Cuộc triển lãm độc nhất vô nhị
Ngày X, tại Phòng trưng bày Y, TP Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc triển lãm-trình diễn nghệ thuật sắp đặt liên quan tới tranh của họa sĩ Bùi Chát, đồng thời cũng là phần kết cho bộ phim tài liệu chính luận có tựa đề “Văn hóa Hỏa táng tác phẩm nghệ thuật”.
Tuy không được thông báo chính thức, không xin phép cơ quan chức năng, nhưng cuộc triển lãm đã thu hút rất đông giới nghệ thuật và người mộ điệu.
Lý do nó hấp dẫn chính là, lần đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật đương đại thế giới, một họa sĩ sẽ (buộc phải) đem toàn bộ số tranh của mình mới sáng tác, vừa được triển lãm ra để … hỏa táng.
Nó thêm hấp dẫn bởi toàn bộ kịch bản và trình diễn của cuộc hỏa táng tranh được thực hiện công phu của nghệ sĩ sắp đặt nổi tiếng Đào Anh Khánh, người từng nhiều lần gây bão dư luận với những chương trình độc đáo.
Chưa hết, nó lại còn được quay phim, làm phần kết cho bộ phim nói trên, do đạo diễn điện ảnh Trần Dũng Thanh Huy có phim truyện Ròm nổi tiếng.
Không thể kể hết những màn cảm động, kịch tính của buổi triển lãm-sắp đặt này, với cái kết là một đoàn kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan chức năng đã ập tới, lập biên bản, phạt tiền và buộc … tiêu tủy tác phẩm – tức là phải hủy những … tàn tro còn sót lại của cuộc hỏa táng.
Khởi nguồn cho ý tưởng
Xin độc giả chớ vội cho câu chuyện giả tưởng trên là điên rồ, vô lý, vô văn hóa, không thể có ở thời nay. Bởi nó có (những) khởi nguồn rất thật.
Đó là mới đây, họa sĩ Bùi Chát có cuộc triển lãm 29 bức tranh tại TPHCM, nhưng do không xin phép tổ chức theo quy định nên ông đã bị phạt tiền và buộc tự tiêu hủy số tranh đó.
Dư luận dậy sóng, nhiều nhà văn hóa, nghệ sĩ đã thất vọng, bức xúc trước cách xử lý của cơ quan chức năng.
Có điều, công luận dường như quên, hoặc không mấy để ý là trước đó đã từng có những quyết định còn có phần bi hài không kém – buộc tiêu hủy phim, mà lại là phim từng đoạt giải quan trọng trong liên hoan phim quốc tế. Cho dù việc buộc tiêu hủy mới chỉ là với “bản gửi tham gia liên hoan phim”, song độ “phản cảm” của quyết định thì không hề giảm bớt. Đó là phim truyện Ròm, nói trên.
Và bế tắc trong thi hành
Cũng không nên đổ hết trách nhiệm, buộc “tội” cho cơ quan chức năng TPHCM với quyết định đó. Vì họ cũng tỏ ra bất đắc dĩ, phải theo quy định pháp luật, đồng thời khẩn cấp gửi công văn lên Bộ Văn hóa-Thế thao-Du lịch để góp ý và đề nghị sửa sớm văn bản Nghị định 38/ 2021 liên quan, bỏ quy định “tiêu hủy …”.
Họ còn gọi là “thông cảm”, cho họa sĩ Bùi Chát được “tự tiêu hủy”, rồi sau đó còn rộng cửa thêm, khi trả lời báo giới rằng “tranh họa sĩ giữ, cơ quan chức năng không yêu cầu họa sĩ đốt tranh. Việc hiểu tiêu hủy theo nghĩa đốt tranh là không đúng”, và không giấu được thái độ lúng túng, cho rằng “hình thức tiêu hủy là đốt hay bỏ bức tranh đi như thế nào thì vẫn chưa có quy định chi tiết”.
Thật oái oăm, đau đớn cho nghệ sĩ khi bị buộc phải tự bức tử những đứa con tinh thần của mình, nhưng không biết thực hiện bằng cách nào, khi chính cơ quan chức năng cũng khó xử, rồi đẩy cho mình thực hiện. Kiểu trả lời như Sở VH-TT TPHCM như vậy khác gì đánh đố, là mở đường cho tác giả làm chuyện khuất tất, rồi không khéo lại phạt nữa?
Ngay cả với phim Ròm cũng vậy, không ít ý kiến thắc mắc là phim thời nay đều được lưu trữ không phải bản nhựa như xưa, mà là dưới hình thứ số, vậy “tiêu hủy” bằng cách nào?
Đồng thời, sau ông, bao nghệ sĩ khác sẽ còn phải nơm nớp lo không biết tới bao giờ Chính phủ mới sửa văn bản nghị định đó, để khỏi tái diễn màn không giống ai trên thế giới.
Thôi thì … hãy làm một cuộc “tuẫn tiết (tranh)”, “tử vì đạo (nghệ thuật)”, để đánh động dư luận, may ra sớm có sự sửa đổi hợp tình hợp lý?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.