ sở dữ liệu nào để có thể quản được tất cả tình trạng của đất đai, bất động sản ở trên cả nước. Bây giờ chỉ mới quản được đến cấp tỉnh, đấy là sự yếu kém trong hoạt động quản lý.”

——————

Đánh thuế nhà đất bỏ hoang có dẹp được đầu cơ bất động sản?

2.000 doanh nghiệp bất động sản đóng cửa đầu năm 2024

NHNN cảnh báo tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng

——————

c57be24d-9857-42fb-a46b-ee5639788430.jpeg
Ảnh minh họa chụp tại TPHCM năm 2021. AFP PHOTO.

Theo ông Võ, Luật Thuế Bất động sản có thể ra sớm thì cơ quan quản lý có thể thấy thấy tạm ổn, nhưng sự thật số lượng người trốn thuế trong tất cả khu vực bất động sản giá cao sẽ tìm cách trốn thuế bằng cách sang tên cho con, cháu, người nhà… Ông Võ nói tiếp:

“Hạ tầng quản lý của Việt Nam không quản được việc trốn thuế này và khi một hệ thống quản lý thuế để mọi người dễ dàng trốn thuế bằng cách sang tên, thì chắc chắn lúc đấy luật thuế không hiệu quả. Bên cạnh thấp kém về quản lý, thì có một điều là tư duy về quyền riêng tư đối với tài sản chưa được rành mạch và vẫn mâu thuẫn với chủ trương công khai, minh bạch để ngăn ngừa tham nhũng. Vậy thì giữ thông tin bí mật về tài sản hay mở ra đến đâu? Mà nếu không mở ra công khai cho người dân, thì người dân sẽ không thực hiện được quyền giám sát của mình. Đấy thành ra nó vẫn vướng víu và chưa mạch lạc về tư duy.”

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, đây là lực cản mà những người có nhiều bất động sản cũng đủ thông minh để tạo ra những ngữ cảnh ‘điều kiện quản lý’, ‘điều kiện tư duy’ chưa đủ… để có thể vận hành một cách phù hợp ở Việt Nam sao cho chống được tham nhũng mà vẫn chống được đầu cơ. Theo ông Đặng Hùng Võ, việc này không thể giải quyết ngày một, ngày hai và cũng nên có lộ trình, có thể luật cứ ra, nhưng nó phải là luật có các quy định rất thông minh và chặt chẽ.

Vấn đề là ai cũng biết chuyện này nhưng nó không được thực hiện bởi đơn giản rằng các quan chức đầu cơ đất đai rất nhiều. Khi các quan chức có phần lợi trong việc thổi giá bất động sản thì không hi vọng gì họ sẽ ra một luật để kìm hãm giá bất động sản lại.
-Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ

Một người môi giới bất động sản không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trao đổi với RFA liên quan việc này, cho biết:

“Mua một cái bán một cái thì không bị. Còn nếu cái thứ hai, thứ ba phải đóng thuế, thì những tay buôn thì thấy hợp lý vì họ đã tính toán phần đó. Còn những người thừa kế hoặc mua thêm cái thứ hai cũng hơi cay đắng, bực mình. Theo tình hình chung thì người ta sẽ để tên con cái, để tên người khác…”

Đây không phải là lần đầu việc đánh thuế bất động sản thứ hai được đề xuất. Vào năm 2017, Chính phủ Việt Nam cũng từng đề xuất thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai tại TPHCM, nhưng sau đó không được thông qua, một số ý kiến khi đó cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh thuế bất động sản thứ hai.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 2/10 nhận định với RFA:

“Thực ra các chính sách nhằm làm giảm đầu cơ đất đai và nhà đất đã được các nước khác nhau họ dùng lâu rồi và rất hiệu quả. Chẳng hạn như nhà đất mua đi và bán lại trong vòng 5 năm chẳng hạn thì sẽ chịu thuế suất rất cao và giảm dần theo thời gian. Hoặc chính phủ cũng có thể đánh thuế cao hơn đối với đất để hoang ở thành thị chẳng hạn để tránh tình trạng găm đất.”

Nếu chính phủ quyết tâm thực hiện các chính sách như vậy thì theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, thị trường bất động sản sẽ không còn có thể thổi giá được. Ông Vũ nói tiếp:

“Vấn đề là ai cũng biết chuyện này nhưng nó không được thực hiện bởi đơn giản rằng các quan chức đầu cơ đất đai rất nhiều. Khi các quan chức có phần lợi trong việc thổi giá bất động sản thì không hi vọng gì họ sẽ ra một luật để kìm hãm giá bất động sản lại.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ thì lại cho rằng, Nhà nước nên nghiên cứu việc bãi bỏ quy định về bảng giá đất, để thay bằng hình thức thuế bất động sản. Nếu duy trì thì bảng giá đất phải ngang bằng với giá thị trường, từ đó làm căn cứ để thu thuế, phí. Khi thuế tăng lên thì hiện tượng đầu cơ, tích trữ giảm.

Related posts