Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam vừa yêu cầu xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa , xã hội trên biển. Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu vừa nêu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa hôm 13/3/2022.
Cụ thể, ông Chính yêu cầu tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các bộ, ngành tập trung nhiều hơn nữa cho công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng, khi trả lời RFA hôm 14/3, cho biết ý kiến của mình về yêu cầu này:
“Hiện nay ở quần đảo Trường Sa dân cư rất thưa thớt, nhưng nó cũng hình thành nét văn hóa riêng, cũng có chùa, trường học, chợ… Như đảo Trường Sa lớn cũng có cảng cá, kho lạnh, cung cấp dầu… để cung cấp cho nghề cá ở đó… Nhưng nếu nói đó là trung tâm văn hóa kỹ thuật như trong đất liền thì nó không thể. Ngay cả việc hình thành một khu dân cư cũng không đầy đủ để hình thành. Thành ra nói như thông tin gần đây thì khó. Tuy nhiên nếu nói thêm khối ngư dân đánh bắt gần đó, thì việc có một cụm có những cơ sở kinh tế như vậy, hoặc tốt hơn nữa như cảng sửa chữa, thêm kho lạnh… thì tốt hơn.”
Theo ông Trần Văn Lĩnh, nếu một thị tứ như vậy phát triển thì ngư dân sẽ vào và thời gian ở lại bến sẽ lâu hơn… Nhưng ông Lĩnh cho rằng việc thực hiện sẽ khó khăn vì nhiều yếu tố khác:
“Nói chung theo như Thủ tướng nói thì chỉ là định hướng thôi, chứ còn phát triển như thế nào nó còn tùy thuộc mật độ dân cư ngay trên khu vực Trường Sa và ngư dân đang đánh cá khu vực đó có muốn vào hay không?”
Theo như Thủ tướng nói thì chỉ là định hướng thôi, chứ còn phát triển như thế nào nó còn tùy thuộc mật độ dân cư ngay trên khu vực Trường Sa và ngư dân đang đánh cá khu vực đó có muốn vào hay không?
-Ông Trần Văn Lĩnh
Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, dân số toàn huyện Trường Sa là 195 người, trong đó khu vực thị trấn Trường Sa là 82 người.
Đến năm 2013, theo truyền thông Nhà nước, Việt Nam đã chuyển thêm gần 100 người ra sinh sống và làm việc tại huyện đảo Trường Sa… Một động thái được cho nhằm khẳng định chủ quyền.
Tuy nhiên theo Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở trung ương về dân số tỉnh Khánh Hòa đến 01 tháng 4 năm 2019…, dân số toàn huyện Trường Sa chỉ còn 93 người, trong đó khu vực thị trấn Trường Sa là 30 người.
Ông Lĩnh cho rằng, muốn tăng mật độ dân cư trên quần đảo Trường Sa và tăng mật độ ngư dân đánh bắt ở khu vực đó thì quan trọng nhất là Chính phủ phải đảm bảo được an ninh:
“Để thu hút dân cư vào đó thì phải có chính sách làm sao an ninh vùng biển đó phải được bảo đảm tương đối tốt để ngư dân yên tâm không bị xua đuổi, cướp bóc, tấn công… Thứ hai là hạ tầng phải tốt như cảng phải đủ lớn để tránh bão an toàn. Thứ ba phải có tiện nghi cần thiết như nước ngọt, dầu, y tế, phục vụ hậu cần tiếp vận… Thứ tư là phải có kho lạnh và vận chuyển hải sản vào bờ, như vậy ngư dân mới không phải quay về đất liền… Có như vậy thì dần dần mới hình thành cụm dân cư được.”
Khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vùng ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Những năm gần đây, tàu Trung Quốc đã nhiều lần tấn công, bắt giữ, thậm chí đòi tiền chuộc đối với ngư dân Việt Nam.
Các nước hiện đòi chủ quyền từng phần hay toàn bộ đối với quần đảo này bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Quần đảo Trường Sa cách thành phố Cam Ranh 248 hải lý và cách thành phố Vũng Tàu 305 hải lý… là một tập hợp hơn một trăm đảo nhỏ, bãi đá ngầm… bao bọc một vùng biển rộng khoảng 198.964 km². Ba đảo có diện tích đứng đầu Trường Sa theo thứ tự giảm dần, là đảo Ba Bình khoảng 0,4896 km², đảo Thị Tứ khoảng 0,372 km² và đảo Bến Lạc khoảng 0,186 km².
Một người dân miền Trung (giấu tên vì lý do an ninh) từng có cơ hội theo tàu cá đến quần đảo Trường Sa cho biết hạ tầng hiện nay ở đó rất thiếu thốn:
“Điện thiếu thốn lắm… nước thì dùng nước mưa… có mưa thì có nước… không có mưa thì không có nước…”
Những ngày qua, báo chí Nhà nước Việt Nam dồn dập đăng tải thông tin về các hoạt động của giới lãnh đạo Việt Nam liên quan việc tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong các trận chiến bảo vệ chủ quyền trước Trung Quốc xâm lược. Điều này được cho là khác hẳn mọi năm.
Trong khi hàng năm, báo chí Trung Quốc vẫn nhắc lại việc này như một chiến thắng, còn phía Việt Nam thì im lặng, đến những năm gần đây mới dè dặt đề cập đến. Vì sao báo chí thời điểm này lại tuyên truyền nhiều về hoạt động của các lãnh đạo cấp cao liên quan Trường Sa và các cuộc chiến chống Trung Quốc?
Thật ra trước đây một vài năm, hoạt động đó không rầm rộ lắm, riêng năm nay có vẻ rầm rộ hơn… Theo tôi, càng về sau này, ban lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN càng nhận thức rõ con đường mình cần phải đi, để làm sao cho phù hợp với lòng dân, và cũng phù hợp xu thế của thời đại…
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Nhà báo Võ Văn Tạo khi trả lời RFA vào ngày 14/3 cho rằng năm nay trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có hiện tượng đặc biệt, không chỉ Thủ tướng Phạm Minh Chính đến khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa… mà trước đó ông Chính và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đi thăm hai nghĩa trang liệt sĩ ở hai tỉnh biên giới là Quảng Ninh và Hà Giang là nơi yên nghỉ của các liệt sĩ Việt Nam hy sinh khi chiến đầu chống Trung Quốc xâm lăng năm 1979. Theo nhà báo Võ Văn Tạo, đó là những dấu hiệu lạ. Liên quan việc báo chí Nhà nước loan tin rầm rộ về việc này, ông Tạo nhận định:
“Thật ra trước đây một vài năm, hoạt động đó không rầm rộ lắm, riêng năm nay có vẻ rầm rộ hơn… Theo tôi, càng về sau này, ban lãnh đạo chóp bu của Đảng CSVN càng nhận thức rõ con đường mình cần phải đi, để làm sao cho phù hợp với lòng dân, và cũng phù hợp xu thế của thời đại…”
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, trước đây Đảng CSVN đã chọn con đường sai lầm trong quan hệ với Trung Quốc:
“Sau bao nhiêu năm, theo tôi Việt Nam đã có quyết định rất sai lầm, khi vào cuối thập niên 80 đầu 90, ban lãnh đạo Đảng CSVN đã phạm một sai lầm… mà sau này có rất nhiều người, ngay cả cán bộ cấp cao của Đảng cũng thấy đó là sai lầm… Đó là đang từ chỗ coi Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất thì lại kết thân với Trung Quốc xin hòa giải. Sau Hội nghị Thành Đô đó thì hai bên có bàn bạc nhiều vấn đề, trong đó có việc khá quan trọng là hai bên không nhắc lại những chuyện xích mích, tranh chấp, cũng như là chiến tranh xung đột giữa hai bên… để mà giữ hòa khí và cùng mục tiêu bảo vệ Chủ nghĩa Xã hội trên phạm vi toàn thế giới.”
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, đó là lý do suốt thời gian dài chuyện Việt Nam – Trung Quốc đụng độ trên biển lẫn trên bộ… đều bị ém nhẹm trên báo chí Việt Nam.