‘Thùng nhân’ Việt và giấc mơ đổi đời nơi trời Âu (Phần V)
Vào giữa tháng 5/2021 tại eo biển Manche, lực lượng tuần duyên Vương Quốc Bỉ nhận được tin kêu cứu của một chiếc thuyền gặp nạn ngoài khơi bờ biển Bỉ. AFP đưa tin, khi tàu tuần duyên Bỉ đến gần, nước đã tràn vào thuyền và lực lượng tuần duyên vừa đến kịp thời để cứu cả 49 người trên tàu. Cơ quan chức năng cho biết đại đa số những “thuyền nhân” này là người Việt Nam, khởi hành từ bờ biển Pháp tìm đường đến Anh.
Vương Quốc Anh từ nhiều thập niên và đến ngày hôm nay vẫn là “thiên đường” và điểm đến mong ước đối với hàng trăm, hàng nghìn người Việt Nam tìm đường bỏ nước ra đi. Vụ 39 người Hà Tĩnh, Nghệ An bị phát hiện chết ngộp trong thùng đông lạnh của xe vận tải tại Essex ngày 23/10/2019 đã cho thế giới thấy thảm kịch của người dân Việt Nam chấp nhận liều mạng vì một ước mơ đổi đời.
Thuyền nhân hiện đại
Ông Tim Trần (không phải tên thật), một tư vấn cho cảnh sát và Bộ Xã hội Anh trong các vụ buôn người mà nạn nhân là người Việt Nam, nhận định như sau – vì lý do an ninh, chúng tôi đọc lại lời của ông Tim Trần:
“Từ năm 2019 khi vụ 39 người chết thì chính quyền Anh ráo riết hơn trong việc truy lùng. Bằng cớ là một thanh niên 17 tuổi, người Việt, dính dáng vào vụ đưa 39 người từ Bỉ qua bên Anh trong chiếc xe thùng. Dù anh ta trốn từ Bỉ qua Anh đến một thành phố khác mà vẫn bị Chính phủ Anh bắt và xét xử.
Riêng trong vụ 39 người thanh niên chết, Chính phủ Anh xét xử rất là nặng và họ cũng còn tiếp tục truy lùng những người thủ phạm ở phía sau đường dây đó nữa”.
Bị can mà ông Tim Trần nhắc đến là thanh niên Ngô Sỹ Tài, một người mới 16 tuổi khi bị cáo buộc đã điều hành những ngôi nhà tạm trú tại Bỉ, nơi 39 nạn nhân đã ở trước khi họ lên xe thùng đông lạnh để nhập cư lậu vào Anh. Ngô Sỹ Tài bị Bỉ truy nã, trốn qua Anh, và bị bắt hồi tháng 12/2020. Ngày 17/6/2021 Cảnh sát đã bắt thêm một người cũng bị cáo buộc đã điều hành các ngôi nhà tạm trú tại Bỉ.
Ngày 3/9/2021, một bị can người Ý, cũng liên quan vụ 39 người, đã hầu tòa tại Anh về tội âm mưu hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp và khuyến khích hoặc hỗ trợ thực hiện hành vi phạm tội.
Cảnh sát Anh đã gia tăng chiến dịch chống nạn buôn người. Tháng 11/2020, hai chính phủ Anh và Pháp đã ký thỏa thuận tăng cường tuần tra nhằm ngăn chặn di dân bất hợp pháp vượt qua eo biển Manche.
Thế nhưng trong hai năm qua, hiện tượng vượt biển bất hợp pháp đến Anh đã không giảm, mà còn gia tăng kỷ lục. Theo Thông Tấn Xã (Press Association) của Anh, riêng năm nay đã có hơn 14.000 người vượt eo biển Manche, trong khi cả năm 2020 Bộ Nội Vụ Anh ghi nhận 8.000 người sang Anh qua con đường này.
Người Việt Nam thường xuyên được Cơ quan Chức năng Anh liệt kê là một trong ba, bốn nhóm vượt biển lớn nhất, bên cạnh người Albania, Sudan và Iran.
Đáng lo ngại là mới đây phương tiện họ chọn cho cuộc hành trình này ngày càng nguy hiểm, nhiều lúc chỉ là một thuyền phao, thuyền ca-nô (canoe) chèo bằng tay, khởi hành từ bờ biển Bỉ hoặc Pháp. Eo biển Manche được biết nguy hiểm vì giao thông hàng hải đông đúc, vùng biển băng giá và có dòng chảy mạnh.
Từ Pháp, cô Nadia Sebtaoui, chuyên gia về nạn buôn người đã nhiều năm làm việc với nạn nhân buôn người Việt Nam tại các trại tị nạn ở Calais, nói sau vụ 39 người chết bên Anh, người Việt Nam đã tìm mọi cách để không bị phát hiện:
“Sau sự cố 39 người, cộng thêm đại dịch năm ngoái, mọi thứ đã thay đổi. Trước đây người di dân thường nhảy lên xe tải như chúng ta đã thấy với vụ ở Essex. Họ đi trong các nhóm lớn, mặc dù cũng có trường hợp đi theo các nhóm nhỏ hơn. Bây giờ những gì chúng ta thấy trong những tháng qua là họ đã chuyển sang những chiếc thuyền nhỏ để qua eo biển đến nước Anh. Đây là những chiếc thuyền rất nhỏ, rất nguy hiểm và không an toàn.”
Pháp, Anh tuyên bố “giai đoạn mới” trong cuộc đấu tranh chống vượt biển
Chính quyền Pháp, với sự tài trợ của Anh, trong năm qua đã tăng gấp đôi số cảnh sát tuần tra dọc bờ biển Pháp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ hai nước hôm 20/7/2021 đã ký thỏa thuận, một lần nữa nhân gấp đôi số cảnh sát tuần tra, mở rộng khu vực kiểm soát, triển khai kỹ thuật tối tân như máy bay không người lái, và đầu tư vào các trung tâm tỵ nạn tại Pháp. Vương Quốc Anh cam kết 62,7 triệu Euro cho nỗ lực này trong năm nay.
Tuy nhiên Bộ Nội vụ Anh thừa nhận việc gia tăng kiểm soát đã khiến các băng nhóm tội phạm có tổ chức thay đổi chiến thuật, khởi hành từ xa bờ biển Pháp nên buộc những di dân đi trên biển lâu hơn, rủi ro nhiều hơn.
Điều này cũng được xác nhận qua những dữ liệu mà các quốc gia châu Âu khác như Đức thu thập được.Trưởng Văn phòng Cảnh sát Hình sự Cộng Hòa Liên Bang Đức-bà Nicole Baumann, trong một cuộc phỏng vấn với Đài RFA, xác nhận hiện tượng “thuyền nhân thời đại mới” đối với nhiều người Việt Nam:
“Nói đến các tuyến đường di cư, chúng tôi biết đa số các di dân Việt Nam bị buôn lậu bằng máy bay qua Nga. Sau đó họ đi tiếp qua các nước Đông Âu bằng ô tô hoặc đường bộ đến EU. Hành trình tiếp theo thường hướng đến Vương quốc Anh, đi bằng xe tải qua Pháp, hoặc từ Hà Lan đi phà đến Anh.
Gần đây họ thực sự dùng thuyền phao để đến Anh. Đây là một phương tiện rất mới, trong đó nước Đức chỉ đóng vai trò là quốc gia trung chuyển để họ đi tiếp đến Hà Lan, Bỉ hoặc Anh.
Chúng tôi không biết liệu điều này có liên quan đến đại dịch hay đây chỉ là một cách mới mẻ của kẻ buôn người. Các tổ chức buôn người thường rất sáng tạo”.
Động lực mới do đại dịch, hành trình trên những tuyến đường cũ
Trưởng Văn phòng Cảnh sát Liên Bang Đức nói, tác động từ dịch COVID-19 còn cần phải được nghiên cứu thêm, nhưng rõ ràng số người từ Việt Nam trong những năm tháng qua đã không giảm, bất chấp các hạn chế di chuyển và đóng cửa biên giới do đại dịch:
“Ở Đức chúng tôi cũng có thời gian có lệnh đóng cửa. Người ta không thể làm việc trong các tiệm móng tay (nail) nữa. Khi đó chúng tôi thật bất ngờ khám phá ra rằng người Việt Nam đã phải chuyển qua làm việc trên công trường. Điều đó rất mới đối với chúng tôi, đó là một tình huống mà có thể gắn liền với dịch Corona. Nhưng điều mà chúng tôi cũng nhận thấy là số lượng nhập cư vào nước Đức không hề giảm trong mùa dịch. Tuy nhiên, chúng ta phải tìm hiểu thêm chi tiết liên quan nên tôi chưa thể cung cấp số liệu chính xác”.
Bà Marina Mai, một nhà báo tự do tại Berlin thường xuyên viết về cộng đồng người Việt ở Đức nói, số liệu chính xác, ngay cả nếu như cảnh sát có, cũng không thể nói lên toàn bức tranh của người Việt sống bất hợp pháp tại đây, vì họ hoàn toàn tránh xa bất cứ mọi tiếp xúc với cơ quan chính quyền và đa phần họ không ở lại nước Đức. Bà Mai cho biết:
“Thường thường họ ở vài tuần, vài tháng, hoặc thậm chí một năm rưỡi. Điều đó tùy thuộc vào khả năng tài chính của họ. Nếu họ chỉ đủ tiền cho đường dây buôn người đưa tới Đức thôi thì họ sẽ dừng ở đây, làm việc và để dành tiền để đi tiếp đến Anh.”
Một nhân chứng đi lậu từ Nga qua Đức, trong một cuộc phỏng vấn với mạng báo thoibao.de hồi năm 2019 nói thêm:
“Nhiều người trước khi đi, họ phải cầm cố cả nhà của họ cho ngân hàng. Như ở Việt Nam hay dùng từ là ‘vay nợ nóng’ tức là để có một số tiền lớn và nhanh để họ có thể đóng bên dịch vụ để được đi. Cho nên khi họ sang Đức rồi, họ muốn kiếm tiền rất nhanh để họ trả nợ nóng đó cho ngân hàng. Chứ nếu để càng ngày càng lâu thì tiền lời ngày càng lên cao. Có khi lúc đi thì hết 500 triệu, nhưng tính tiền nợ nóng, tiền lời thì số tiền lên sáu, bảy, tám trăm triệu”.
Theo người lao động này, thu nhập bên Anh lớn hơn nhiều so với Đức, và Bảng Anh có giá trị hơn nên vì áp lực từ ngân hàng, gia đình ở quê nhà, họ phải đi tiếp như trường hợp của “em Nhung, em Hiệp”, những nạn nhân đã chết trong xe tải tại Essex:
“Một số người họ đã sang Đức rồi, làm một thời gian, có khi làm hai, ba tháng, một năm. Nhưng cuộc sống ở Đức ngày càng khó khăn, bởi vì vốn dĩ họ không có giấy tờ. Trong đó có Nguyễn Đình Tứ, người Nghệ An, có em Nhung, em Hiệp… Họ thấy cuộc sống quá vất vả. Để có một số tiền lớn để trang trải, khi số vốn họ bỏ từ Việt Nam đi là tầm 500 triệu, một nửa tỷ đồng mà với công việc ở Đức, tầm một nghìn, nghìn Euro/tháng thì không thể trang trải nợ, nên buộc họ phải đi sang Anh để tìm việc có tiền nhanh và lớn hơn để họ gửi về Việt Nam, trả số nợ đã bỏ ra”.
Chặng đường cuối cùng trên hành trình xuyên Châu Âu trước khi qua Anh có thể là đoạn đường định mệnh, nhưng điều đó không có nghĩa là đoạn đường từ Nga, Đông Âu đến Tây Âu trước đó không kém gian nan và nguy hiểm, như RFA đã tìm hiểu trong những bài trước.
Người dân Việt Nam đi xuyên qua các nước Tây Âu như Đức, Pháp, Bỉ, đôi khi không hề biết họ đi qua thành phố nào. Những cánh rừng họ đi ngang vô tên. Họ hoàn toàn phụ thuộc vào kẻ đưa người.
Đây là giai đoạn họ dễ bị bóc lột nhất: từ một người tự nguyện rời khỏi nước, họ trở thành nạn nhân buôn người bị bóc lột sức lao động hoặc tình dục.
Anh Trần Mạnh Tuấn, quê Nghệ An, đã bay qua Nga, từ đó đi đường bộ qua Ukraina, Ba Lan, rồi đến Đức. Anh mô tả hành trình anh đi, cũng giống y như 39 nạn nhân đi xe tải đến Essex:
“Đi từ Nga qua Ba Lan thì dừng chân một, hai ngày. Em thì hai ngày. Qua Đức là một chặng tiếp. Qua đó cũng là một, hai ngày. Ở Đức em chỉ biết là ở Đức chứ cũng không biết là chỗ nào. Chặng đường từ Đức qua tận Pháp thì họ cũng dùng xe taxi để chở tiếp…”
Tại Pháp thì anh còn nhớ địa danh Quận 13, vì có nhiều đồng hương. Nhưng anh cũng chỉ dừng chân một vài ngày, trong khi có nhiều người sẽ ở lại một vài tháng để làm lậu trong các tiệm ăn, doanh nghiệp của người Việt Nam đi trước.
Anh Tuấn kể lại cảm giác khi bước vào thùng đông lạnh của một xe vận tải dừng tại biên giới Pháp:
“Em sợ hãi vì khi đi vào, đóng trong container, rất sợ. Vào trong đó không biết gì cả. Bốn bức tường sắt mà. Container cũng giống như của 39 nạn nhân. Trên đường, đi đường rừng, trời lạnh, đi cũng rất là vất vả, rất khổ sở.
Khi nghe tin 39 người mất trên xe đó con người em lúc đó rất là bàng hoàng vì rất là thương họ. Họ cũng đi giống hoàn cảnh như mình mà họ thì lại bỏ xác ở trên một chuyến xe trên đường tìm tự do. Mà em thì lại an toàn. Rất là thương họ.”
Chuyên gia về nạn buôn người, cô Nadia Sebtaoui, ghi nhận rằng người Việt Nam có một điểm khác biệt với các di dân từ những nước Đông Âu hoặc Trung Đông là họ xa lánh tất cả mọi cơ quan chức năng, kể cả các tổ chức thiện nguyện muốn giúp đỡ họ.
“Chúng tôi không thấy những người bất hợp pháp Việt Nam ở Paris (mặc dù biết là có). Họ không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức làm việc với người xin tị nạn hoặc người di cư. Nếu chúng ta gặp họ, thì chỉ ở Calais. Có thể là do họ không muốn liên hệ với chính quyền Pháp hoặc các tổ chức hỗ trợ của Pháp, vì thực sự họ chỉ muốn quá cảnh đến Anh”.
Những khu rừng ở miền Bắc nước Pháp trước đây được biết đến như là những trại tị nạn tự phát, với tên như “Camp Vietnam City” tại rừng Angres đã bị cảnh sát Pháp tháo dỡ từ năm 2018. Tuy nhiên người di dân Việt vẫn tụ tập ở đây, nhưng trong những nhóm nhỏ để tránh bị phát hiện.
Điều đó làm công việc giúp nạn nhân buôn người càng khó khăn, cô Nadia nói, trong khi xu hướng vượt biên ngày nay càng thêm nhiều rủi ro.
Khác với thuyền nhân Việt Nam của những năm sau 1975, thuyền nhân của thời đại này là do giới buôn người tổ chức. Dường như di dân bất hợp pháp sẽ tiếp tục chấp nhận liều mạng để đến được “thiên đường” nước Anh. Nếu họ thành công, điều gì chờ đợi họ bên kia bờ biển?
Mời quý vị theo dõi trong phần VI của loạt bài về “thùng nhân” Việt ở Châu Âu.
Phần I: ‘Thùng nhân’ Việt và giấc mơ đổi đời nơi trời Âu
Phần II: ‘Thiên đường’ Châu Âu và các cuộc hành trình nhiều may rủi
Phần III: Trạm dừng chân ở Đông Âu và Viễn ảnh đến Tây Âu cùng Nỗi sợ hồi hương