Từ sau 18 giờ, người dân TPHCM cứ việc ra đường

Hãy nghe tôi nói…

Hôm trước, một người đàn ông live stream cảnh bị chốt cảnh sát Long An không cho qua với lý do địa phương đang phong tỏa, “tỉnh cách ly với tỉnh, huyện cách ly với huyện”. Đáng nói, người này là bác sĩ, tình nguyện viên chống dịch, đang trên đường làm việc và có mang theo đầy đủ giấy tờ cần thiết (giấy xác nhận tình nguyện viên, giấy tờ xe…)

Ôi thiết yếu làm đau đầu tôi

Nhiều ngày trước, đã từng có các chuyến xe chở oxy lỏng (để chiết ra bình oxy cung cấp cho bệnh nhân và cho hệ thống máy thở ở bệnh viện) và xe chở thiết bị vật tư y tế bị các chốt giao thông ách lại với lý do chở hàng không thiết yếu.

Thậm chí xe chở bệnh nhân đi cấp cứu cũng không được cho qua cùng với lý do trên. Cuối cùng, họ phải chọn cách đi vòng hết 45 phút để đến được bệnh viện, thay vì chỉ mất bảy phút nếu đi đường thẳng (vụ việc xảy ra ở Hà Nội).

GrabBike ở Sài Gòn giao cục sạc điện thoại cho người mua bị ách lại. Người cảnh sát trực chốt không biết anh ta đã vi phạm pháp luật về quyền tài sản cá nhân khi buộc shipper mở gói hàng ra để kiểm tra, xem có phải hàng thiết yếu không.

Tiểu thương chở rau từ miền Tây lên Sài Gòn phải chất trái cây xuống dưới, phủ rau lên trên, vì chốt bảo rau là hàng hóa thiết yếu, trái cây thì không. Y như anh phó phường ở Nha Trang giáo huấn rằng bánh mì là thức ăn chứ không phải thực phẩm, không phải hàng thiết yếu.

Có doanh nghiệp chở bột mì để chế biến bún miến, cũng bị ách.

Chỉ vài câu chữ trong văn bản thế nhưng gây ách tắc, đứt gãy cả chuỗi cung ứng hàng hóa giữa các vùng. Xe chở nguyên liệu và máy móc bị phụ thuộc luồng xanh và mã code, tài xế bị bắt xét nghiệm liên tục và cách ly sau khi đến vùng dịch khiến doanh nghiệp đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, đơn hàng không hoàn thành hoặc không giao được.

Đây là lỗi sai rất không đáng để xảy ra. Sau gần hai tháng trời áp dụng luật kiểu “thời chiến” ách tắc, đội giá, nhốn nháo, cuối cùng nó được sửa bằng một quyết định đơn giản của Phó thủ tướng Lê Văn Thành.

Đó là quay trở  lại với pháp luật “thời bình”: cứ hàng hóa thì được lưu thông, miễn không phải hàng cấm.

Lẽ ra nó phải được minh bạch ngay từ đầu.

Trả giá cho chưa tới chục chữ mơ hồ trong văn bản là hàng ngàn tỷ đồng đã trôi tiêu.

Cộng với sự oan uổng, ấm ức, giận dữ, hoài nghi về năng lực quản trị của chính quyền.

Đến chỉ thị về phong tỏa các địa phương có dịch

Cũng chừa chỗ hở cho vi phạm y như vậy.

Công văn 2468 của UBND TPHCM quy định “Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết để cấp cứu, mua thực phẩm thiết yếu tại những nơi cung cấp theo quy định và đi làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động.”
TPHCM đã giãn cách và cách ly xã hội hơn hai tháng. Các thiết bị phục vụ sinh hoạt và làm việc đều có thể hỏng hóc và cần sửa chữa hay mua mới. Cục sạc điện thoại có cần không? Không có nó làm sao dùng điện thoại để thông tin liên lạc? Tủ lạnh hỏng, không có cái mới thì trữ thực phẩm bằng cách nào? Chiếc kính mắt gãy vỡ, đèn hỏng, ti vi hư, máy giặt trục trặc, xe máy hết bình, bịch bột giặt cạn, pin các thiết bị y tế cá nhân hết, nồi cơm cháy, bếp gas không lên lửa, băng vệ sinh phụ nữ, bỉm cho trẻ con người già… không mua, không sửa thì làm sao sống?
Ấy thế nhưng nếu đằng thắng đối chiếu với mệnh lệnh của thành phố thì tất cả hành vi mua bán kể trên đều bị cấm. Vì nó có thuộc loại “cấp cứu y tế” hay “mua thực phẩm thiết yếu” đâu!

Thực tế, mười mấy triệu người ở TP HCM (các địa phương vùng dịch khác cũng thực hiện y như vậy) vẫn mua bán tất cả mọi thứ mình cần cho một đời sống bình thường, nghĩa là vi phạm quy định liên tục.

Nhưng sự vi phạm này lại hợp lý một cách hiển nhiên nên chẳng ai thắc mắc.

Mãi đến khi ở các điểm nghẽn, người dân và doanh nghiệp phát điên lên vì “thiết yếu”, áp lực xã hội lớn đến mức chính phủ phải hướng dẫn lại như đã nói.

Thế nhưng cho đến nay việc thực hiện quy định này vẫn mỗi nơi một cách, vẫn loạn cào cào.

Người dân sống trong khu phong toả do dịch bệnh COVID-19 ở TPHCM nhận thực phẩm qua hàng rào hôm 20/7/2021. Hình: Reuters

Và quy định về giới nghiêm

Cũng như quy định về phong tỏa trước đó (nội dung là phong tỏa nhưng văn bản không có chữ phong tỏa, và lãnh đạo TP HCM cũng khuyên người dân không nên hiểu là phong tỏa-thực sự khiến trí não người dân xoay vần như chiếc phong vũ biểu), quyết định giới nghiêm được yêu cầu không hiểu là giới nghiêm.

Tại cuộc họp tối 25/7, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu: “Bắt đầu từ ngày 26/7, sau 18h mỗi ngày, người dân KHÔNG NÊN ra đường”.
Hiểu chính xác là gì? Là người dân NÊN hạn chế, bớt ra đường.

Ngôn ngữ thể hiện trong yêu cầu này chỉ là một lời khuyên, nên làm điều này và không nên làm điều kia. Vì nó không có tính BẮT BUỘC, nên người được khuyên có quyền không nghe, không tuân thủ.

Bám chặt ngữ nghĩa mà xét như vậy, quy định giới nghiêm không hề cấm người dân ra đường sau 18h.
Suy ra, tất cả các chốt kiểm soát đều là sai trái. Cảnh sát xé biên bản phạt tiền người dân ra đường là hoàn toàn sai trái.

Không “ra” đường, vậy người dân ngồi trước cửa nhà mình nói chuyện với nhà hàng xóm, có được không?

Lẽ ra, để đạt được mục đích hạn chế giao tiếp, cấm người dân ra đường sau 18h, ngôn ngữ văn bản này phải được viết thành: “Từ 18h đến 06 giờ mỗi ngày, mọi người dân chỉ được ở trong nhà/nơi cư trú, trừ các trường hợp ngoại lệ”. Hay nhấn mạnh hơn, thì bằng câu: “Cấm tuyệt đối mọi trường hợp di chuyển ra khỏi nhà/nơi cư trú, trừ các trường hợp ngoại lệ”…v.v
Nguyên tắc của văn bản pháp quy- đặc biệt trong bối cảnh thời chiến chống dịch như chống giặc hiện tại- là phải hết sức ngắn gọn, chính xác và không thể hiểu theo nhiều nghĩa, không thể suy diễn, không thể suy đoán, không thể “vận dụng” mà chỉ được áp dụng. Và phải áp dụng như nhau trên mọi địa bàn, mọi hoàn cảnh, với mọi người.

Muốn cho người thực hiện thì thực hiện đúng hành vi được cho phép, không thể làm những hành vi không được cho phép; người kiểm soát không lạm dụng hoạnh họe hạch sách; nhà quản trị thông qua các hoạt động được điều chỉnh đạt được mục đích quản trị xã hội… thì trước nhất các quy định pháp luật phải minh bạch và thống nhất.
Nếu không thì vừa ra quyết định đã sai, càng làm càng sai, sai thì gây thiệt hại, gây thiệt hại thì tốn tiền, mất cơ hội sửa và càng xói mòn lòng tin của người dân.

Mong muốn chính quyền các cấp của Việt Nam sớm nhận ra điều này. Cần bổ sung vào các Ban chỉ đạo chống dịch những chuyên viên soạn thảo văn bản pháp luật lành nghề và am hiểu pháp luật. Phải đảm bảo tính khả thi của các mệnh lệnh bằng sự phù hợp với thực tế cuộc sống. Điều này, trong chuyên môn được thực hiện bằng cách nhận góp ý của các tầng lớp, các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội. Thời chiến thì thông qua đại diện của họ.

———————

Tham khảo:

http://baochinhphu.vn/Thong-cao-bao-chi/Chi-dao-cua-Pho-Thu-tuong-Le-Van-Thanh-ve-viec-van-chuyen-hang-hoa-thiet-yeu-phuc-vu-doi-song-nguoi-dan-vung-co-dich-COVID19/439900.vgp

https://thanhnien.vn/doi-song/banh-mi-khong-phai-thuc-pham-thiet-yeu-va-noi-buon-mat-viec-cua-nan-nhan-1417174.html

https://tuoitre.vn/tu-0h-ngay-2-8-tp-hcm-tiep-tuc-gian-cach-xa-hoi-theo-chi-thi-16-them-14-ngay-2021080112264013.htm

https://tuoitre.vn/nguoi-dan-tp-hcm-khong-ra-duong-sau-18h-hang-ngay-bat-dau-tu-26-7-20210725194823154.htm

https://www.baogiaothong.vn/giao-tu-lanh-cuc-sac-dien-thoai-nhieu-shipper-bi-phat-tien-d517640.html

https://www.baogiaothong.vn/giao-tu-lanh-cuc-sac-dien-thoai-nhieu-shipper-bi-phat-tien-d517640.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts