Câu nói ‘Ăn no, mặc ấm’ mà người dân thường nghe thời bao cấp đã dần chuyển sang ‘Ăn ngon, mặc đẹp’ khi đời sống kinh tế khá hơn.
Một khi khái niệm về cái ăn, cái mặc chuyển sang một bậc cao hơn, tinh tế hơn thì hầu như ai cũng nhận thấy cần phải có sự thay đổi cái vẻ bề ngoài sao cho tươm tất. Các đại biểu quốc hội (ĐBQH) cũng không là ngoại lệ. Bà cựu chủ tịch Quốc Hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân từng gây xôn xao dư luận khi có thông tin bà sở hữu đến 300 bộ áo dài được chuyên gia thời trang thiết kế riêng cho bà.
Cuối tháng 3 năm 2021, tại buổi thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021, nữ ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, thuộc Đoàn Hà Nội, đã đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch báo cáo với Quốc hội, Chính phủ để xây dựng Luật nghi lễ, quốc phục, quốc hoa. Theo bà Khánh, mục đích của đạo luật này là để nam giới và nữ giới ĐBQH đều mặc áo ngũ thân truyền thống, kế thừa truyền thống của ông cha.
Sáng 19 tháng 4 vừa qua, phát biểu tại một hội thảo dành cho nữ ứng cử viên ĐBQH và Hội đồng Nhân dân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu về trang phục của ĐBQH: “Ngày thường đi lễ, đi hội, đi siêu thị mặc đồ như thế nào tùy từng cá nhân, nhưng đi xuống dân thì mặc đồ như thế nào cho phù hợp với phong cảnh đồng quê, phong cảnh của người dân. Đây là điều hết sức quan trọng. Có đại biểu từng bị phản ánh là che dù, che lọng. Phải hết sức chú ý về cách ăn mặc.”
Ông Lê Văn Cuông, Cựu ĐBQH chia sẻ với RFA suy nghĩ của ông về trang phục của ĐBQH:
“Không có quy định cụ thể nhưng trang phục thông thường của ĐBQH khi gặp dân là áo sơ-mi và cà-vạt cho nam, áo dài cho nữ vào mùa hè. Mùa đông thì nam có thể mặc vest.
Trong quy định pháp luật thì không bắt buộc phải ăn mặc như thế nào nhưng luôn được nhắc nhở là nên ăn mặc sao cho đẹp mắt và lịch sự. Tránh tình trạng ăn mặc luộm thuộm hay diêm dúa không nghiêm túc trong mắt cử tri.
Tôi nghĩ ĐBQH là những người đại diện cho các dân tộc ở nhiều vùng, miền khác nhau nên cách ăn mặc cũng phải phù hợp với phong tục tập quán cũng như thời tiết từng vùng. Hiện không có quy định đồng phục cho ĐBQH, mà bản thân tôi thấy không cần thiết.”
Tôi không quan tâm, không duy nghĩ đến cách ăn mặc hay cách tiếp xúc cử tri của họ. Cái tôi cần là những người thực sư có tâm huyết, thực sự nói lên nguyện vọng của dân. Đấu tranh cho những cái người dân không được hưởng theo hiến pháp, pháp luật. – Ông Minh
Trên lý thuyết, ĐBQH là thành viên của Quốc hội, được cử tri trực tiếp bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các đại biểu được bầu theo khu vực bầu cử, là người đại diện và chịu trách nhiệm trước cử tri và nhân dân bầu ra mình. Đại biểu cũng chịu trách nhiệm trước cử tri cả nước. Thông qua các đại biểu và thông qua Quốc hội, nhân dân Việt Nam sử dụng quyền lực của mình để định đoạt các vấn đề của đất nước.
Nhiều người dân cho rằng, ĐBQH ở trong nước hiện nay chỉ là những ‘ông, bà nghị gật’. Việc bầu bán cũng không tuân thủ nguyên tắc mà chính họ đưa ra. Do đó, người dân không còn quan tâm ĐBQH làm gì hay mặc gì.
Ông Minh, một cựu quân nhân QĐND Việt Nam, cho RFA biết quan niệm của ông về ĐBQH vào sáng 20 tháng 4:
“Thực sự mà nói, từ khi tôi giải ngũ đến giờ tôi chưa bao giờ tiếp xúc với các vị ĐBQH. Trong tư tưởng tôi cũng không muốn tiếp xúc, bởi càng lúc tôi càng hiểu rằng những người này không đại diện cho dân, cho ý chí của dân – ít nhất là cá nhân tôi.
Họ luôn nói họ đại diện cho dân, họ làm việc vì dân nhưng tôi có biết những người được bầu lên đó là ai đâu. Lần nào cũng nghe họ trúng cử đến 100%. Tôi cũng không biết ai bầu cho họ đến tuyệt đối.
Do đó, tôi không quan tâm, không duy nghĩ đến cách ăn mặc hay cách tiếp xúc cử tri của họ. Cái tôi cần là những người thực sư có tâm huyết, thực sự nói lên nguyện vọng của dân. Đấu tranh cho những cái người dân không được hưởng theo hiến pháp, pháp luật.”
Ông Minh kết luận rằng, ông chỉ thực sự quan tâm đến ĐBQH khi nào những người dân tự ứng cử và trúng cử vào Quốc hội bằng lá phiếu của dân bầu lên một cách công bằng, công khai và hợp pháp.
Theo Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), ĐBQH có nhiệm vụ tham gia các kỳ họp của Quốc hội, tham gia thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn như: lập hiến, lập pháp; quyết định chính sách đối nội, đối ngoại, các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước; quyết định những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân; giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Còn trong các kỳ họp, ĐBQH có nhiệm vụ tham gia đầy đủ các phiên họp và có quyền trình dự án luật và biểu quyết thông qua các dự án luật, các nghị quyết của Quốc hội; chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tham gia bầu cử và có thể được bầu vào các chức danh Nhà nước, các cơ quan lãnh đạo, các tổ chức của Quốc hội.
Như vậy, quyền hạn và trách nhiệm của ĐBQH có vai trò không nhỏ trong các chính sách về nhiều mặt cho người dân.
Ông Trần Trọng Nhân, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Đak Nông nêu quan điểm của mình với RFA vào sáng 20 tháng 4:
“Cái người dân cần là ĐBQH phải lắng nghe ý kiến của dân, thấu hiểu những ý kiến của dân để ban hành những chính sách hướng về dân, có lợi cho dân. Chứ ĐBQH ăn mặc như thế nào thì tôi nghĩ người dân họ không quan tâm đâu, vì nó không quan trọng.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là ăn mặc, giao tiếp sao cũng được. Mà đã là ĐBQH thì đương nhiên họ phải biết cách giao tế, biết cách ăn mặt sao cho phù hợp khi tiếp xúc với dân hay ở nghị trường Quốc hội. Đó là nhân bản.”
Cái người dân cần là ĐBQH phải lắng nghe ý kiến của dân, thấu hiểu những ý kiến của dân để ban hành những chính sách hướng về dân, có lợi cho dân. Chứ ĐBQH ăn mặc như thế nào thì tôi nghĩ người dân họ không quan tâm đâu, vì nó không quan trọng. – Ông Trần Trọng Nhân
Ông Nhân nói thêm rằng, ĐBQH ở Việt Nam hiện nay không đại diện cho dân, không mang tiếng nói người dân lên nghị trường Quốc hội. Người nông dân nơi ông sinh sống vẫn không được Nhà nước hỗ trợ gì khi mất mùa. Họ cũng không được Nhà nước hướng dẫn nên giữ lại nông sản gì hay phá bỏ loại cây nào để bảo vệ môi trường và duy trì cây giống…
Cách đây đúng 5 năm, vào ngày 20 tháng 4 năm 2016, nhà báo Phạm Đoan Trang đặt niềm tin vào cơ chế bầu cử năm 2021 khi cô nói với RFA rằng:
“Tôi có một niềm tin không biết có ảo tưởng quá không, thì 5 năm nữa, bầu cử tiếp theo sẽ khác nhiều lắm. 5 năm nữa là bầu cử khóa 15.
Tôi nghĩ là sẽ phải có sự điều chỉnh trong cơ chế bầu cử. Tất nhiên từ lúc người ta biết có sự bất cập cho đến lúc người ta hành động để thay đổi nó cũng khá lâu. Tuy nhiên trong thời đại internet hiện nay thì sẽ nhanh hơn. Ngày xưa thì phải mất rất nhiều năm để thay đổi một điều gì đó nhưng bây giờ sẽ không phải mất nhiều năm đến thế. Với sự giúp đỡ của internet và mạng xã hội thì tôi nghĩ 5 năm là thời gian vừa đủ, không quá dài.”
Cho đến hôm nay, chuyện người dân tự ứng cử, trúng cử ở Việt Nam là chuyện còn rất xa vời. Hai người tự ứng cử Quốc Hội vừa bị bắt trong tháng 4 là ông Lê Trọng Hùng và ông Trần Quốc Khánh. Cả hai bị cáo buộc ‘Làm, tàng trữ, phát tán tài liệu chống Nhà nước’ theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015. Còn Giáo sư Nguyễn Đình Cống bị loại sau một cuộc họp cử tri kín. Lý do được ông cho biết là do ông đã lớn tuổi nên bị loại.