“Nói chung qua Campuchia này dễ chết lắm. Nếu làm không được, không có tiền chuộc thì nó sẽ lấy thận của em. Nó doạ em vậy!”
Một nạn nhân bị lừa sang Campuchia, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, cho RFA biết hiện đang bị nhốt và ép buộc làm việc trong một công ty đánh bạc trực tuyến tại Campuchia.
Từ lời hứa hão trên mạng
Người này kể lại với RFA về quá trình mình bị dụ, rồi bị lừa sang Campuchia bán vào các công ty game trực tuyến như thế nào, rồi kết luận rằng có cả một đường dây từ Việt Nam sang Campuchia liên kết với nhau dẫn dụ “con mồi” vào bẫy:
“Em nghĩ là từ ở Việt Nam đã có đường dây. Họ dùng đủ chiêu trò dụ dỗ, rồi lừa gạt, họ lừa bán em sang Campuchia.”
Cách đây vài tháng, một bạn nữ tiếp cận, làm quen với nạn nhân qua Facebook. Người này thường xuyên nói chuyện và giới thiệu cho nạn nhân đầu tư, giao dịch một loại tiền ảo trên mạng, nhưng thua lỗ.
Bạn nữ kia khi đó gợi ý cho nạn nhân nên qua Campuchia làm việc kiếm tiền để trả nợ, công việc chỉ là đánh máy tính, lương 25 triệu đồng/tháng:
“Bạn ấy hỏi em biết đánh máy tính không? Em nói em không biết đánh máy tính. Bạn ấy nói nó cũng giống như điện thoại di động vậy thôi. Qua Cam làm, công việc dễ, kiếm tiền tháng 25 triệu.”
Khi đã đồng ý sang xứ Chùa tháp làm việc, nạn nhân được chở tới cửa khẩu Mộc Bài, vượt biên trái phép qua biên giới, rồi lên một chiếc xe bảy chỗ đưa đến một công ty đánh bạc trực tuyến.
Tại đây, một người quản lý nói với nạn nhân rằng làm việc ở đây lương 600 đô-la Mỹ/tháng, không có hợp đồng làm việc.
Nếu không muốn làm, hoặc làm không được việc thì chỉ cần trả lại tiền xe đã đưa người từ Việt Nam qua Campuchia là được thả ra. Mức phí xe được cho biết ít nhất 2000 đô-la Mỹ, hoặc có thể cao hơn, tuỳ vào “tâm trạng” của người quản lý:
“Nếu em làm không được thì em phải đền tiền xe cho công ty. Tiền xe công ty báo cho em biết là gần 2000 đô-la, tượng đương 40 triệu đồng.
Nhà thì không có tiền, em không có cách trốn thoát khỏi nơi này.”
Trở thành nạn nhân buôn người
Vì cả tin vào lời dụ dỗ của một người không quen biết trên mạng xã hội về một công việc nhẹ nhàng, không cần kinh nghiệm mà lương cao cả ngàn đô-la Mỹ mỗi tháng, người này đã trở thành nạn nhân buôn người, bị nhốt, bị bóc lột sức lao động…
Theo lời nạn nhân cho biết, công việc chính của những người bị lừa vào đây là lên Facebook tìm kiếm “khách hàng” rồi dụ họ chơi cá cược trong game trực tuyến. Nếu ai tìm không đủ chỉ tiêu thì sẽ bị bán sang công ty khác làm việc. Khi đó số tiền “chuộc thân” để được thả ra sẽ tăng thêm từ 1000 đến 2000 đô-la Mỹ nữa:
“Hiện tại bây giờ thì em làm không được, em kiếm khách không được. Áp lực lắm. Nếu làm không được thì nó sẽ chuyển em sang nơi khác. Chuyển em sang nơi khó hơn.”
Mọi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ đều diễn ra bên trong khuôn viên công ty này, không được bước chân ra cổng công ty, cũng không giao tiếp với những người ở phòng khác.
Mỗi phòng ở từ sáu đến mười người, tính luôn người quản lý. Nhất cử nhất động của tất cả mọi người đều bị hệ thống camera giám sát chặt chẽ, chỉ trong nhà vệ sinh là không lắp đặt camera:
“Thằng quản lý nó ở chung phòng với tụi em. Mỗi phòng là một thằng quản lý. Bởi vì tụi nó rất sợ tụi em bỏ trốn.”
Mỗi ngày, mọi người bị bắt buộc phải làm việc 12 tiếng đồng hồ, xoay ca với những người còn lại, xong việc thì về phòng ngủ nghỉ. Những ai không chịu phục tùng, hoặc làm không được việc sẽ bị đánh, chữi, hoặc thậm chí là bị chích điện:
“Làm 12 tiếng làm xong về phòng ngủ, ngủ xong rồi đi làm, tối ngày quanh năm suốt tháng đều như vậy. Ở trong công ty suốt luôn à. Công ty không có cho ra ngoài cổng.
Làm không xong nó chích điện luôn chứ chửi là bình thường thôi!”
Ngoài chuyện tự đóng tiền chuộc, còn một cách khác để nạn nhân thoát khỏi nơi đó là phải lôi kéo thêm những người mới thế chỗ của mình. Nếu tìm đủ một số lượng người nhất định đưa qua Campuchia làm việc thì sẽ được thả ra.
Theo thông tin từ VTV, từ đầu năm 2021, hàng chục ngàn người lao động người Việt Nam đã tìm đường sang Campuchia làm việc. Trong đó, có tới hàng ngàn người xuất cảnh trái phép qua các cửa khẩu đường bộ.
Người thân bất lực, cầu cứu cộng đồng
Sau khi biết mình đã bị lừa, nhiều nạn nhân được phép liên hệ cho người thân ở Việt Nam để lo tiền chuộc. Tuy nhiên, phần đông những người bị lừa dẫn sang Campuchia làm việc đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Con số 2000-3000 ngàn đô-la Mỹ là quá lớn, họ không có khả năng chi trả.
Bà Nguyễn Thị Liễu, có con là Trần Ngọc Phong, sinh năm 2003, bị bán qua Campuchia hồi đầu tháng bảy, cầu cứu cộng đồng trong nước mắt:
“Mong muốn của tôi là kêu gọi cộng đồng giúp đỡ giùm cho tôi để chuộc con tôi về là tôi quý lắm rồi, cho tôi được chừng nào là tôi mừng chừng đó.
Thiệt tình là tôi rất là sợ. Tôi biết thằng con tôi mà. Nó biết mẹ nó không có khả năng chuộc nó về là nó sẽ tự tử nó chết.”
Bà Liễu kể, nửa đêm 2/7, con của bà đi cùng một nhóm người nói là vô Sài Gòn làm việc lương cao, 23 triệu đồng/tháng.
Hai ngày sau, con bà gọi điện về kêu cứu vì đã bị đánh thuốc mê đưa qua Campuchia. Nếu muốn về thì phải gởi tiền chuộc là 10 ngàn đô-la Mỹ:
“Lên Sài Gòn hai ngày người ta cho hắn uống một ly nước, mà hắn không biết đó là ly thuốc mê. Sau khi uống xong là nó chở đi, khi ngủ dậy là thấy đang nằm ở trong nhà của họ có 11 tầng, hắn ở tầng sáu.
Bây giờ hắn nói là nếu không cứu là nó sẽ bán qua một chỗ khác nữa. Hôm rồi tôi ngủ không được. Con tôi điện kêu là cứu 10.000 đô mới về được mà tôi không có tiền, thiệt tình là không có tiền luôn.”
Hiện tại, trên Facebook có một nhóm “Hội giải cứu người Việt tại Campuchia”, với khoảng 2800 thành viên. Trong đó, có nhiều bài đăng kêu cứu, nhờ mọi người giúp đỡ để được chuộc ra ngoài.
Cơ quan chức năng không hồi đáp
Mạng báo Vietnamplus đưa tin, vào ngày 18/7, tại Hà Nội, bốn bộ thuộc Chính phủ gồm: Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Bộ Công An, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân buôn người.
Trước đó, hôm 26/6, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời báo giới về nạn người Việt bị lừa bán qua Campuchia rằng Bộ đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia để tìm hiểu, xác minh thông tin và tích cực triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Kết quả là từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Campuchia đã hỗ trợ và đưa về nước an toàn khoảng 400 công dân Việt Nam.
Bà Liễu nói với RFA rằng bà đã gởi đơn trình báo và nhờ hỗ trợ lên công an Đà Nẵng, nhưng chưa một lần nhận được hồi âm:
“Khi đó tôi cũng không biết đường nào, chỉ biết gửi giấy tờ xuống công an thành phố. Công an thành phố cũng nhận đơn cho mình mà không thấy giải quyết.”
Phóng viên Đài Á châu Tự do gọi điện về tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài thì được cán bộ cho biết là thời gian gần đây cũng có nhiều người Việt Nam bị lừa qua Campuchia để làm việc:
“Thường đối với những trường hợp này thì người nhà của những người này sẽ phải chủ động làm đơn xin giúp đỡ. Trong đơn xin giúp đỡ có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường – xã, nơi mà người thân của họ lưu trú trước khi xuất cảnh, gửi đến Sở Ngoại vụ của tỉnh-thành phố, gửi tới Cục Lãnh sự ở Ba Đình, Hà Nội…
Ngoài ra, những người này có thể chủ động liên hệ ra bên ngoài thì sẽ liên hệ với Đại Sứ quán để họ hỗ trợ.
Về vấn đề thời gian thì còn tùy vào từng trường hợp và khu vực người này ở là như thế nào và tùy vào sự kết hợp của hai nước nữa, thì cũng không thể nói rõ chính xác được thời gian là bao lâu.”
RFA gọi điện cho Sứ quán Việt Nam tại Campuchia theo số điện thoại cung cấp trên trang web chính thức của Đại sứ quán Việt nam tại Campuchia, nhưng không có ai nghe máy, dù trong giờ hành chính.
Chúng tôi tiếp tục gởi email về địa chỉ của Sứ quán để cung cấp thông tin về hai trường hợp bị lừa sang Campuchia được nêu trong bài viết này, cũng như hỏi về sự hỗ trợ, bảo hộ của Sứ quán đối với các nạn nhân buôn người, nhưng đều không nhận được câu trả lời nào.