TNLT Lê Trọng Hùng tuyệt thực ngày thứ 25, tinh thần vẫn kiên định

Tính đến ngày 28/9/2023, tù nhân lương tâm (TNLT) Lê Trọng Hùng tuyệt thực đến ngày thứ 25 trong Trại giam số 6 và dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 09/11.

Ông Hùng, 44 tuổi, đang thi hành án tù năm năm về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Nhà báo độc lập này bị bắt ngày 27/3/2021 sau khi tuyên bố ứng cử vào Quốc hội Việt Nam trong cuộc bầu cử vào tháng năm năm đó.

Trong cuộc tuyệt thực lần thứ hai này, ông có mục tiêu yêu cầu toà án mở lại phiên phúc thẩm vụ án của ông, do khi tòa xét xử không có luật sư và người nhà cũng không được thông báo.

Ông cũng yêu cầu cán bộ Trại giam số 6 tôn trọng quyền lợi chính đáng của tù nhân, và đề nghị đại biểu Quốc hội vào gặp vì bản thân đang đề nghị thành lập Tòa Bảo Hiến.

Bà Đỗ Lê Na đến trại giam ở Thanh Chương, Nghệ An để thăm gặp chồng là ông Hùng vào ngày 23/9 vừa qua, và được biết sau 21 ngày nhịn ăn hoàn toàn (chỉ uống nước), ông đã giảm 9 kg từ mức 68 kg với chiều cao 1m63.

Bà nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 27/9 như sau:

i cũng không rõ là thực chất tình trạng sức khỏe của anh đến mức độ nào rồi nhưng mà thấy hôm đó có những năm người đưa anh vào phòng thăm gặp. Tuy nhiên là tinh thần của anh vẫn rất kiên cường và lạc quan.

Khi hỏi về kế hoạch tuyệt thực của chồng, bà Na – một giáo viên khiếm thị cho biết:

Anh vẫn khẳng định rằng, anh sẽ vẫn tiếp tục (tuyệt thực-PV) cho đến khi nào nguyện vọng của anh được đáp ứng, nghĩa là đại biểu quốc hội vào gặp anh hoặc là trại giam phải có những động thái tỏ ra là họ sẽ giải quyết yêu cu của anh.”

Bà nói rằng cả hai vợ chồng đều nhận thức rằng ít có khả năng đại biểu quốc hội chịu vào trại giam để gặp ông Hùng, nhưng ông vẫn cứ tuyệt thực để chứng minh cho người dân và cộng đồng quốc tế về thực chất của Quốc hội Việt Nam hiện nay. Bà thuật lại lời chồng:

Người đại biểu cho nhân dân cho quyền lợi ca các cử tri mà lại bỏ mặc nguyện vọng cũng như là sinh mệnh của cử tri mình thì họ đang đại diện cho quyền lợi của Đảng chứ không còn là đại diện cho quyền lợi ca ctri nữa.”

Kể từ khi ông Hùng bắt đầu tuyệt thực vào ngày 3/9, bà đã hai lần gửi thư đến một số đại biểu quốc hội mà chồng bà có nhắc đến, như ông Lưu Bình Nhưỡng- Phó trưởng ban Dân nguyện và bà Lê Thu Nga- Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, và một số đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội, để kêu gọi họ chú ý đến trường hợp của ông.

Ngày 25/9, bà cũng đã viết một thỉnh nguyện thư khẩn cấp để gửi đến Liên Hiệp Quốc, nhiều tổ chức nhân quyền, một số cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài ở Việt Nam để kêu gọi họ lên tiếng với Chính phủ Việt Nam với Quốc hội Việt Nam để yêu cầu nhà chức trách Việt Nam phải làm đúng chức năng của mình trong việc giải quyết nguyện vọng của chồng bà để cứu lấy sinh mệnh của ông.

Bà nói rằng cho đến nay chưa có cá nhân hay cơ quan nào, kể cả Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An, cho người đến trại giam để gặp ông. Trại giam chỉ cử một nhân viên y tế đến đo huyết áp của ông hai lần trong một ngày.

Trại giam đã áp dụng biện pháp an ninh nghiêm ngặt khi gia đình thăm gặp ông Hùng ngày 23/9, tăng cường kiểm tra nhằm ngăn chặn việc bà Na quay phim, chụp ảnh hay ghi âm khi vào gặp chồng.

Một số bạn hữu như bà Đỗ Thị Thu, vợ TNLT Trịnh Bá Phương và cựu TNLT Đặng Thị Huệ đồng hành trong chuyến thăm gặp vừa qua.

Bà Na cho biết chính quyền Nghệ An đã đưa nhiều người mặc thường phục đến vây quanh khi họ ngồi nghỉ ngơi gần trại giam. Thậm chí, một người mặc đồng phục công an xã còn ngồi gần với một con dao rựa để trước mặt.

Công an Hà Nội cũng cử người canh gác gần nhà riêng của bà Na tại Hà Nội, cũng như theo dõi chặt chẽ khách khứa đến động viên ba mẹ con.

Ông Hùng là một cựu giáo viên của Trường Câm điếc Xã Đàn (Hà Nội), được nhiều người biết đến sau khi tham gia làm báo độc lập, đặc biệt là chương trình phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội Facebook và YouTube, có tên CHTV. Nội dung chủ yếu là phản biện chính sách, và tố cáo tham nhũng, sai phạm trong cưỡng chế đất đai.

Ông thường mua sách Hiến pháp hiện hành của Việt Nam để phát cho người dân, đồng thời nộp đơn ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 hồi năm 2021 và hứa sẽ vận động thành lập Tòa bảo hiến nếu trúng cử.

Ông sau đó bị bắt tạm giam vì bị cho rằng đã phạm tội “phát tán tài liệu chống nhà nước” trước khi cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra.

Sau khi ông kháng cáo bản án sơ thẩm, Hà Nội đã đưa ông xử phúc thẩm mà không có sự hiện diện của luật sư và gia đình.

 

Related posts