Nguyễn Quang Thiều là nhà văn, hiện tại là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Sắp tới Hội này tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ tại Đà Nẵng, tức là cách xa Hà Nội mấy trăm cây lô mếch. Theo lẽ thì người ta phải bay vào, rồi lại bay ra. Chứ giờ ai đi tàu hỏa, nó mất sang con người nhà văn ra chứ lị!
Thiều bèn đánh cái công văn sang Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, xin tiền vé máy bay cho các nhà văn trẻ của Hà Nội. Gồm có 27 người viết văn trẻ.
Cơ mà Ủy ban đang rối như gà mắc tóc. Lãnh đạn Ủy ban Chu Ngọc Anh vừa mới tra tay vào còng vì tham nhũng. Bao nhiêu quan lại cấp dưới tim đang đập như trống làng sợ bị liên quan. Bao nhiêu quan lại khác thì đang cười rú lên vì bất chiến tự nhiên thành. Cái ghế chủ tịch thủ đô đột ngột để trống thơm phưng phức như miếng gà nướng. Ai sẽ được đặt để vào chỗ đấy? Phi hành đoàn nào sẽ cùng bay với cơ trưởng mới? Cái còng tra vào tay bác Bung Toang cũng lại là cái chìa khóa vàng mở ra một chuỗi thăng chức, chuyển đổi, liên kết mới, cơ hội đổi đời cho rất nhiều người. Cờ vào tay ai phen này?
Đấy chuyện trong nhà người ta đang như lửa cháy lông mày, mà mấy ông nhà văn vớ vẩn cứ nằng nặc xin tiền đi chơi, thì bố thằng nào chịu được. Ai thèm xem. Các ông kiếm cớ kéo nhau đi biển tránh nóng miễn phí, vào đấy thế nào lại chả vừa dọa, vừa xin tiền của Đà Nẵng để ăn chơi nhậu nhẹt, ai còn lạ! Cơ mà xin tiền cũng phải biết chọn lúc người ta đang vui mà xin chứ!
Thế là Nguyễn Quang Thiều đánh sang tận hai cái công văn. Hai cái chứ lị, vì cái đầu bị người ta im, chắc tại đang bận thôi. Thêm cái nữa, giục!
Ấy thế mà!
Gớm cái Ủy ban Hà Nội!
Vẫn im thin thít như thịt nấu đông.
Cáu quá!
Cáu quá!
Thế này thì cáu thật!
Chả nhẽ chúng ông phải bỏ tiền túi ra đi chơi à?
Sẵn cái trang web Hội nhà văn trong tay, Thiều phang luôn bức tâm thư “Về việc hỗ trợ vé tàu xe cho đại biểu tham dự hội nghị viết văn trẻ” lên mạng. Ở mục Chuyên đề hẳn hoi.
Sau khi kể lể lịch sử cứ năm năm một lần tổ chức hội nghị, đều đặn từ 1975 đến nay.
Rằng thì là:
-Hội nghị tiếp thêm động lực, cảm hứng và năng lượng sáng tạo để họ cống hiến tốt đẹp hơn cho xã hội và đất nước. Sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương đối với con em mình cũng là điều cần thiết…
-Theo thông lệ, mỗi khi tổ chức hội nghị viết văn trẻ, ngoài thư mời đại biểu thì Hội Nhà văn Việt Nam đều có công văn gửi lãnh đạo đảng bộ, chính quyền và hội văn học nghệ thuật các tỉnh thành tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đại biểu tham dự, trong đó có thời gian nghỉ việc và hỗ trợ chi phí vé tàu xe đi lại…
-Trước đây hầu như tất cả các tỉnh thành có đại biểu trẻ đều đã phản hồi và ủng hộ…
Vừa dọa:
-Cho tới khi diễn ra cuộc họp báo về hội nghị vào sáng 13.6.2022, ban tổ chức đã nhận được phản hồi từ đa số các tỉnh thành, trong đó có địa phương như Lạng Sơn từ chối hỗ trợ vé tàu xe cho đại biểu. Riêng thành phố Hà Nội, do có số lượng đại biểu đông nhất (27 người) và là địa phương ít có tiền lệ hỗ trợ vé tàu xe cho đại biểu (vì các hội nghị trước đây chủ yếu tổ chức ở Hà Nội) nên Hội Nhà văn Việt Nam đã hai lần gửi công văn cho lãnh đạo thành phố nhưng không thấy phản hồi.
Và cuối cùng thì hờn dỗi:
-Quan tâm tới người trẻ làm văn hóa, trong đó có văn học, chính là sự quan tâm có trách nhiệm cho tương lai. Dẫu biết viết văn là việc cá nhân nhưng sự quan tâm đến nhau cũng là sự liên tài, nguồn động viên lớn lao, tạo thêm sinh khí cho môi trường sáng tạo.
-Sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, vào trưa ngày 14.6.2022, Thư ký Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có gọi điện cho Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị cung cấp danh sách đại biểu tham dự hội nghị để hỗ trợ. Tuy nhiên, lãnh đạo Hội Nhà văn trả lời rằng đã hai lần gửi công văn cho Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhưng không thấy phản hồi nên Hội và chính các đại biểu trẻ của Hà Nội đã tìm cách giải quyết.
***
Bản chất hài hước dưới nhiều góc độ của vụ việc khiến nó lập tức được đưa lên nhiều mặt báo. Tuổi Trẻ giật cái tít đập vào mắt với cú nháy kép gọi đúng bản chất: Hội Nhà văn ‘thất vọng’ vì Hà Nội ngó lơ đề nghị hỗ trợ vé máy bay cho nhà văn trẻ dự hội nghị.
Thế nhưng mà tôi bênh anh Thiều.
Anh đi xin tiền. Anh thất vọng khi người ta làm lơ. Anh dỗi. Anh la làng. Anh vừa dỗi vừa dọa. Ấy là chuỗi hành vi hoàn toàn phù hợp với bản chất Hội nhà văn Việt Nam.
Hội nhà văn Việt Nam, theo những người phàm hiểu, thì là nơi tập hợp tự nguyện của những người cùng đam mê viết văn và đã ít nhiều được xã hội thừa nhận tác phẩm của họ. Những hội này mang tính chuyên môn thuần túy, để các hội viên sinh hoạt nghề nghiệp. So với hội chó cảnh, hội chim cảnh, hội thiến heo, hội nhà thơ ấp… thì hội nhà văn chả khác gì.
Nhưng mà tại Việt Nam thiên đường của ta, thì Hội nhà văn lại không phải như thế.
Điều 4 Điều lệ Hội nhà văn viết rất rành mạch: “Hội hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam theo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong lĩnh vực văn học và các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật”.
Đấy các bác rõ ràng chửa? Hội nhà văn hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, chịu sự quản lý của Đảng nhá các bác. “Đảng bảo đi là đi, Đảng bảo thắng là thắng” (cho ai chưa rõ trò chơi chữ này thì nó nhại hai câu thơ “Bác bảo đi là đi/Bác bảo thắng là thắng” trong bài Sáng tháng Năm của Tố Hữu, và ở miền Nam, thắng có nghĩa là phanh).
Thành thử, Hội nhà văn cũng hoạt động y chang một tổ chức quốc doanh. Nó có Đảng bộ gồm các đảng viên, có Ban Chấp hành Đảng bộ là cơ quan lãnh đạo tối cao trong Hội, chỉ đạo và phê duyệt mọi hoạt động của Hội. Vì là đảng viên nên trước hết họ có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Đảng. Ví dụ, nhà văn thì nhà văn, cũng phải đều đặn học tập Nghị quyết của Trung ương Đảng và cấp ủy cấp trên, triển khai các nghị quyết ấy; phải ổn định tư tưởng vững tin hoàn toàn vào đường lối lãnh đạo của Đảng, các tác phẩm lại càng phải thể hiện tư tưởng đó và ủng hộ các chính sách của Đảng…v.v Nói tóm lại, Hội nhà văn chính là một công cụ của Đảng. Văn chương tính sau!
Thế cho nên, các nhà văn, hay các nhà hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nói chung, cũng phải cúi đầu lắng nghe chỉ đạo của Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11 năm ngoái (2021). Sau khi khen ngợi và phê bình vân vân này nọ, ông Trọng đưa ra nhóm giải pháp, mà trước hết là tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hoá.
Đến đây thì các bác hiểu vì sao tôi ủng hộ anh Thiều đi xin tiền hoạt động rồi chứ ạ? Dân nói vắn tắt về quan hệ cộng sinh giữa các lực lượng chức năng bảo đảm trật tự trị an với người dân là “Dân nuôi, dân xài”. Suy ngược lại và áp dụng với trường hợp Hội nhà văn, ta được: Đảng muốn xài Hội, thì Đảng phải nuôi. Đạo lý! Bố đem con vứt ra đường, thì con nó “thất vọng” là còn nhẹ đấy.
Túm lại, quý đồng chí Đảng viên nhà văn Nguyễn Quang Thiều đi xin tiền là cực kỳ am hiểu pháp luật, vô cùng phù hợp nguyên tắc và điều lệ Hội. Chỉ có điều quý đồng chí xin sai địa chỉ, nên mới bị người ta bảo “nhà văn đi xin tiền mà không biết nhục”.
Chính xác thì quý đồng chí Thiều nên đánh cái công văn gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng! Xin mạnh vào! Hết hội nghị người viết văn trẻ thì hội nghị người viết văn sắp trẻ, đang trẻ, đã trẻ, thỉnh thoảng trẻ. Hai công văn chưa phản hồi thì ba bốn. Tổ tiền đấy! Cứ dỗi hờn, cứ ăn vạ. Ai bảo các cụ đẻ ra cháu, thì phải cho cháu ăn kẹo cơ! Nào nào!
_____________
Tham khảo:
https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc.html
Về việc hỗ trợ vé tàu xe cho đại biểu tham dự hội nghị viết văn trẻ
https://lawnet.vn/vb/quyet-dinh-1685qdttg-2021-phe-duyet-dieu-le-hoi-nha-van-viet-nam-77C1D.html
https://dantri.com.vn/van-hoa/ha-noi-ngo-lo-cong-van-de-nghi-ho-tro-ve-may-bay-cua-hoi-nha-van-20220614120700378.htm
https://tuoitre.vn/hoi-nha-van-that-vong-vi-ha-noi-ngo-lo-de-nghi-ho-tro-ve-may-bay-cho-nha-van-tre-du-hoi-nghi-20220613142505604.htm
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.