Đảng Cộng sản Việt Nam đang ráo riết thực hiện kế hoạch sắp xếp lại và tinh gọn bộ máy của toàn hệ thống chính trị.
Từ Chính phủ, Quốc hội, cho tới các hội, ban ngành từ trung ương cho tới địa phương đều thuộc diện phải thu gọn quy mô và cắt giảm biên chế.
Tuy nhiên, cho tới giờ phút này chưa có động thái nào cho thấy Bộ Công an sẽ phải thực hiện tinh giản, mặc cho đây là cơ quan cồng kềnh bậc nhất về ngân sách lẫn biên chế của bộ máy nhà nước.
Tinh giản có giảm chi ngân sách?
Một trong những cơ quan phải tinh gọn nhiều nhất là Chính phủ. Theo đó, Chính phủ khóa XV và khóa XVI nhiệm kỳ 2026 – 2031, sẽ giảm năm bộ và bốn cơ quan ngang bộ, còn lại 13 bộ và bốn cơ quan thuộc Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khi trả lời báo Nhà nước cho biết, khi thực hiện phương án tinh giản, tổ chức bộ máy của Chính phủ và tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sẽ giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối tổ chức bên trong.
Nhưng, bà bộ trưởng cũng nói thêm không có Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong số này.
Trong Nghị quyết về ngân sách 2024 được Quốc Hội thông qua vào tháng 11/2023, Bộ Công an được cấp 113 ngàn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, chỉ sau sau quân đội. Đáng chú ý là ngân sách năm 2024 tăng khoảng 14 ngàn tỷ đồng so với năm trước.
So với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục mỗi bộ được chi hơn 7 ngàn thì mức chi cho Bộ Công an gấp hơn 15 lần mức chi của Bộ Giáo dục hay Bộ Y tế.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ
Nếu như mức chi cho quốc phòng ở mức hai phần trăm GDP của Việt Nam được cho là chấp nhận được so với mặt bằng thế giới, thì mức chi cho công an lại đang ở mức quá cao.
Đó là chưa kể con số thực về ngân sách của Bộ Công an cũng được bảo vệ bởi Quyết định 1923/QĐ-TTg về Danh mục bí thật nhà nước thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách. Đơn cử, tháng 7 năm 2023, Bộ Công an cũng cho khánh thành nhà hát Hồ Gươm, nhưng kinh phí của công trình này chưa từng được bạch hóa.
“Dự toán chi ngân sách cho năm 2024 thì Bộ Công an được duyệt chi đến hơn 113 ngàn tỷ đồng, chỉ đứng sau Bộ Quốc phòng là hơn 207 ngàn tỷ đồng. So với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục mỗi bộ được chi hơn bảy ngàn thì mức chi cho Bộ Công an gấp hơn 15 lần mức chi của Bộ Giáo dục hay Bộ Y tế.” – Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy nhận định với RFA:
Tiến sĩ Vũ nói thêm, theo như công bố của ông Tô Lâm ngày còn làm Bộ trưởng Bộ Công an, lực lượng công an là 1,5 triệu người. So với một nước châu Âu có dân số gần tương đồng là Đức với hơn 80 triệu dân và chỉ có 300 ngàn cảnh sát thì lực lượng cảnh sát của Việt Nam là quá đông. Do đó, theo Tiến sĩ Vũ, nếu Chính phủ muốn một sự tinh gọn, việc phải cải tổ và tinh giản lực lượng công an là cần thiết.
“Tuy vậy, cho đến nay chưa thấy Chính phủ nhắc tới chuyện tinh giản lực lượng này. Có thể là lực lượng này sẽ được tinh giản sau cùng hoặc cũng có thể là lực lượng này là nơi nắm giữ quyền lực mà ông Tô Lâm muốn duy trì nó để giữ quyền lực cho chính mình, không muốn mất đi sự ủng hộ của công an cho sự cầm quyền của mình, và vì vậy sẽ không muốn đụng đến.” – Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định.
——————–
Thừa nhận bộ máy hành chính cồng kềnh, sao mãi không sửa được?
Muốn tinh giản bộ máy cần phải làm gì trước mắt?
Bộ Công an xây dựng sân bay đầu tiên trị giá 900 tỷ đồng, hoàn thành trước Đại hội Đảng
Hồi kèn xung trận “rất đời” của Bí thư Thành Hồ
——————–
Vào năm 2018, bộ máy của Bộ Công an đã được tinh giản theo Nghị định 01 của Chính phủ. Theo đó, Bộ Công an đã cắt hẳn sáu Tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp Cục và 300 đơn vị cấp phòng… Tuy nhiên theo quy định của nghị định này, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Công an về cơ bản là không thay đổi. Nhưng tổ chức bộ máy đã có điều chỉnh theo hướng tập trung, thống nhất và chuyên sâu.
Đáng chú ý là cả văn bản Nghị định 01/2018 và báo chí Nhà nước khi đó đều không nhắc đến việc cắt giảm nhân sự công an, trừ một số cán bộ công an đến tuổi hưu.
Trao đổi với RFA Tiếng Việt, ông Vũ Minh Trí, cựu Trung tá quân đội, cho biết ngành công an Việt Nam gần đây đã “bày vẽ ra rất tốn kém” những khoản chi không cần thiết.
“Ví dụ như một cả một trung đoàn kỵ binh, ngựa nhập về rồi cho lính cưỡi, chủ yếu có tính chất ‘cờ đèn, kèn trống, hiếu hỉ’… chứ còn về mặt thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… thì tôi nghĩ nó không có tác dụng. Rồi Bộ Công an vừa rồi lại xây dựng cả sân bay, như vậy tôi thấy có những sự phát triển bất thường về mặt tổ chức biên chế lực lượng.” – Ông Vũ Minh Trí nói thêm. Chính Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng 10 năm 2024 từng cho rằng, hiện ngân sách chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ các hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy thì sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. “Đất nước muốn phát triển, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Chỉ còn 30% ngân sách thì tiền đâu để phục vụ quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội”.
Nhưng rõ ràng, với việc ngó lơ bộ Công an, những gì mà chiến dịch tinh gọn bộ máy do ông Tô Lâm khởi xướng đang thể hiện cho thấy vẫn còn đó vùng cấm.
Vì sao không tinh giản Bộ Công an?
Tinh gọn bộ máy là chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm với nhiều khẩu hiệu mạnh mẽ vài tháng cuối năm 2024, nhằm kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thông điệp của ông Tô Lâm được cho là rất quyết liệt như “Vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm!”, “Càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”
Về bản chất, việc tinh gọn này là nhằm cắt giảm gánh nặng về ngân sách, theo lời Tổng Bí thư Tô Lâm là để có tiền chi cho đầu tư phát triển để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Thế nên việc Tổng Bí thư Tô Lâm chừa ra Bộ Công an, cơ quan ngốn tiền ngân sách bậc nhất của bộ máy nhà nước, là rất khó hiểu.
Tô Lâm xuất phát từ Bộ Công an, phải bảo vệ Bộ Công an để khẳng định vị thế của mình.
-Cựu sĩ quan công an
Xuất thân từ ngành công an, và cũng bước lên đỉnh cao quyền lực từ cơ quan này, do vậy, theo một cựu Đại úy Công an, người không muốn nêu tên vì lý do an toàn, thì yếu tố phe cánh là lý do Bộ Công an thoát được làn sóng tinh gọn.
“Tô Lâm xuất phát từ Bộ Công an, phải bảo vệ Bộ Công an để khẳng định vị thế của mình. Bây giờ trong nội bộ của họ cũng đấu đá với nhau, bảo vệ Bộ Công an để nắm tất cả những vấn đề điều tra, nắm thông tin đối thủ… Tô Lâm nắm được Bộ Công an thì không một thế lực nào can thiệp vào để điều tra chính bản thân Tô Lâm và gia đình.”– Vị cựu sĩ quan công an nói.
Khi còn giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm vào tháng 11 năm 2023 từng khẳng định, chủ trương của Bộ Công an là không giảm công an khu vực, sẽ tiếp tục tăng cường công an cấp trên về cấp xã, đặc biệt là các xã biên giới. Trong khi lực lượng công an địa phương cấp cơ sở là lực lượng đông nhất.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Ngay khi luật này có hiệu lực, lực lượng này ở các địa phương trên toàn quốc đã đồng loạt tổ chức Lễ ra mắt rầm rộ với gần 300.000 thành viên tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Với quân số đông như vậy, cộng với nhiều đãi ngộ và dụng cụ hỗ trợ, số tiền tiêu tốn ngân sách không phải là nhỏ, lên đến hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm, theo tính toán của một đại biểu quốc hội.
Nhưng những khẩu hiệu kêu gọi ‘tinh giản bộ máy mạnh mẽ’ thời gian gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm lại không hề nhắc đến.
“Việc Bộ Công an không nằm trong kế hoạch tinh giản bộ máy phản ánh sự ưu tiên bảo vệ chế độ và chiến lược cá nhân của ông Tô Lâm. Với tư cách Tổng Bí thư, ông Tô Lâm cần một lực lượng trung thành để thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện lần hai của Đảng. Tuy nhiên, ông không thể dựa vào lực lượng nào khác ngoài Bộ Công an – nơi ông đã gắn bó hơn 40 năm và từng lãnh đạo.” – Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada nói với RFA.
Bộ Công an đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền lực và ổn định chính trị, nhưng việc duy trì ngân sách lớn cho lực lượng này lại mâu thuẫn với mục tiêu phát triển kinh tế. Khi chi thường xuyên chiếm 70% ngân sách, chỉ 30% còn lại cho đầu tư phát triển, các lĩnh vực giáo dục, y tế, và hạ tầng – nền tảng tăng trưởng bền vững – đều bị thiếu hụt nguồn lực. Do đó, để đạt được mục tiêu thực sự, ông Tô Lâm cần một chiến lược tái cơ cấu toàn diện.- Theo Luật sư Khanh.
“Chiến lược này đòi hỏi không chỉ tinh giản bộ máy nhà nước mà còn cân đối lại ưu tiên ngân sách, chuyển nguồn lực từ an ninh sang các lĩnh vực thúc đẩy phát triển. Quan trọng hơn, ông cần thay đổi cơ chế quyền lực: thay vì phụ thuộc vào bộ máy an ninh, ông nên xây dựng quan hệ với các lực lượng quần chúng xã hội, như giới trí thức, doanh nhân, và các nhóm cải cách. Điều này sẽ tạo sức ép từ bên dưới (trong nước) lên Đảng để thúc đẩy cải cách chính trị.” – Ông Khanh cho biết thêm.