Chợ mở cửa, khách thưa thớt
Đã gần một tuần TPHCM thực hiện nới lỏng giãn cách cho phép một số hoạt động trở lại bình thường, trong đó có việc mở cửa lại một số chợ truyền thống. Không nhiều tiểu thương đăng ký mở bán lại, tuy nhiên số đăng ký hoạt động lại cũng cho biết, lượng người đi mua rất ít, do vẫn còn tâm lý lo ngại. Một vài tiểu thương tại chợ truyền thống ở TPHCM (không muốn nêu tên) cho biết:
“Vắng quá, người dân hình như người ta chưa biết là thứ nhất, thứ hai là chắc người ta còn ngại chưa dám ra tham gia. Có khách hàng đặt hàng kêu tôi giao tới, họ không dám đi. Chợ vắng lắm, sáng giờ tôi bán được một người khách. Người ta chưa có quen với sinh hoạt của chợ hoặc người ta chưa biết thì mình cũng phải cố gắng để hòa nhịp lại. Ế cũng phải chịu, ráng.”
“Mở ra thì chợ cũng vắng đâu ai dám đi vì lâu quá rồi đâu có ai buôn bán. Ai cũng có ý thức nên người ta đi cũng sợ. Mới nên người ta cũng chưa quen đi nhiều, chợ vắng lắm sáng giờ khách không có.”
“Chợ mới mở có mấy thứ, người ta chưa biết khách chưa đi nhiều, lo sợ dịch, lo sợ người ta ít đi.”
Lãnh đạo thành phố lớn nhất nước vào ngày 30/9 đã thông báo nới lỏng giãn cách trên địa bàn từ ngày 1/10. Trong đó bao gồm cả những hoạt động kinh doanh, thương mại – dịch vụ gồm cung cấp lương thực, thực phẩm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống.
Tuy vậy, mới chỉ có hơn 16 chợ truyền thống trong tổng số 234 chợ truyền thống của thành phố mở cửa, do các quầy sạp chưa đáp ứng tiêu chuẩn về khoảng cách 2m, diện tích bán là 4m2, có vách ngăn và một số yêu cầu khác.
Vui, buồn lẫn lộn
Theo ghi nhận của phóng viên RFA, nhiều chợ truyền thống quen thuộc như Tân Định, Hòa Bình… vẫn còn đóng cửa, thậm chí có chợ vẫn đang bị rào chắn như Bàu Sen.
Dù vậy, nhiều tiểu thương tại các chợ đủ điều kiện hoạt động trở lại bày tỏ vui mừng vì sau nhiều tháng chợ ngưng hoạt động, nay họ lại được trở lại buôn bán, có thể có thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình.
“Chợ mở cửa mình được đi bán cũng vui chứ thời gian ở nhà cũng chẳng làm được gì, đi bán lại thoải mái hơn.”
“Ra bán cũng vui, hôm bữa giờ ở nhà không nhưng giờ ra cũng phập phồng lo, cũng sợ. Chợ rất vắng, không ai dám đi hết.”
“Mình cũng sợ nhưng nghỉ mấy tháng buồn rồi nên ra ngồi coi sao chứ thiệt ra chợ người ta cũng sợ, khách sợ, mình cũng sợ nên vắng lắm. Có điều cuộc sống nên phải đi thôi chứ hồi hộp lắm, chưa ổn định.
Giờ phải chịu thôi, mở chút xíu vậy chứ nhiều cái chưa mở được thành ra mình cứ chịu ra coi sao, đông quá cũng sợ mà vắng quá cũng buồn, đang trong tình trạng chung sáng giờ cứ ngồi vậy đó, có người đi đâu, rầu, lo lắm.”
“Chợ cũng còn vắng, nhiều người chưa biết chợ mình bán lại nên ít người đi lắm, sáng giờ chưa bán được bao nhiêu, riết rồi không biết cuộc sống sao.
Có nhiều người có coi thông tin mạng thì biết còn nhiều người chưa coi thì không biết.”
“Sạp không có ai mua, còn nguyên. Giờ họ chưa biết chợ còn bán hay sao họ không tới. Giờ bắt đầu lập nghiệp lại mà chiều giờ chưa ai tới mua.”
“Chợ mở cửa không đầy đủ, có một cánh, bên chỗ này đóng hết, sáng giờ chưa bán được hàng nào, không có người nào vô đây hết, ít người đi, người ta đi chợ cũng còn sợ nên người ta không đi. Nhiều khi người ta không chích, chích hai mũi mới được vô, khai báo nữa nên người ta cũng sợ không vô.”
Vẫn theo lời nữ tiểu thương vừa rồi, nếu tình trạng chợ tiếp tục vắng như hiện nay, có thể bà sẽ nghĩ ra cách khác để hàng hóa được tiêu thụ vì hoàn cảnh của bà đang rất khó khăn:
“Lỡ mua đồ rồi tôi cũng tính bán chạy ngoài đường cho rồi, cho có đồng vô đồng ra chứ ngồi đây không bán được gì. Mua đồ chôn vốn, gặp mình khổ quá mấy nay đâu có tiền, ở nhà mướn nữa, giờ phải rầu, phải lo. Tính cứ vậy mai chắc ra ngoài đường bán chạy với mấy ông công an chứ không có đồng ra đồng vô vậy cũng khổ. Phải mình có nhà (để bán), nhà mướn mà bán tình trạng này là chết. Không ai vô tới đây, họ đi ngoài đường không.”
Tình trạng các chợ tự phát gây ảnh hưởng đến nguồn thu của các tiểu thương tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối là có thật. Mới đây, đại diện chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức cho biết dù đã ‘kêu cứu’ về tình trạng này nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Việt Nam dẫn nguồn từ Sở Công thương TPHCM cho biết tính đến ngày 3/10, có 16 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố được hoạt động và 9 chợ dã chiến gồm bảy chợ ở Củ Chi và hai chợ ở quận 5.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, số lượng chợ được mở lại trong thời gian tới sẽ tăng nhanh do Sở đã có văn bản đề nghị các quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch mở lại chợ trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời TP cũng đã ban hành bộ tiêu chí đối với hoạt động của chợ