Nhân việc Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) công bố bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022 vào ngày Tự do báo chí Quốc tế 3/5, một nhà báo độc lập nhận định rằng, bên cạnh bắt bở bỏ tù các nhà báo độc lập, Nhà nước Việt Nam còn “chống lưng” cho các hội nhóm tung tin giả. Đó cũng là lý do khiến tình nền báo chí Việt Nam vẫn tồi tệ và luôn ổn định đứng cuối trong các bảng đánh giá về Tự do báo chí.
Luôn thuộc nhóm chót bảng về Tự do báo chí
Trong bảng xếp hạng này, RFS xếp Việt Nam xếp ở vị trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, tăng một hạng so với năm ngoái, và là quốc gia có số nhà báo bị bỏ tù đứng thứ ba trên Thế giới.
RSF nhận định, các phương tiện truyền thông chính thống của Việt Nam bị đảng Cộng sản kiểm soát chặt chẽ khiến nhiều phóng viên và blogger độc lập bị bỏ tù. Tổ chức này thống kế Việt Nam hiện có 41 nhà báo bị bỏ tù. Bộ máy đàn áp của Nhà nước bỏ tù tất cả nhà báo xuất phát từ xã hội dân sự, chẳng hạn như Báo Sạch, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, hay bà Phạm Đoan Trang, người được trao Giải Tự do Báo chí RSF năm 2019.
Theo RSF, trong khu vực, Chỉ số Tự do Báo chí của Việt Nam xếp dưới các nước láng giềng như Lào và Campuchia, đứng trên một số nước như Trung Quốc (175), Myanmar (176) và chót bảng là Bắc Hàn (180).
Ông Nguyễn Gia Quốc, đại diện Hội nhà báo Độc lập Việt Nam ở hải ngoại đánh giá tình hình tự do báo chí ở Việt Nam trong những năm vừa qua vẫn tồi tệ, bằng chứng là các thành viên chủ chốt của hội đều đã bị bắt và đang chịu những bản án rất nặng:
“Tình hình tự do báo chí của Việt Nam năm vừa rồi cũng chẳng có gì thay đổi so với từ trước đến giờ. Tự do báo chí là phải được ra báo, phải được ấn hành sách vở, báo chí nhưng ở Việt Nam lại không có chuyện đó. Nếu có tự do báo chí thì đâu có những cái vụ bắt những người trong Việt Nam Thời Báo.
Có những tờ báo của Chính phủ bây giờ cũng có một phần tiến bộ, cũng dám nói một số chuyện, chứ không phải giống như những năm trước đó là họ không dám nói một điều gì cả. Ví dụ như trong vụ Ukraine thì bây giờ có vài các tờ báo cũng có những cái ý kiến hơi khác một chút, nhưng nói chung sự khác nhau đó cũng phải nằm trong khuôn khổ Chính quyền cho phép.”
Luật sư Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luật khoa Tạp chí khẳng định tình hình tự do báo chí ở Việt Nam rất ổn định, luôn luôn xếp gần cuối bảng, theo các bảng xếp hạng tự báo chí:
“Chuyện nó tệ thế nào chắc tôi không cần nói thêm. Tôi chỉ muốn nói rằng bất chấp mọi thứ tồi tệ, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi lớn của công chúng trong việc lựa chọn và hấp thụ thông tin. Công chúng đang lên tiếng mạnh mẽ trong việc bác bỏ các kênh tuyên truyền của nhà nước và chào đón các kênh truyền thông thay thế. Với một công chúng như vậy, chuyện báo chí phi nhà nước nở rộ chỉ là chuyện thời gian.”
Bản báo cáo của tổ chức Freedom House được công bố ngày 21/9/2021 lại xếp Việt Nam vào nhóm các Quốc gia không có tự do trên mạng Internet. Theo thang đánh giá với số điểm tự do nhất là 100 và ít tự do nhất là 0, Việt Nam năm nay ở mức 22 điểm, trong đó 12 điểm về những trở ngại tiếp cận, 6 điểm về giới hạn nội dung và 4 điểm về những vi phạm quyền của người sử dụng.
Chính quyền “chống lưng” cho nạn tin vịt?
Ngoài đàn áp những người làm truyền thông đọc lập, Bộ máy kiểm duyệt còn thực hiện một số biện pháp khác để hạn chế Tự do báo chí ở Việt Nam, ví dụ như trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách “chống lưng” cho việc lan truyền tin giả, hay định hướng dư luận bằng những thông tin “giật gân”.
Có thể thấy rõ nét qua sự kiện Nga xâm lược Ukraine đang diễn ra. Trong suốt khoảng hai tháng qua, các fanpage lớn chuyên tuyên truyền cho đảng như Đơn vị Tác Chiến Mạng, Truy Quét Phản Động, Bộ Tự lệnh Tác Chiến, Cùng Troll Phản động, và Trung Đoàn 47… đều đăng thông tin, các bài phân tích bình luận, thậm chí là tin giả để tuyên truyền theo bênh vực Nga và Putin.
Ông Nguyễn Gia Quốc cũng xác nhận có tình trạng tin giả lan tràn trên các nền tảng mạng xã hội. Ông quan sát thấy rằng liên quan đến cuộc chiến Nga và Ukraine, có một số facebooker, được cho là có sức ảnh hưởng tới cộng đồng chủ động đăng những thông tin không đúng sự thật, nhưng lại không bị cơ quan hữu trách xử lý, giống như cách họ đã luôn làm với những người đăng tin giả khác:
“Một số Facebooker người nổi tiếng, ví dụ như của ông Đại tá Quân đội Nhân dân Trịnh Lê Hoài Nam, ông ấy đứng hẳn về Nga và lấy những tin tức không đúng từ những tin tức của Nga và viết rất nhiều những điều sai trái, đặc biệt ông ấy chửi những người bênh vực Ukraine.”
Bình luận về vấn nạn tin giả, ông Trịnh Hữu Long nói Chính quyền Việt Nam chắc chắn vừa là người trực tiếp, công khai tung tin vịt, vừa “chống lưng” cho nhiều nguồn tin vịt có độ phủ rất lớn. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện các tác nhân phi nhà nước chủ động tung tin vịt và cũng rất thành công. Chính quyền không phải là thủ phạm duy nhất, nhưng chắc chắn là thủ phạm chính và là thủ phạm có nguồn lực dồi dào nhất:
“Tôi nghĩ tin vịt lan tràn và bùng nổ ở nước ta gần đây trong môi trường mạng xã hội khi phần lớn công chúng còn chưa kịp biết mặt mũi một cơ quan báo chí, một kênh truyền thông đáng tin là thế nào, và làm thế nào để nhận diện được tin vịt.
Chúng ta hưởng trọn một thảm hoạ, có thể nói là một đại dịch tin vịt thời đại mới, có quy mô toàn cầu, nhưng thể trạng của chúng ta quá yếu so với các nước khác, và “vaccine” thì cũng về quá trễ và quá ít so với các nước khác. Nhưng thôi thì cũng phải chịu để từ nay về sau chúng ta tỉnh táo hơn trước những thông tin được bày ra trước mặt.”
Còn về tình trạng định hướng dư luận, ông Long cho khẳng định chắc chắn là có và điều đã được ban hành thành luật:
“Chuyện định hướng dư luận được ghi rõ trong Luật Báo chí, Điều lệ của Hội Nhà báo cũng như các loại văn bản chỉ đạo của Đảng Cộng sản và chính quyền.
Mức độ của nó là bao trùm, toàn diện, và sâu sắc. Đó là công cụ cai trị chính của một chính quyền chuyên chế. Chuyện này đã được bàn nhiều, người Việt Nam chắc đều hiểu rõ.”
Theo Luật Báo chí năm 2016, rại Điều 4 về “Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí” quy định một trong những nhiệm vụ của báo chí là “Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân”.
Mức độ, trình độ kiểm duyệt cao hơn trước
Luật sư Trịnh Hữu Long cho rằng môi trường tin vịt đang là cái cớ để chính quyền ban hành nhiều quy định siết chặt tự do báo chí, tự do ngôn luận hơn, chẳng hạn Luật An ninh mạng 2018 và Nghị định 15/2020. Đó cũng là cái cớ để họ chính danh hóa việc ép các công ty công nghệ như Google hay Facebook kiểm duyệt nội dung ở Việt Nam. Cánh tay kiểm duyệt đã vươn xa hơn rất nhiều so với trước đây, và cũng hoạt động ở trình độ cao hơn hẳn so với thời họ còn lúng túng với Internet:
“Tôi rất tiếc là nhiều cá nhân, tổ chức phản biện cũng góp phần tung tin vịt, vô hình trung giúp cho chính quyền có thêm cớ để vươn vòi kiểm duyệt ra xa hơn, củng cố hơn nữa bộ máy kiểm duyệt của họ.
Chỉ có sự thật mới chiến thắng được bộ máy tuyên truyền định hướng dư luận của chính quyền. Không có gì mạnh bằng sự thật. Và chính quyền cũng không sợ gì hơn thế. Ta sẽ huỷ hoại tính chính danh – vốn đang còn ít ỏi – của báo chí độc lập và truyền thông độc lập nếu rời xa sự thật và tiếp tay cho tin vịt. Và như vậy, ta sẽ tự sát chứ không cần chờ chính quyền bắt bớ. Bức tranh báo chí khi đó sẽ ảm đạm hơn rất nhiều.”
Hôm 20/4, hãng tin Reuters công bố bản tin về việc Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ thông qua một luật mới nhằm siết chặt quản lý mạng xã hội. Theo đó, yêu cầu các công ty sở hữu mạng xã hội có nhiều người dùng ở Việt Nam như Facebook, YouTube, TikTok… phải gỡ bỏ nội dung “chống chính quyền”, hay được cho là vi phạm pháp luật trong vòng 24 tiếng. Nếu không đáp ứng thời hạn do Chính phủ đặt ra thì nền tảng của công ty đó có thể bị cấm ở Việt Nam.