Trường đại học Anh có nên đổi tên trường vì “món quà” của nữ tỷ phú Việt?

Hiểu đúng về việc đổi tên 

Báo The Guardian của Anh số ra đầu tháng mười một loan tin  trường Linacre thuộc Đại Học Oxford danh tiếng, sẽ xin phép Hội đồng Tư vấn cho đổi tên trường Cao đẳng Linacre thành trường Cao đẳng Thảo, sau khi trường này ký kết Bản Ghi nhớ Tương thuận với Tập Đoàn Sovico của doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo.

Linacre là một trong những trường thuộc Đại Học Oxford, thành lập năm 1962 theo tên nhà nhân văn, nhà khoa học y tế và nhà cổ điển thời Phục Hưng Thomas Linacre. Đại Học Oxford cho hay Trường Linacre sẽ dùng khoản đóng góp hiếm hoi 155 triệu Bảng Anh của bà Phương Thảo để trang trải chi phí cho một trung tâm sau đại học và học bổng tiếp cận sau đại học.

Tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, nguyên Giám đốc Ngôn ngữ và Giáo dục Quốc tế Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, nguyên tư vấn cao cấp Ủy Ban Chuyên Trách Người Mỹ gốc Á trực thuộc Nhà  Trắng ở Washington D.C, giải thích về tầm qui mô của Đại Học Oxford:

Trước hết chữ ‘College’ ở đây không đồng nghĩa với ‘Trường đại học Cao Đẳng Việt Nam’, mà nó tương đương với hệ thống đại học ở Hoa Kỳ: University là đại học chính rồi trong đó có nhiều trường nhỏ hơn”

“Bên Anh thì mỗi trường nhỏ hơn đó có thể gọi là College hay School, nó theo từng phân khoa, ví dụ College of Engineering hoặc School of Engineering, khoa Kỹ Sư, hoặc là College of Humanity- Trường Nhân Văn…”

“Lịch sử Đại Học Oxford bắt đầu từ thế kỷ XIII, lúc đó có rất nhiều Independent Colleges – đại học nhỏ độc lập quanh đó. Dần dần thì Đại Học Oxford gom những đại học nhỏ độc lập về dưới trướng của Oxford. Hiện tại trong hệ thống Oxford có tới 39 colleges cộng thêm sáu đại học nhỏ về tôn giáo. Một trong những trường đó mà họ đang muốn đổi tên là Linacre College, sáp nhập vào Oxford hồi năm 1962. So với chiều dài lịch sử của hệ thống Đại Học Oxford thì nó không phải là mới, nhưng việc đổi tên ở đây mình phải nhớ Linacre College chỉ là một trong 39 trường nhỏ trong hệ thống Đại Học Oxford”. 

Theo báo The Guardian thì “món quà tặng” cho trường là của bà Phương Thảo, nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam, người có khối tài sản 2,8 tỷ USD và được xếp ở vị trí thứ 1.111 trong danh sách tỷ phú đô la năm 2021 do Forbes công bố. Bà là người đồng sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hãng hàng không VietJet Air.

Việc nữ tỷ phú VN tặng tiền cho một trường Đại học ở Anh gây xôn xao dư luận tại VN và cả ở các nước khác vì số tiền tặng được bà Thảo trao hết một lần chứ không phải hàng năm như những trường hợp khác trước đó. Các trang blog trong nước cũng đã trích dịch lại thông tin này từ nhiều nguồn khác nhau, song đã gây ít nhiều hiểu lầm về khoản đổi tên như đã nói.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của VietJet Air. Hình: AFP

Trong khi đó thì trang VietTimes, tạp chí điện tử của Hội Truyền Thông Số Việt Nam, có bản tin khá trung thực với tựa đề “Một Trường Thuộc Viện Đại Học Oxford Muốn Mang Tên Tỷ Phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Vì Sao?”. 

Xung quanh vấn đề đổi tên của một trường đại học ở Anh vì lý do được một nữ tỷ phú VN tặng tiền, Giáo sư, nhà giáo dục Mạc Văn Trang nhận định:

“Đến 50 tỷ Đô La hay 50 tỷ Bảng thì người ta cũng không thể nào đổi tên. Lịch sử và giá trị của Oxford thì không tiền nào mua được danh hiệu đó cả. Chỉ là một college thôi, gọi là Thảo College”.  

Đặt tên hay đổi tên một cơ sở giáo dục trong đại học là chuyện có thể xảy ra, còn thay tên một đại học chính không phải chuyện dễ, là phát biểu của bà Dương Kim Mỹ, người Mỹ gốc Việt thành đạt, đã tài trợ cho một Trường Kỹ Sư ở Virginia và một Trung Tâm Dịch Vụ Sinh Viên ở Maryland:

Chúng tôi, Long Nguyễn và Kim Mỹ Dương, cách đây 10 năm có cho đại học George Mason năm triệu USD để xây cái trường Engineering School. Thành ra họ đặt tên là Long & Kimmy Nguyên Engineering Building”

Cách đây không lâu thì chúng tôi có tặng cho Montgomery College (đại học cộng đồng) một triệu USD, đã làm lễ khánh thành hôm 28/10/2021. Họ chỉ nêu tên chúng tôi trên cái building đó chứ không đổi tên trường. Montgomery College vẫn là Montgomery College, cũng như George Mason University vẫn là George Mason University”.    

kimmycollege.jpeg
Long Nguyen and Kimmy Duong Student Service Center ở Đại học George Mason, VN, Mỹ

Có tiếng hay mang tiếng?

Tại Oxford, vẫn tin trên báo The Guardian, đã có nhiều ý kiến thắc mắc về khoản quyên góp của bà Phương Thảo.

Nhiều người đặt câu hỏi rằng kinh doanh của Tập đoàn Sovico do bà Thảo làm Chủ tịch bao gồm cả việc thăm dò dầu khí ngoài khơi, tài trợ nhiên liệu hóa thạch và hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, thì liệu đổi tên “Thao college” có đúng với tiêu chí “môi trường xanh” của Oxford không (?!).

Tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh giải thích thêm về vấn đề này:

“Theo bài viết trên The Guardian thì có hai luồng dư luận chính. Một là số tiền đủ lớn để người ân nhân đó đáng được ghi nhận, chuyện đổi tên cũng không phải lần đầu xảy ra. Một điểm nữa là đại học nhỏ đó không có quá trình lịch sử lâu dài nên việc đổi tên không phải là vấn đề lớn”

“Phía chống đối thì không chống việc đổi tên nhưng nói là theo nghiên cứu của họ thì bà Thảo đứng đầu Sovico là công ty dùng rất nhiều nhiên liệu không phải từ thiên nhiên. Mà trường đại học đó lại muốn đi về hướng môi trường xanh. Họ thấy hai chuyện đó đối ngược nhau thì họ lên tiếng phản đối”.  

Báo the Guardian còn dẫn lời Tiến sĩ Maria Kawthar Daouda, giảng viên văn học Pháp tại Oxford, nói với tờ Telegraph rằng không nên thay đổi tên trường đại học chỉ vì “một món quà lớn đã được thực hiện”, rằng “Sự biết ơn đối với số tiền của bà Thảo có thể được thể hiện theo những cách không xóa bỏ ý nghĩa của việc quyên góp”.

Được biết Tập đoàn Sovico đã cam kết là tất cả các công ty con của họ phải đạt mức carbon ròng bằng 0 vào cuối năm 2050.

Còn dư luận trong nước đối với việc này ra sao? Một blogger  không muốn nêu danh tánh, viết cho RFA như sau:

Nói thẳng mình có ý cụ thể như này: một doanh nghiệp tư nhân trong cơn khủng hoảng này mà lại có sẵn một số tiền lớn để tài trợ một đại học, chuyện đó cần phải đánh dấu hỏi. Thứ hai nữa là các công ty kinh doanh bình thường của Việt Nam mà giàu nhanh, giàu xổi là người ta có vấn đề của người ta”

“Một đại học lớn mà nói chính xác là ‘đặt cược’ danh tiếng của mình vào một doanh nghiệp giàu xổi, giàu bất bình thường và người dân nghi vấn thì mình cho đấy là ngây thơ. Những đại gia Việt Nam giàu xổi như thế thì kinh doanh đó có liên quan đến rửa tiền hay tham nhũng không? Phải hiểu là ông Tổng Bí thư đang đốt lò ầm ầm ở Việt Nam, thì bất cứ một ngày nào đó ông Tổng Bí thư moi một cái doanh nghiệp giàu xổi nào ra để tống vào lò thì cái trường đó mất danh tiếng rất nhiều. Mình nói ngây thơ là ở chỗ đó”.

Giáo sư Mạc Văn Trang lại cho rằng ông không ngạc nhiên chuyện Linacre College muốn đổi sang tên Thảo College, chỉ có điều ông thấy tiếc, vì:

Nhiều người nói là nước mình người dân còn khổ quá, nhiều trường học vùng sâu vùng cao vô cùng là tồi tàn, giáo viên ở đó thậm chí không có lấy cái nhà đàng hoàng tử tế để ở. Thế mà lại không giúp đồng bào của mình mà lại đem tiền đi giúp một đại học giàu có như vậy thì người ta thấy ngược đời, khó hiểu, không đồng tình. Mình cũng có cảm giác như thế”.

Xem ra chuyện đổi tên ở một trường thuộc Đại Học Oxford không đơn giản mà phải chờ một thời gian nữa, vào khi dư luận trên mạng khen thì ít mà chê thì nhiều về món quà tặng của CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo.   

Related posts