Chính quyền TP. HCM hôm 24 tháng 8 ra thông báo tạm dừng thi công dự án nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch trị giá 1.500 tỉ đồng; trong khi ở Hà Nội, một dự án nhà hát khác cũng đang thu hút sự chú ý của dư luận cả nước.
Theo thông tin từ chính quyền thì dự án xây nhà hát ở Hồ Chí Minh đã được thai nghén 29 năm, nhưng chỉ khi địa điểm xây dựng dự án này được di rời sang bán đảo Thủ Thiêm vào năm 2017, thì vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ.
Hai yếu tố khiến việc triển khai dự án này gặp phải kháng cự từ phía người dân là con số một ngàn năm trăm tỉ, và tai tiếng từ việc lấy đất của người dân Thủ Thiêm.
Trao đổi với Đài Á châu Tự Do từ Sài Gòn, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết quan điểm của ông trước thông tin dự án nhà hát Thủ Thiêm bị dừng triển khai:
“Việc hoãn dự án nhà hát là một cách thông minh, giải quyết được cả tình thế ngân sách khó khăn, lẫn sự phẫn nộ của lòng dân. Đây là cách giải quyết thông minh của những người cầm quyền lúc này.
Nó nằm trong chuỗi ứng xử khôn khéo của ông Nguyễn Văn Nên, kết hợp với ông Phan Văn Mãi.”
Theo vị nhạc sĩ thường xuyên có những bài bình luận về các vấn đề chính trị-xã hội này thì “chuỗi ứng xử khôn khéo” của lãnh đạo TP. HCM còn bao gồm: việc công khai xin lỗi người dân vì cách xử lý đại dịch COVID-19, đặt tên đường Lê Văn Duyệt, và trả lại lư hương cho tượng Đức thánh Trần.
Tất cả những động thái trên, theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, đã giúp người dân tăng thiện cảm đối với lãnh đạo thành phố.
Đồng quan điểm với nhạc sĩ Tuấn Khanh, ông Đinh Kim Phúc, một nhà bình luận chính trị và quan hệ quốc tế, hiện đang sinh sống ở TP. HCM cho biết động thái của chính quyền hiện giờ đã “sửa sai” cho nhiệm kỳ lãnh đạo trước:
“Tôi nghĩ việc hoãn thi công nhà hát mới nằm trong tư duy tổng thể của lãnh đạo hiện nay, ít nhiều thì nhũng quyết định của cấp lãnh đạo cao nhất của thành phố phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Cũng nhiệm kỳ trước đây, người ta ra lệnh dời cái lư hương tại tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo tại bến Bạch Đằng, đã gây lên sự bức xúc về mặt tín ngưỡng, tâm linh, tương nhớ các anh hùng dân tộc. Thì nhiệm kỳ này, cũng chính lãnh đạo cao nhất thành phố quyết trả lư hương và tôn tạo khu vực tượng thánh Trần Hưng Đạo.
Do đó, có những sự việc nhiệm kỳ trước làm và nhiệm kỳ này sửa sai, hoặc là tạm dừng, để tập trung cho những vấn đề quan trọng hơn. Đây là tư duy rất đáng được hoan nghênh.
Trong khi đó, dự án xây dựng nhà hát Opera ở Đầm Trị, nằm bên Hồ Tây ở Hà Nội lại đang khiến không chỉ người dân sống tại khu vực quy hoạch phẫn nộ, mà còn nhận nhiều chỉ trích từ dư luận toàn quốc.
Hồi giữa tháng 7, mạng xã hội xuất hình ảnh người dân sinh sống ở khu vực Quảng An, nơi dự án xây dựng nhà hát và tổ hợp thương mại, dịch vụ dự kiến sẽ được xây dựng, tổ chức biểu tình phản đối. Những video quay lại cảnh công an xô đẩy và bắt người dân khi họ phản đối việc thu giữ các băng rôn, khẩu hiệu cũng được đăng tải sau đó.
Một video khác đăng tải hôm 30 tháng 7 được cho là quay lại quang cảnh buổi đối thoại giữa chính quyền với người dân Quảng An, cho thấy người dân bức xúc chỉ trích cán bộ nhà nước, cáo buộc người này “lừa dối” khi cho rằng người dân đã đồng ý với chủ trương xây dựng dự án, nhưng trên thực tế thì người dân chưa từng đồng thuận.
Một người dân sinh sống ở khu vực này sau đó đã xác nhận những sự kiện nêu trên với đài RFA.
Trong bối cảnh Hà Nội vốn đã ít không gian công cộng dành cho các hoạt động ngoài trời của người dân, vai trò của Hồ Tây là không gian hiếm hoi nơi người dân có thể thực hiện các hoạt động ngoài trời, lại càng trở nên quan trọng.
Trả lời phỏng vấn của đài RFA qua ứng dụng nhắn tin, ông Nguyễn Biên, một người dân Hà Nội sinh sống ở khu vực Hồ Tây, cho biết quan điểm của ông trước chủ trương xây dựng của chính quyền tại khu vực này:
“Dự án Opera Hồ Tây là dự án bị người dân khu vực Quảng An phản đối gay gắt, một phần do lo sợ công trình xây dựng sẽ lấy một phần lớn đất thổ cư ở đây, đồng thời quá trình xây dựng sẽ gây nhiều phiền toái cho cuộc sống người dân như tiếng ồn, bụi, giao thông tắc nghẽn.
Tôi nghĩ đó là một phần, nhưng việc lấp hồ Đầm Trị là hồ điều hoà cho hồ Tây sẽ gây vấn đề lớn cho thoát nước trong khu vực, hơn nữa sẽ thay đổi rất nhiều về cảnh quan và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, cũng như chiếm mất không gian công cộng đáng ra mọi người đều được quyền hưởng.”
Dự án này còn nhận phải sự phản đối của cộng đồng kiến trúc sư do các lo ngại về môi trường, luật pháp, bảo tồn văn hoá, và chiếm dụng không gian công cộng.
Hôm 19 tháng 7, một nhóm gồm 58 kiến trúc sư, kỹ sư, và nhà nghiên cứu đã công bố kiến nghị gửi đến chính quyền thành phố Hà Nội, Uỷ Ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, và Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam để yêu cầu đánh giá lại dự án.