Tù nhân lương tâm (TNLT) Lê Trọng Hùng, người đang thi hành án tù năm năm về tội danh “tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước,” được tổ chức Việt Nam Infos (Thông tin Việt Nam) trao giải thưởng Phóng viên Vỉa hè 2023.
Ông Lê Trọng Hùng, 44 tuổi, là thành viên của “Phong trào chấn hưng nước Việt” có mục tiêu sử dụng nền tảng mạng xã hội để khai dân trí cho người dân bằng cách thẳng thừng phanh phui những sai phạm của tầng lớp lãnh đạo đất nước trên cơ sở pháp luật và giải ảo thần tượng lãnh tụ.
Ông bị bắt vào tháng ba năm 2021 sau khi nộp đơn tự ứng cử vào quốc hội trong cuộc bầu cử vào tháng năm năm đó.
Hôm 4/4/2023, từ Paris (Pháp), ông Bùi Xuân Quang, đại diện Việt Nam Infos, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết về việc chọn ông Hùng để trao giải thưởng năm nay:
“Lê Trọng Hùng có một thái độ đấu tranh khác thường. Ông tôn trọng luật pháp và muốn dùng luật pháp của nhà nước để mà nói lên những điều ông nghĩ.
Chúng tôi trao giải thưởng để mà cho ông Lê Trọng Hùng biết ông không chỉ một mình, nghĩa là có nhiều người hiểu cách đấu tranh của ông và cảm phục cách đấu tranh của ông.”
Giải thưởng Phóng viên Vỉa hè năm nay, ngoài kỷ niệm chương, còn có hiện vật là 1.000 USD.
Từ Hà Nội, bà Đỗ Lê Na, vợ của ông Lê Trọng Hùng, cho biết gia đình bà rất vui khi nhận được tin chồng mình được trao giải thưởng. Bà nói với RFA:
“Cái giải thưởng này là sự ghi nhận cho những đóng góp của chồng tôi. Chồng tôi nói rằng có những người khác có thể xứng đáng hơn anh nhưng dù sao thì anh cũng rất cảm động trước sự ghi nhận của ban tổ chức.”
Theo ông Quang, mục tiêu của giải thưởng nhằm khuyến khích tinh thần công dân, can đảm và tự do của người dân Việt Nam, đồng thời giúp những người lên tiếng can đảm trong nước như ông Trịnh Bá Phương và Phạm Minh Vũ…
Việt Nam Infos (Thông tin Việt Nam) là một tờ liên lạc thông tin về Việt Nam được thành lập năm 2000. Hiện nay, hoạt động chính của tổ chức này là trao giải thưởng Phóng viên Vỉa hè thường niên, với sự trợ giúp của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, và Quỹ tù nhân lương tâm Úc.
Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam Infos đã trao giải thưởng này cho 68 cá nhân, trong đó có các ông bà Nguyễn Thuý Hạnh, Trương Văn Dũng, Trịnh Bá Phương, Lưu Minh Vũ…
Những người được lựa chọn để trao giải thưởng hàng năm là người dân can đảm đưa tin tức về Việt Nam, dân oan và blogger, và người hoạt động về chính trị và dân quyền, ông Quang cho biết.
Ông Lê Trọng Hùng là giáo viên của Trường câm điếc Xã Đàn (Hà Nội). Năm 2015, ông nghỉ việc và tố cáo sai phạm của hiệu trưởng nhà trường nhằm bảo vệ quyền lợi cho các đồng nghiệp và học sinh khuyết tật nơi đây.
Ông quyết định tham gia vào lĩnh vực báo chí tự do nhằm thay đổi nhận thức của xã hội hướng tới một nền văn minh, dân chủ. Ông tham gia Phong trào Chấn hưng nước Việt của nhà hoat động Vũ Quang Thuận.
Sau khi ông Thuận bị bắt vào đầu năm 2017, ông Lê Trọng Hùng cùng với một số người bạn lập kênh truyền hình CHTV (Chấn hưng tivi) để phổ biến kiến thức pháp luật và giúp dân oan tố cáo sai phạm trong việc giải tỏa, đền bù đất đai và giúp họ soạn thảo đơn thư gửi các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ông cùng nhiều người trong nhóm mua bản in Hiến pháp Việt Nam để tặng cho người dân nhằm giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình.
Từ năm 2015 đến ngày bị bắt, ông Hùng còn tích cực tham gia hoạt động cùng nhóm Cựu giáo chức Chu Văn An do giáo sư Nguyễn Khắc Mai cùng một số trí thức yêu nước thành lập.
Ông Hùng còn tham gia các hoạt động biểu tình phản đối tập đoàn Fomosa xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Đầu tháng 3/2021, ông nộp hồ sơ tự ứng cử vào Quốc hội Việt Nam trong cuộc bầu cử vào tháng năm năm đó với mong muốn cải tổ cơ quan lập pháp này để nó xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất của người dân.
Tuy nhiên, cuối tháng 3, ông bị bắt với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Sau đó, ông bị kết án năm năm tù giam và năm năm quản chế.
Trước và sau phiên toà, nhiều tổ chức quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Phóng viên Không Biên giới kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông.