Nhà báo Phạm Đoan Trang trong phiên tòa phúc thẩm vừa qua từ chối cho phép phóng viên báo Nhà nước chụp ảnh hay quay phim, tuy nhiên hình ảnh của nhà báo này sau đó vẫn được nhiều tờ báo đăng tải. Hành vi này theo pháp lệnh mới có thể bị phạt tiền từ bảy triệu đến 15 triệu đồng.
Văn phòng Chủ tịch nước sáng 29/8 họp báo công bố Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trong đó quy định phạt hành chính đối với hành vi: ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên toà xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ toạ phiên toà về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên toà xét xử vụ án hình sự.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người thường bào chữa trong các phiên tòa xử người bất đồng chính kiến cho biết, quyền nhân thân của các bị cáo cụ thể là quyền của cá nhân đối với hình ảnh thường bị vi phạm bởi phóng viên báo Nhà nước hay phóng viên báo-truyền hình Công an.
Luật sư Miếng nói với Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Trong tất cả những phiên toà về án an ninh quốc gia, nói chung là án về chính trị, hầu như những hình ảnh đó (hình ảnh về bị cáo- PV) là đều do báo của Nhà nước hoặc cơ quan an ninh họ cho người vào để chụp hình làm tư liệu cho việc truyền thông của họ.”
Ông dẫn chứng bằng phiên toà phúc thẩm xử nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bởi Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội ngày 25/8 vừa qua.
Ông cho biết khi bà Trang mới được đưa vào phòng xử án, tay vẫn còn bị còng thì đã có một phóng viên quay video và một phóng viên chụp hình. Khi người chụp hình giơ máy ảnh lên chụp bà Trang, bà đã phản đối, nói không được chụp hình.
Do người này vẫn cố chụp nên bà Trang ngồi xuống ghế nên người này không chụp được. Thấy thế, cảnh sát hỗ trợ tư pháp đến bắt bà đứng dậy để cho phóng viên chụp hình khi phiên toà chưa bắt đầu, khiến nhà hoạt động này cầm chai nước che mặt.
Vị luật sư này cho biết, trong quá trình xử án, phóng viên nêu trên lại xông đến chụp hình bà Trang, buộc thân chủ của ông lớn tiếng phản đối với toà. Bên toà có nói rằng đây là phiên toà công khai nên phóng viên hoạt động để phục vụ truyền thông.
Đến lúc này nhóm bốn luật sư bào chữa lên tiếng bảo vệ cho quyền nhân thân của thân chủ, buộc chủ toạ phiên toà phải yêu cầu hai phóng viên không được chụp hình.
Luật sư Miếng cho biết các luật sư đề nghị chủ toạ phiên toà yêu cầu xoá các tấm hình đã chụp. Tuy nhiên, sau khi phiên toà chấm dứt, các hình ảnh đó vẫn tràn lan trên báo chí Nhà nước để nguồn Thông tấn xã Việt Nam.
Luật sư Miếng đánh giá về phản ứng của chủ toạ phiên toà:
“Tôi thấy đây là là việc tiến bộ trong phiên xét xử Đoan Trang. Hội đồng xét xử cũng như Viện kiểm sát ban đầu không quan tâm đến việc này (việc chụp hình vi phạm quyền nhân thân- PV) nhưng trước yêu cầu chính đáng của Đoan Trang và các luật sư, họ đã phải chấp nhận.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong các luật sư bào chữa cho bà Trang trong phiên phúc thẩm bình luận trên trang Facebook cá nhân rằng, với việc hai phóng viên chụp hình nhà hoạt động nổi tiếng này rồi phát tán trên báo chí Nhà nước sau đó, quyền nhân thân về hình ảnh của thân chủ đã bị lờ tảng ngay tại cơ quan bảo vệ pháp luật.
Một luật sư nhân quyền không nêu tên cho rằng, việc bảo vệ quyền riêng tư trong phiên toà không có sự phân biệt, pháp luật không cho phép ai đó được làm ảnh hưởng tới quyền hình ảnh của người khác, trừ một số trường hợp đặc biệt. Ông này nhận định qua tin nhắn như sau:
“Một người dù có bị xét xử trước pháp luật thì việc này cũng không ảnh hưởng tới quyền của họ đối với hình ảnh cá nhân. Do đó việc phóng viên không được cho phép mà tự ý chụp, sử dụng hình ảnh của chị Trang là sai. Hội đồng xét xử không lên tiếng, ngăn chặn việc xâm phạm là chưa làm tròn trách nhiệm.”
Trong buổi họp báo công bố pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/9, Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ nói: “Báo chí có quyền của báo chí, những người khác cũng có quyền công dân. Khi thực hiện quyền của người này thì không được xâm phạm quyền của người khác, đó là nguyên tắc.”