Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ sẽ chính thức phá sản từ quý 1/2024

Chính phủ Việt Nam yêu cầu hoàn thiện thủ tục phá sản đối với Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC) và bảy công ty con từ quý 1/2024.

Đó là nội dung trong nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch tổ chức thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về việc xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy và các công ty con, được truyền thông loan trong ngày 24/12.

Cụ thể, việc xử lý sẽ được thực hiện theo hướng phá sản đối với công ty mẹ – SBIC và bảy công ty con bao gồm các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn; thu hồi phần vốn của công ty mẹ – SBIC tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm.

Đối với các doanh nghiệp thuộc cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) trước đây đã xác định không giữ lại trong cơ cấu SBIC nhưng chưa hoàn thành tái cơ cấu, Chính phủ đề nghị tiếp tục xử lý để thu hồi tài sản, quyền tài sản trong quá trình thực hiện phá sản, chuyển nhượng vốn. Thời gian thực hiện từ quý 2/2024.

Liên quan vấn đề này, Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, tránh để xảy ra những ảnh hưởng tiêu cực về tư tưởng, gây khiếu kiện làm mất ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC – tên gọi mới sau tái cơ cấu của Vinashin) khi đó là một trong những đại tập đoàn của nền kinh tế VN, với hơn 240 đơn vị thành viên, kinh doanh đa ngành.

Năm 2010, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Vinashin và chỉ ra hàng loạt sai phạm, thiếu sót, thua lỗ. Vinashin không còn bảo toàn được vốn Nhà nước giao, để thâm hụt gần 5.000 tỉ đồng.

Sau khi đội ngũ lãnh đạo của Vinashin bị xử lý hình sự, tập đoàn này bắt tay vào quá trình tái cơ cấu từ năm 2010, tới năm 2013 chuyển lại thành tổng công ty và đổi tên thành SBIC nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả.

 

 

Related posts