Trữ lượng cát của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ tồn tại tối đa một thập kỷ nữa, nếu duy trì tốc độ khai thác như hiện nay.
Thông tin vừa nói được Tiến sĩ Sepehr Eslami – Trưởng nhóm tư vấn Liên doanh Deltares công bố tại ‘Hội thảo về xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL’ do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cùng Cơ quan Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam – WWF tổ chức ngày 29/9/2023.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ khi trả lời RFA hôm 3/10/2023, cho biết:
“Báo cáo của nhóm Deltares dự báo cát ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt sau 10 năm nữa nếu tốc độ khai thác hiện nay. Có nghĩa là với mức mình lấy cát lên thì cát không bù đắp nổi, nên phải có một giải pháp khác. Một khi lượng cát ở ĐBSCL ít đi nó sẽ gây ra nhiều tác hại, thứ nhất sẽ gây ra sạt lở bờ sông và vùng ven biển trầm trọng; Thứ hai sẽ thiếu nguồn để bù cho cao trình mặt đất bị lún, rồi các công trình bị ảnh hưởng rất nhiều… Đây là mối nguy cho vùng ĐBSCL, nhưng trong báo cáo đó họ không đưa ra một giải pháp nào cụ thể, ngoài chuyện sử dụng một số nguồn thay thế, nhưng những nguồn này rất là hạn chế.”
Đây là mối nguy cho vùng ĐBSCL, nhưng trong báo cáo đó họ không đưa ra một giải pháp nào cụ thể, ngoài chuyện sử dụng một số nguồn thay thế, nhưng những nguồn này rất là hạn chế.
-Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Anh Tuấn
Theo kết quả nghiên cứu năm 2022 của Tiến sĩ Sepehr Eslami được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 29/9/2023, lượng cát đổ về từ thượng nguồn Mekong vào Việt Nam qua sông Tiền (Tân Châu, An Giang và Hồng Ngự, Đồng Tháp) và sông Hậu (Châu Đốc, Đồng Tháp) ước tính 2-4 triệu m3. Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính trước đây là 6,8-7 triệu m3. Trong khi đó, lượng cát đổ ra cửa Biển Đông là 0-0,6 triệu m3, và lượng cát khai thác hàng năm trong giai đoạn 2017-2022 từ 35-55 triệu m3. Như vậy, trữ lượng ngân hàng cát ở miền Tây hiện âm 42,3 triệu m3.
Tuy nhiên, nghiên cứu không nói rõ lượng cát khai thác hàng năm trong giai đoạn 2017-2022 đã tính khai thác cát lậu chưa?
Một người dân ở An Giang không muốn nêu tên vì lý do an toàn, chia sẻ với RFA:
“Ở vùng này bị cấm tuyệt đối nên không khai thác cát được, nhưng mà nó khai thác lậu, nó khai thác lén vì lợi nhuận cao quá. Một ngày có thể khai thác 2 xà lan. Nó khai thác bằng máy hút, nó hút rồi nó đổ lên xà lan. Nó hút ở giữa sông nên bị bọng hai bên hông, dần dần nó sụt xuống.”
Không đợi những công bố từ Deltares, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết, trước đó ông và các nhà khoa học cũng đã có những đề xuất mang tính giảm bớt thiệt hại. Ông nói tiếp:
“Thí dụ như phải đánh giá lại một cách đầy đủ trữ lượng cát và đưa ra một chiến lược sử dụng cát ở vùng ĐBSCL, không để xảy ra lãng phí cát khi xây dựng, không chọn những công trình phải sử dụng quá nhiều cát, hoặc nghĩ tới những giải pháp nhập cát từ miền Đông hay miền Trung tới ĐBSCL. Cũng có những nghiên cứu sử dụng tro xỉ trong nhà máy hoặc sử dụng các biển, nhưng không được ủng hộ lắm. Hoặc phải sử dụng những vật liệu xây dựng khác, ví dụ như làm nhà thay vì đổ bê tông thì dùng sắt thép hoặc nhôm kính để giảm bớt lượng cát. Khi làm đường cao tốc thì có rất nhiều nhà khoa học đề xuất làm những đường trên cao, tức những cái cầu, thay vì làm đường dưới đất phải đổ cát rất nhiều…”
Nếu như vậy thì theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Anh Tuấn sẽ tiết kiệm cát nhiều hơn. Tuy nhiên ông Tuấn cho rằng, những cái này chỉ là những giải pháp mang tính giảm thiểu, chứ không giải quyết được hoàn toàn vấn đề.
Những đề xuất của giới khoa học được chính phủ và xã hội quan tâm như thế nào? Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết:
“Thật ra nhà nước cũng lúng túng trong chuyện này, bởi vì nguồn cát đi vô đã hết. Nhà nước cũng kêu gọi các nhà khoa học hiến kế, các doanh nghiệp cũng đã tìm cách mua cát từ Campuchia hoặc nhập các từ miền Trung, miền Đông… Các nhà khoa học cũng tìm cách sử dụng các vật liệu khác thay thế ở mức độ nào đó để giảm bớt sự thiếu hụt về cát. Còn những giải pháp trông chờ vào sự vận hành các đập thủy điện ở thượng nguồn, thì theo tôi là gần như vô vọng. Mình không thể nào yêu cầu các đập thủy điện xả lũ để đẩy bùn cát lắng ở dưới hồ chứa để trở về đồng bằng. Nếu có thì để về cũng mất nhiều năm, phải đợi những trận lũ lớn để trở về, nên những hy vọng này là khó.”
Sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng ĐBSCL ngày một nghiêm trọng hơn cả về quy mô lẫn tần suất, gây lo ngại cho sự an toàn vùng này. Tại Buổi Tọa đàm với chủ đề ‘Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL’ hôm 19/12/2022, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam – WWF Việt Nam cho biết đã phát hiện dưới sông Tiền có hố sâu gần 50m cách cầu Mỹ Thuận 1,2km.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, trả lời RFA khi đó cho biết, việc phía thượng lưu của cầu Mỹ Thuận có một hố sâu do khai thác cát, làm cho ông lo ngại:
“Vì khi con sông như vậy thì đáy sông luôn luôn tái phân phối để mang vật liệu chỗ khác đến lắp và như vậy nó sẽ khỏa lấp, làm cho đáy sông bị sâu đều. Thêm nữa, gần đây phía dưới cầu Mỹ Thuận là chỗ sạt lở gần đây ở cù lao Minh, đối diện thành phố Vĩnh Long ở phía hạ lưu… nó làm cho mình phải suy nghĩ đến cầu Mỹ Thuận. Có nghĩa là ở phía thượng lưu đã có hố sâu như vậy thì chắc chắn hạ lưu đáy sông sẽ hạ sâu, như vậy thì ngay dưới cầu Mỹ Thuận sẽ như thế nào?”
Hiện chưa có con số thống kê bao nhiêu đất đai của người dân ĐBSCL đã biến mất do sạt lở trong nhiều năm qua. Thống kê từ chi cục thủy lợi các địa phương được báo nhà nước trích dẫn cho thấy, bình quân mỗi năm khu vực này mất đi khoảng 500 ha đất. Cụ thể, chỉ từ năm 2018 đến 2022, sạt lở đã làm sập, cuốn trôi ít nhất 2.500 căn nhà ở các tỉnh, thành An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, làm thiệt hại hơn 304 tỉ đồng. Có khoảng 20 ngàn hộ dân ở 5 địa phương này đang phải sống trong vùng sạt lở, cần phải di dời.
Thật ra nhà nước cũng lúng túng trong chuyện này, bởi vì nguồn cát đi vô đã hết.
-Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Anh Tuấn
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện lo ngại trong tương lai sẽ còn khó khăn hơn:
“Bây giờ chúng ta đã rơi vào thế rất là khó, cát ở phía thượng lưu chắc chắn là không về nữa. Bởi vì cát là vật liệu nặng, đi ở dưới đáy sông từ phía thượng nguồn về tới ĐBSCL hết mấy chục năm. Trong khi cát mình nhận được trong mấy năm vừa qua là cát đã khởi hành trong quá khứ rất lâu rồi. Những cát nào chưa khởi hành thì nó đang nằm phía trên những cái đập thì không cách nào có thể qua được. Bây giờ có xả đập thì cũng không đi xuống.”
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết ông khẳng định trong tương lai sẽ không có cát về nữa, ĐBSCL đã rơi vào thế thiếu cát, nhưng việc xây dựng nhà cửa, đường xá không thể dừng được nên vẫn phải cần cát. Cho nên theo ông Thiện, tình hình bây giờ rất khó khăn và cần biết rằng lấy cát để xây dựng phải trả giá rất đắt.