Nhà hoạt động xã hội dân sự, tù nhân lương tâm Nguyễn Năng Tĩnh được tổ chức Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (tức đảng Việt Tân) trao giải thưởng Lê Đình Lượng năm nay với chủ đề “Bảo vệ Chủ quyền trước Nguy cơ Trung Quốc.”
Ông Nguyễn Năng Tĩnh là một giảng viên âm nhạc tại một trường cao đẳng ở tỉnh Nghệ An, bị bắt giam hồi tháng 5/2019 và hiện đang phải thụ án tù 11 năm với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Tiến sỹ Đông Xuyến, phát ngôn nhân của Việt Tân cho biết, ông Tĩnh vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký khác trong một cuộc bình chọn bởi một hội đồng có nhiều thành viên uy tín trong và ngoài nước, trong đó có Dân biểu Hạ viện Canada- bà Judy Sgro hay Giám đốc tổ chức Whistleblower Aid- bà Libby Liu, Chủ tịch Phong trào Dân chủ hoá Châu Á- Giáo sư Kojima Takayuki…
Bà Xuyến khẳng định với RFA qua email về tác động của giải thưởng nhân quyền hàng năm này:
“Việc ghi nhận và nêu cao nỗ lực đóng góp phát huy quyền con người và bảo vệ chủ quyền quốc gia của những người công dân ôn hòa có trách nhiệm đang bị nhà nước trù dập, bôi nhọ và bạo hành tù đày cho những người dân này biết rằng việc làm của họ vô cùng ý nghĩa và vô cùng giá trị cho việc sống con và phát triển của dân Việt và đất nước Việt Nam.
Những giải thưởng thực tế giúp gia đình họ và họ trong việc thăm nuôi khi đang bị tù đày cũng là một chia sẻ rất nhỏ cho sự quả cảm, khẳng khái và cương trực vì tình yêu dân tộc và chuộng lẽ phải của họ.”
Bà Nguyễn Thị Tình, vợ của ông Tĩnh nói với RFA về phản ứng của gia đình khi nhận được tin chồng mình được trao giải như sau:
“Đây là một món quà vô giá đối với anh Nguyễn Năng Tĩnh và gia đình chúng tôi. Đó cũng là nguồn động viên, an ủi và khích lệ gia đình cũng như tất cả những ai đã, đang và sẽ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và công lý trên đất nước Việt Nam. Tôi rất trân trọng và biết ơn.”
Ông Tĩnh, 46 tuổi, được biết đến với đoạn video dạy các em học sinh hát bài “Trả lại cho dân” được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội với những ca từ trong đó như: “Trả lại đây quyền phúc quyết của toàn dân, Dân biết điều gì dân cần, Để tự do mưu cầu hạnh phúc.”
Bên cạnh việc cất lên tiếng nói để bảo vệ chủ quyền quốc gia, ông còn quan tâm đến nhiều vấn đề khác của xã hội và tham gia nhiều hoạt động xã hội dân sự như Nhóm bảo vệ sự sống, Quỹ phát triển con người, lên tiếng ủng hộ tù nhân chính trị, cất lên tiếng nói về thảm hoạ môi trường Formosa ở miền Trung Việt Nam…
Trong bài báo với tiêu đề Trò hề “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” đăng trên báo mạng Bình Phước online ngày 17/11 vừa qua, tác giả Anh Tú viết: “Đến hẹn lại lên, mỗi dịp cuối năm, giới ‘dân chủ’ lại nhộn nhịp với các ‘giải thưởng nhân quyền.’ Và cái gọi là ‘giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng’ do Việt Tân khởi xướng thực chất là một chiêu trò nhằm đánh bóng tên tuổi cho Việt Tân, kích động sự chống phá của các đối tượng ‘dân chủ,’ đánh lạc hướng dư luận và tạo cớ công kích chính quyền.”
Bình luận về thái độ này của Nhà nước Việt Nam, bà Đông Xuyến cho rằng sự phê phán nói xấu của báo chí Nhà nước Việt Nam về các giải thưởng nhân quyền nhằm biện minh cho việc làm sai trái, không nhân bản của chế độ là điều dễ hiểu.
Phát ngôn nhân của tổ chức có trụ sở ở Hoa Kỳ nói, chính quyền làm điều này “liên tục và có cả một hệ thống báo chí nhà nước để biện minh cho các hành xử bất công và tàn ác với công dân của mình.” Bà khẳng định:
“Khi biện minh, nhà nước Việt Nam nhiều lần xem thường khả năng nhìn ra sự thật và khả năng quan sát đánh giá của người dân Việt quan tâm.
Họ dùng bộ máy công an và nhà tù để đàn áp khùng bố sự cương trực của người dân nhưng họ sẽ không bao giờ dập tắt được tấm lòng nhân hậu, chuộng lẽ phải, yêu nguồn gốc và sự thông minh mẫn cảm và quyết tâm của người dân Việt dành cho nhau và cho quê hương của mình.“
Bà Tình, cũng đang là giảng viên một trường đại học ở phía nam, cho biết kể từ khi bị chuyển vào Trại giam số 5 (Thanh Hoá) từ tháng năm năm 2020, chồng bà bị giam trong buồng với một tù nhân khác. Ông không được ra khỏi buồng giam và chỉ được tiếp xúc với quản giáo.
Tuy bị đối xử hà khắc như vậy nhưng ông Tĩnh vẫn kiên định, luôn khẳng định mình vô tội, bà Tình chia sẻ với RFA.
Năm 2021, Nhóm Công tác về bắt giữ tùy tiện (WGAD) của Liên Hiệp Quốc ra văn bản nói rằng việc bắt giữ và kết tội ông Nguyễn Năng Tĩnh là tuỳ tiện, và kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông.
Giải thưởng Lê Đình Lượng được Việt Tân thành lập vào năm 2018, mang tên của chính nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền bị kết án 20 năm tù giam chỉ vì công khai đấu tranh cho quyền lợi của người dân và chủ quyền của Việt Nam.
Trong những năm trước, giải thưởng này được trao cho các nhà hoạt động nhân quyền trong nước như Nguyễn Thuý Hạnh, Phan Kim Khánh, và linh mục Đặng Hữu Nam. Họ đều là các công dân có trách nhiệm nhưng bị đàn áp hoặc bị cầm tù với những bản án nặng nề.
Nhà nước Việt Nam luôn coi Giải thưởng Lê Đình Lượng và Giải Nhân quyền Việt Nam của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, cùng một số giải thưởng khác về tự do báo chí và nghệ thuật của một số nhóm xã hội dân sự độc lập phục vụ cho ý đồ chống phá chính quyền và đa số những cá nhân được trao giải là “những đối tượng có hoạt động vi phạm pháp luật.”
Năm nay, lễ trao giải thưởng này được tổ chức vào ngày 10/12 tại Tokyo (Nhật Bản), ngày Nhân quyền Quốc tế và cũng là ngày sinh của ông Lê Đình Lượng, người đang thụ án tù tại Trại giam Ba Sao (tỉnh Hà Nam).