Trung Quốc vừa hứa viện trợ cho Việt Nam thêm hai triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 và cam kết sẽ xem xét tiếp tục viện trợ vắc-xin cho Việt Nam trong thời gian tới. Đây là thông tin tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba hôm 24/8 được truyền thông Nhà nước loan tải vào cùng ngày.
Cuộc gặp diễn ra ngay trước thềm chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam trong chuyến công du Châu Á của bà Harris nhằm khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ đối với các nước đối tác trong khu vực.
Tại cuộc gặp diễn ra ở trụ sở Chính phủ tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính được nói đã cảm ơn Chính phủ Trung Quốc vừa viện trợ cho Việt Nam thêm hai triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19, coi đây là sự hỗ trợ quý báu và kịp thời, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn. Ông Chính cũng mong muốn Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ thêm vắc-xin, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19 cho Việt Nam, trao đổi chuyên gia và chia sẻ phác đồ điều trị, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh.
Thông tin từ báo Nhà nước không cho biết loại vắc-xin nào Trung Quốc sẽ viện trợ cho Việt Nam. Hiện Trung Quốc có hai loại vắc-xin đang được sử dụng phổ biến là Sinopharm và Sinovac.
Việt Nam đã nhập về 2.500.000 liều Vero Cell của Sinopharm, trong đó 500.000 liều đầu tiên là do Trung Quốc tặng có điều kiện và hai triệu liều còn lại là do thành phố Hồ Chí Minh đặt mua.
Hiện Việt Nam đã tiếp nhận hơn 23 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 qua nhiều nguồn khác nhau bao gồm chương trình COVAX của WHO, viện trợ chính phủ và mua trực tiếp. Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam năm triệu liều vắc-xin của hãng Moderna thông qua chương trình COVAX.
Nhiều người dân Việt Nam thời gian qua đã bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả và độ an toàn của vắc-xin Trung Quốc và bày tỏ mong muốn không phải tiêm vắc-xin Trung Quốc và muốn được dùng vắc-xin của Mỹ như Pfizer hay Moderna.
Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP.HCM hồi cuối tuần qua đã đăng tải trên Facebook tranh biếm hoạ công kích người dân Việt Nam sắp chết đuối vì đại dịch mà chê phao vắc-xin của Trung Quốc. Sau khi bị chỉ trích, Lãnh sự quán Trung Quốc đã rút dòng trạng thái này khỏi trang Facebook.