Sáng ngày 25/5, Toà án Nhân dân thành phố Đà Nẵng bắt đầu phiên xử công khai nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước,” tuy nhiên gia đình ông không ai được vào phòng xử án.
Theo công bố, phiên toà sẽ bắt đầu vào 7 giờ 30 phút sáng, để xét xử nhà hoạt động có video bắt chước ‘thánh rắc muối’ Salt Bae (trong video đút bò dát vàng cho Bộ trưởng công an Tô Lâm) về cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Khoản 1, Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Ông đối mặt với án tù từ năm năm đến 12 năm nếu bị kết tội.
Một người trong gia đình nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào trưa ngày thứ năm:
“Gia đình em đi còn em ở nhà. Mọi người bắt Grab đi lên toà. Tụi an ninh đi xem máy theo sau. Tới đó mọi người chia ra hai nhóm nhưng không được vô.”
Người này cho biết có tám người trong gia đình, bao gồm cả bố mẹ và vợ ông Lâm bị chặn ở cổng tòa và phải ngồi bên ngoái ngóng tin, việc liên lạc với họ rất khó khăn vì dường như công an sử dụng thiết bị phá sóng điện thoại.
Luật sư Lê Đình Việt sau đó cho biết, gia đình ông Lâm bị công an bắt giữ và đưa đi khi đang ngồi đợi ở bên ngoài. Đại diện Đại Sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cũng đến để tham dự phiên toà nhưng cũng không được vào trong toà.
Gia đình ông Lâm cho biết thêm, nhiều an ninh mặc thường phục và đeo khẩu trang bịt mặt đã lảng vảng ở khu vực gần nhà ông Lâm từ ba hôm trước để theo dõi mọi hoạt động của gia đình.
Không chỉ đưa người canh gác gần nhà riêng của ông Lâm, công an còn cho người đến gần nhà riêng của một số người hoạt động và thân thân tù nhân lương tâm ở Hà Nội, trong đó có bà Phạm Thị Lân, vợ của nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, một blogger của RFA, người đang thụ án tù 11 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Bà Lân cho RFA biết vào sáng sớm khi bà mở cửa đưa cháu đi học bà thấy có mấy viên công an địa phương ở gần cửa. Họ định bám theo nhưng bà phản ứng nên họ ngồi lại cho đến khi bà từ trường quay lại nhà.
Công an Hà Nội cũng triệu tập bà Đỗ Thị Thu, vợ của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương, lên trụ sở công an phường Dương Nội để làm việc vào sáng 25/5 về việc “đưa thông tin và chia sẻ trên mạng xã hội Facebook.” Trong buổi làm việc, công an yêu cầu bà “không được đăng chia sẻ các bài viết nhạy cảm, chưa được kiểm chứng nên mạng xã hội,” nếu không “sẽ bị bắt,” bà Thu nói với RFA trong buổi trưa cùng ngày.
Bà Thu cũng cho RFA biết trong buổi làm việc kéo dài hơn hai giờ đồng hồ, công an cũng tra khảo về mối quan hệ giữa bà với gia đình tù nhân lương tâm khác, trong đó có gia đình Bùi Tuấn Lâm.
Cáo buộc chống lại ông Lâm vi phạm nhân quyền.
Theo cáo trạng ban hành bởi Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng, Lâm bị cho là đăng tải 19 bài viết trên danh khoản Facebook “Peter Lam Bui” và 25 video và bài viết lên kênh YouTube trong thời gian từ ngày 17/4/2020 đến ngày 26/7/2022 với nội dung bị cho là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” và “bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.”
Luật sư Lê Quốc Quân, người từng bị cầm tù 30 tháng về tội danh “trốn thuế” vì các hoạt động cổ suý nhân quyền và dân chủ, nói cáo buộc chống lại ông Lâm vi phạm nhân quyền. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong thời gian diễn ra phiên toà:
“Về cá nhân anh Bùi Tuấn Lâm thì tôi thấy rằng những bài anh đưa lên Facebook và những video anh đã làm đưa lên Youtube đều nói lên sự thật và gần như là diễn tả lại tinh thần và tấm lòng của anh đối với quê hương đất nước.
Cá nhân tôi cho rằng tất cả những cáo buộc đó (đối với Bùi Tuấn Lâm- PV) là không đúng, đi ngược lại Tuyên ngôn về các quyền dân sự và chính trị của quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, nó cũng đi ngược lại với Điều 25 của Hiến pháp 2013 của nước CHXHCN Việt Nam.”
Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.
Tuy nhiên, vẫn theo điều này “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” trong khi Quốc hội do Đảng Cộng sản chi phối không xây dựng hoặc thông qua các luật quy định việc thi hành các quyền này.
Ông Lâm là một trong hàng chục nhà hoạt động đã và đang bị giam cầm vì “tuyên truyền chống Nhà nước.” Luật sư Quân giải thích:
“Phía Nhà nước thông thường người ta giả định rằng tất cả những điều gì những người chống Nhà nước nêu lên dù là nói sự thật, dù đó là nói với tất cả tấm lòng, thao thức với tiền đồ của đất nước, về tương lai của đất nước, mà người ta không vừa ý hoặc người ta thấy có ảnh hưởng đến nền chuyên chính hoặc ảnh hưởng đến sự cầm quyền của Đảng Cộng sản thì người ta coi đó là chống Nhà nước.”
Do vậy, người hoạt động ở Việt Nam bị trừng phạt chỉ vì thực hiện các quyền phổ quát một cách ôn hoà.
“Những con người mà mong muốn về một đất nước Việt Nam dân chủ, tự do, đặc biệt là tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, tôn giáo, tất cả những công dân lên tiếng mạnh mẽ đòi những quyền đương nhiên đó, phía Nhà nước coi là những người hoạt động chống phá, phản động.
Khi đã bị coi là chống nhà nước thì họ cáo buộc theo Điều 117 hoặc các điều khác trong chương Tội phạm về an ninh quốc gia.”
Luật sư Quân cũng nhắc đến một chi tiết không được nhắc đến trong cáo trạng, đó là việc ông Lâm- chủ một quán ăn ở Đà Nẵng, bắt chước “thánh rắc muối” Salt Bae để rắc hành vào bát phở trước khi đưa cho khách hàng.
Một số người cho rằng việc bắt giữ ông Lâm liên quan đến bữa ăn thịt bò dát vàng của Bộ trưởng Công an Tô Lâm ở tiệm ăn của Salt Bae ở London cuối năm 2021. Tuy nhiên, theo luật sư Quân, nếu người đứng đầu lực lượng an ninh Việt Nam cảm thấy bị Bùi Tuấn Lâm xúc phạm thì có thể kiện ra toà án dân sự và mức án cao nhất chỉ có thể là ba năm cải tạo không giam giữ nếu bị kết tội.
Hai ngày trước phiên xử, Ân xá Quốc tế ra thông cáo kêu gọi Nhà nước Việt Nam phóng thích ông Lâm. Một ngày sau, tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng có hành động tương tự.