Giải toả trong khuôn khổ
Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) –tâm dịch COVID-19 trong cả nước, đang thực hiện nới lỏng giãn cách, cho phép hàng quán tại một số khu vực được bán hàng trở lại dưới hình thức “mang đi”. Cùng với đó, lãnh đạo thành phố cũng công bố quận 7 và Củ Chi là hai địa phương đầu tiên đã kiểm soát được dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng.
Nhiều người kinh doanh nhỏ tại TP này tỏ ra “vừa mừng, vừa lo” với qui định mới:
“Tôi mới bày ra bán bữa nay thôi chứ bữa giờ không bán. Bán cơm sườn, kho tiêu, sườn ram, kho trứng… cho bán vậy thấy thoải mái hơn trước rồi. Bán thì bán cũng phải xa xa, không đứng gần nhau.”
“Nói chung kinh tế cũng khó khăn lắm nhưng cố gắng chờ theo Chỉ thị 16 của nhà nước đưa ra, khi nghe thông tin thì mới bán lại hôm qua, nay, bán lai rai chút ít, bán mang đi không à.”
“Thấy thoải mái hơn nhưng chưa thấy gì được như lúc trước. Mới bắt đầu cũng mừng nhưng khách còn vắng lắm, nhưng bây giờ không biết sao, để coi tình hình với còn phải xin phép giấy đi đường tùm lum.”
Theo qui định mới, lãnh đạo TP HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động trở lại, từ 6-18h hàng ngày theo hình thức bán mang đi sau hai tháng tạm dừng.
Quyết định vừa nêu được ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM ký ban hành hôm 7/9 và có hiệu lực từ ngày ký.
Được ra đường sau nhiều tháng cách ly, phong tỏa, nhiều người dân cho hay họ cảm thấy được giải tỏa, tuy nhiên họ vẫn không quên bảo vệ bản thân:
“Ra ngoài mua đồ sẵn mua ở đây, thoải mái, thiệt ra mua hàng thì đỡ một chút, tuân thủ 5K.”
“Thấy thoải mái rất nhiều dù đang dịch phải phòng tránh kỹ lưỡng nhưng cũng phải ăn chứ đi đường phải có cầm tay vì khám bệnh không có cách nào cứu đói được, giờ cứ mua bánh mì, cơm, gì cũng được, phải có cứu đói.”
“Thoải mái, đỡ hơn, trông cho dịch bệnh đi lẹ để mình đỡ, bà con đỡ nữa. Phải đeo khẩu trang kỹ vàng, hai cái một lượt, chứ không phải một cái thì khi cho đi tôi mới đi.”
Không chỉ đối với thực phẩm chế biến sẵn, lãnh đạo thành phố lớn nhất nước còn cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm được phép hoạt động từ 6-21h hàng ngày.
Nhiều người dân bày tỏ vui mừng với quyết định vừa nêu:
“Nói chung mua thực phẩm mang về tạo điều kiện cho người dân sống như cũ hơn, cuộc sống trở lại bình thường, thoải mái hơn.”
“Cần thiết cho nhà dùng, đồ ăn, thực phẩm quan trọng, bánh, sữa cho em bé, toàn đồ thiết yếu, ra đường chỉ mua nhiêu đó.”
Bên cạnh đó, vẫn có người cảm thấy lo sợ khi phải ra đường trong tình hình dịch bệnh chưa có dấu diện thuyên giảm như hiện nay:
“Ngày thả lỏng thì người dân được đi mua đồ thoải mái nhưng tâm lý lo lắm vì vẫn sợ bị nhiễm lại, rất sợ, nên theo như Chỉ thị 16 thì tốt hơn, bây giờ khoan thả lỏng, để từ từ. Nếu thả lỏng liền những người nhiễm ra ngoài tập trung đông dễ lây lan, nhất là chợ truyền thống, siêu thị vô đông cũng vậy nên tâm lý phân đôi là vừa được đi nhưng lại sợ lo.”
Kiểm soát giá cả & dịch
Hơn hai tháng TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, khiến chuỗi cung ứng hàng hoá đứt gãy, tạo ra sự khan hiếm thực phẩm giữa mùa dịch. Đó cũng là nguyên nhân khiến giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng vọt. Nhiều người dân cho biết với đà tăng giá này, nhiều hộ bị “ở yên tại nhà” sẽ không thể mua nổi lương thực trong những ngày nới lỏng giãn cách:
“Bộ Công thương mà có chính sách cho người ta chuyên chở thức ăn vô cho giá thành hạ xuống thì tốt cho người dân, người ta chấp nhận ở nhà, không muốn ra đường. Bây giờ thức ăn tăng gấp hai, gấp ba lần như vậy thì người dân qua ba tháng người ta cũng cạn tiền nên giá cao như vậy người dân chịu không nổi, buộc lòng người ta phải ra tìm chỗ rẻ để mua nhưng nguy hiểm.”
Ngoài lương thực, thực phẩm, theo qui định mới, các cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, dụng cụ học tập cũng được phép hoạt động trở lại từ 6h-18h hàng ngày.
Nhiều phụ huynh đã không khỏi vui mừng vì thời gian ở nhà họ chưa chuẩn bị kịp đồ dùng học tập cho con. Các vị phụ huynh chia sẻ:
“Giãn cách mấy đứa nhỏ không chuẩn bị trước nên mở cửa như vậy mình mua được viết, kể cả môn mỹ thuật không có màu cũng không vẽ được, nên tôi nghĩ mở cái này ra cũng khá kịp thời, khá tốt. Giúp phụ huynh không phải chạy vòng vòng hoặc đặt Grab khó. Chị nghĩ mỗi một quận hoặc một phường có những tiệm tạp hóa cho người ta mở thì cũng không đến độ lây bênh tật.”
“Giãn cách như chị hơi khó khăn, chị qua quận khác ở thì không được ra vô. Trước đó chị cũng lấy sách của chị (bé) học nhưng không đủ, bữa nay được ra mua thêm vài vật dụng còn thiếu cho bé.
Bây giờ phải có tập vở, không có phải viết giấy báo, xé tờ giấy lịch bự viết vô rồi ghi lại, nộp cho thầy.”
Một người làm nghề thủ công cũng vui mừng không kém vì sau bao nhiêu khó khăn, anh đã có thể mua những dụng cụ cần thiết:
“Dao rọc giấy để làm đồ, nhiều khi làm mấy cái thủ công không có để làm. Bữa giờ hầu như mấy tiệm bán đồ này không còn, giờ mở lại đỡ, có cái làm. Chứ không có tìm chết luôn.”
TPHCM trở thành tâm dịch trong đợt tái bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại đất nước hình chữ S. Để hạn chế sự lây lan dịch bệnh, lãnh đạo thành phố đã liên tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và cả các biện pháp nâng cao kiểm soát. Người dân được nói phải thực hiện theo tinh thần “ai ở đâu, yên đó” trong nhiều tháng qua.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến 2:30 sáng ngày 11/9 (giờ địa phương) TPHCM đã có hơn 262.000 người nhiễm COVID kể từ ngày 27/4, riêng ngày 10/8 có 7.539 ca nhiễm mới, đứng đầu trên cả nước.
Mặc dù lãnh đạo TPHCM bác bỏ thông tin thành phố sẽ “mở cửa lại” sau ngày 15/9 nhưng trong ngày 10/8, lãnh đạo thành phố cũng đã đưa ra bảy chiến lược chống dịch COVID-19 sau ngày 15/9, gồm bao phủ vắc-xin cho người dân sinh sống trên địa bàn Thành phố; giãn cách xã hội gắn liền với “thẻ xanh” COVID-19; hiện thực hóa thông điệp “Sống khỏe trong môi trường có dịch”; chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng; nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tử vong do COVID-19; giám sát dịch tễ để sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát và phục hồi hệ thống y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.