Tiền thu sai của sinh viên sao không trả lại mà nộp ngân sách?

Trường Đại học Thủ Dầu Một thuộc tỉnh Bình Dương, vừa bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện đã thu sai quy định của sinh viên số tiền hơn 37 tỷ đồng.

Cụ thể theo cơ quan Kiểm toán Nhà nước, năm học 2020-2021 và 2021-2022, Trường Đại học Thủ Dầu Một chưa tự chủ tài chính, do đó mức thu học phí được thực hiện theo quy định của nhà nước là Nghị định số 86/2015/ của Chính phủ và Quyết định số 28/2016 của UBND tỉnh Bình Dương.

Nhưng trường này lại thu học phí của các tín chỉ thực hành cao hơn 1,5 lần so với tín chỉ lý thuyết. Giải thích với cơ quan Kiểm toán, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, việc thu như vậy là do phần thực hành tiêu hao nhiều vật tư, thiết bị thực hành… kinh phí rất cao.

Tuy nhiên theo báo nhà nước, trường này không trả lại tiền thu lố cho sinh viên mà nộp vào ngân sách nhà nước.

Thu của người ta sai thì phải trả lại cho người ta. Tuy nói vậy nhưng thực tế không dễ mà trả lại, bởi vì nhiều sinh viên đã bị thu lố và đã ra trường rồi, bây giờ làm sao mà liên hệ trả lại là cực khó.
-Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng

Trao đổi với RFA liên quan vấn đề này hôm 18/10, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, từng giảng dạy nhiều năm tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM, đưa ra nhận định:

“Đứng về mặt luật như thế là sai, không phải làm sai rồi nộp cho nhà nước sau khi bị phát hiện là không sai, ngay cả nộp khi chưa phát hiện gì cả cũng không đúng. Bởi vì thu của người ta sai thì phải trả lại cho người ta. Tuy nói vậy nhưng thực tế không dễ mà trả lại, bởi vì nhiều sinh viên đã bị thu lố và đã ra trường rồi, bây giờ làm sao mà liên hệ trả lại là cực khó. Phải khẳng định rằng điều đó không đúng, ngay cả khi trả lại cũng không đúng. Do đó nhà nước trong chuyện này phải có kỷ luật hẳn hoi.”

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, đây không phải là trường tư để thu học phí theo ý mình, học phí ở đây phải nhiều cấp duyệt, do đó đứng về mặt luật, chỉ được thu trong phạm vi mà cấp trên duyệt thôi. Ông Dũng nói tiếp:

“Về mặt nhà nước thật ra rất nghiêm ngặt, thu học phí bao nhiêu tiền, ngành nào bao nhiêu, ngành nào thì không thu… tất cả những cái đó có văn bản chặt chẽ. Tuy nhiên trên thực tế vẫn xảy ra chuyện lạm thu, như vậy có vấn đề về mặt quản lý. Khi thu học phí như thế nào mà Bộ duyệt thì bắt buộc phải công khai với sinh viên, khi nhập học sinh viên hoàn toàn có thể kiểm tra được. Như vậy khó xảy ra chuyện thu lố, vì sinh viên sẽ phát hiện ngay và phản ứng.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, vấn đề đặt ra là tại sao nghiêm ngặt mà vẫn xảy ra tình trạng thu lố, đó là vấn đề quản lý.

—————

Giáo dục thay đổi, lương giáo viên vẫn thấp
Giáo viên lo ngại về mức lương theo quy định mới của Bộ Giáo dục
Lương giáo viên vẫn quá thấp với thiên chức “trồng người”

—————

Còn Thầy giáo Đỗ Việt Khoa – giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín – Hà Nội, khi trả lời RFA hôm 18/10/2024 cho rằng như vậy là vô lý:

“Người bình thường ai cũng thấy là vô lý, thu sai của sinh viên thì phải thu hồi trả lại sinh viên đó. Đâu phải tiền tham nhũng, đâu phải tiền ở trên trời rơi xuống… mà đó là tiền túi của sinh viên xin của bố mẹ, tôi không hiểu vì sao các cán bộ này có suy nghĩ đã nộp vào ngân sách thì không lấy lại được? Ngân sách cũng chỉ là kho giữ tiền hộ, còn tiền không phải tiền của nhà nước, tiền đó của sinh viên thì phải trả lại cho cha mẹ các cháu.”

960f7895-87ab-4a4d-8283-18bffd80f083.jpeg
Ảnh minh họa. Hình ảnh cô và trò ngày khai giảng năm học mới tại 1 trường học ở Hà Nội. AFP PHOTO.

Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, việc đầu tiên là cơ quan chức năng phải cách chức, khai trừ đảng, kỷ luật hiệu trưởng thật nghiêm khắc. Thầy Khoa nói tiếp:

“Trong trường hợp này, thậm chí phải truy tố trước pháp luật, thu tiền sai vài chục tỷ đồng như thế đó là tội lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của người khác. Cái này pháp luật có quy định hẳn hoi. Tuy nhiên lâu nay ở Việt Nam người ta coi nó như chuyện vặt, người ta không khởi tố. Và do đó các lãnh đạo các trường, các hiệu trưởng cũng bắt chước nhau thu trái phép như thế. Có thể nói số đông các trường, từ đại học đến phổ thông, đều dính vào chuyện đó và pháp luật gần như bị giẫm lên. Vì vậy căn bệnh này được dung túng, được bao che thì nó ngày càng bùng phát.”

Theo Thầy Khoa, hiện nay từ trẻ mầm non cho đến sinh viên các trường đại học đều bị lạm thu. Thầy Khoa cho rằng tội lỗi đầu tiên thuộc về các nhà quản lý giáo dục, sau đó là sự không nghiêm khắc thực hiện các quy định của pháp luật, hiến pháp trong việc khởi tố, để xử lý triệt để tệ nạn này.

Về phương diện pháp lý, khoản thu học phí thừa của sinh viên là tài sản hợp pháp của sinh viên. Trường có nghĩa vụ hoàn trả lại đầy đủ cho họ.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh

Đài Á Châu Tự do hôm 18 tháng 10 nhiều lần liên lạc Trường Đại học Thủ Dầu Một, nhưng không nhận được phản hồi.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một, khi trả lời báo nhà nước hôm 15/10 xác nhận thông tin vừa nêu và cho biết hiện toàn bộ số tiền thu vượt nhà trường đã nộp ngân sách theo đúng kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Trong khi đó cũng theo báo nhà nước, cơ quan Kiểm toán Nhà nước lại cho biết đã có công văn yêu cầu Trường Đại học Thủ Dầu Một hoàn trả cho sinh viên, trường hợp không hoàn trả được thì nộp ngân sách số học phí đã thu vượt mức quy định.

Trả lời RFA từ Hoa Kỳ hôm 18/10, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho RFA biết ý kiến:

“Về phương diện pháp lý, khoản thu học phí thừa của sinh viên là tài sản hợp pháp của sinh viên. Trường có nghĩa vụ hoàn trả lại đầy đủ cho họ.

Kiểm toán nhà nước có công văn yêu cầu Trường Đại học Thủ Dầu Một nộp ngân sách đối với khoản học phí đã thu thừa mà không hoàn trả được cho sinh viên là yêu cầu hoàn toàn bất hợp pháp, vượt quá thẩm quyền và chức năng của cơ quan kiểm toán.”

Theo Luật sư Mạnh, đúng ra nhà trường nên có cách xử lý khác và nhà nước cũng cần trả lại khoản ngân sách thu sai này:

“Lẽ ra nhà trường phải hiểu vấn đề này để có hành xử cho đúng và hợp pháp. Nhưng dù kiểm toán có yêu cầu sai đi chăng nữa, thì nhà trường, với tư cách là người nộp tiền vào ngân sách, làm mất đi tài sản hợp pháp của sinh viên, nên vẫn phải chịu trách nhiệm chính đối với khoản tiền phải hoàn trả cho sinh viên”

Song song đó theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, ngân sách Nhà nước cũng phải hoàn trả lại nhà trường khoản tiền thu ngân sách không đúng quy định.

Related posts