Từ Việt Nam nhìn sang Đài Loan

Mỹ – Trung căng thẳng về Đài Loan, Việt Nam không muốn mất lòng ai cả. Điều đó đúng! Cứ “quan ngại”, cứ “kiên trì”… là thượng sách. Nhưng tại họp báo hàng tuần hôm 11/8/2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao (NPN) dường như mở lòng hơn mọi lần… Câu trả lời của người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng không còn là “đoạn băng” gỡ ra từ cái cassette cũ mèm trước đây. Liệu Việt Nam có cải thiện được phần nào bản lĩnh nhờ nhìn sang Đài Loan (Thấy quỷ không hoảng).

Phải biết cách “đọc vị” Trung Quốc

Trước câu hỏi Hà Nội sẽ làm gì trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung đang tăng như hiện nay, NPN Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam thúc đẩy quan hệ với cả hai nước, mong hai bên kiềm chế vì hòa bình thế giới. Trước căng thẳng Mỹ – Trung hiện nay, bà Hằng khẳng định Mỹ và Trung Quốc đều là các cường quốc và là những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. “Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định cũng như thịnh vượng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam mong muốn hai nước duy trì quan hệ lành mạnh, ổn định, giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại dựa trên luật pháp quốc tế”, tờ Tuổi trẻ trích lại phát biểu của bà Hằng trong cuộc họp báo thường kỳ (1). 

Cũng tại buổi họp báo nói trên, khi được phóng viên của hãng thông tấn Nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã, hỏi về lập trường đối với nguyên tắc “Một Trung Quốc”, bà Hằng tái khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với nguyên tắc mà Bắc Kinh xem là rất quan trọng này. “Lập trường của Việt Nam về vấn đề Đài Loan là nhất quán, được thể hiện trong các văn kiện chung nhân các chuyến thăm cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc,” bà Hằng nói. “Trên cơ sở kiên trì nguyên tắc Một Trung Quốc, Việt Nam mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm gia tăng căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định cũng như thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực cũng như toàn thế giới,” bà nói thêm. Phát biểu của bà Hằng được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa có lời cảnh báo các nước trong khu vực “không được theo đuôi để trình diễn các màn chính trị của Mỹ về Đài Loan”. Ngoại trưởng Vương cảnh báo rằng “có một số nước đang hành xử vì lợi ích chính trị của bản thân và điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền tảng mối quan hệ với Trung Quốc”, theo tường thuật của tờ South China Morning Post (2)

Trên thực tế, chiến lược “dân chủ chống chuyên quyền” của Mỹ và phương Tây gặp những hạn chế nhất định. Trên trang mạng của Viện Quincy, hai nhà nghiên cứu Sina Azodi và Christopher England cho rằng, phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh có logic của nó. Trung Quốc muốn chứng tỏ, họ là một đối thủ ngang hàng với Mỹ và có khả năng trả đũa Mỹ trên nhiều mặt. GDP của Trung Quốc giờ đây cao gấp 17 lần so với hồi 1997. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc cũng tăng gấp 15 lần, từ 15 tỷ trong năm 1997 lên 230 tỷ cho năm 2022, trong khi vẫn tăng đều đặn kho vũ khí hạt nhân để đạt mức 350 đầu đạn như hiện nay. Hơn nữa, chuyến công du này của bà Pelosi đến Đài Loan càng củng cố hơn niềm tin của người dân Trung Quốc, nhất là phe “diều hâu” trong nội bộ Đảng Cộng sản, rằng Mỹ và phương Tây đang nỗ lực “kềm chế” sự trỗi dậy của Trung Quốc, ngăn cản nước này “trỗi dậy” trên trường quốc tế, và việc kêu gọi bảo vệ dân chủ đơn giản chỉ là một cách nói uyển ngữ để thay đổi chế độ. Vẫn theo hai nhà nghiên cứu từ Viện Quincy, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã làm lộ rõ những bất cập trong chiến lược “dân chủ chống chuyên quyền”, mà Tổng thống Biden xem như là một cột trụ trong chính sách đối ngoại nhằm khôi phục lại uy tín của nước Mỹ (3). 

“Kiến quái bất quái”: Thấy quỷ không hoảng!

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) tuyên bố hoàn tất cuộc tập trận trên không và trên biển kéo dài gần một tuần xung quanh đảo Đài Loan. Các hoạt động quân sự này được tung ra sau khi bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, thăm chính quyền Trung Hoa Dân quốc ở Đài Loan (2 – 3/8), bất chấp phản đối từ Bắc Kinh. PLA nay nói cuộc tập trận trên không và trên biển ở cả Hoàng Hải và Biển Đông (TQ gọi là Nam Hải) “đã hoàn tất thành công”. Họ cho biết sẽ tiếp tục tuần tra Eo biển Đài Loan và duy trì “năng lực sẵn sàng chiến đấu”. Đài Loan cáo buộc TQ dùng các cuộc tập trận để thử sức quân đội cho một cuộc xâm lăng, đổ bộ. Theo BBC News hôm 10/08, điều tra dư luận mới nhất cho hay đại đa số người Đài Loan phản đối việc thống nhất với Trung Quốc, quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nền dân chủ Đài Loan và truyền thông tự do ở đây đang ngày càng trở thành một thế lực, khiến hòn đảo được không ít ủng hộ quốc tế.

Nhưng quan trọng hơn, như một số bình luận mới đây, các cuộc diễn tập quân sự nhằm thị uy với người Đài Loan của Trung Quốc chẳng đạt được gì nếu Bắc Kinh thực sự muốn dọa cả Mỹ. Theo ông George Friedman, viết trên trang Geopolitical Futures (09/8), sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi dư luận mới vỡ lẽ là “Trung Quốc không hề có một công cụ nào để gây sức ép với Mỹ”. Việc tập trận của PLA, theo ông, là để hâm nóng lại tuyên truyền chống Đài Loan lâu nay, và tỏ ra quân đội TQ là một đối thủ mạnh của Hoa Kỳ. Thế nhưng, cả về quân sự, và thương mại, Hoa Kỳ vẫn “nắm đằng chuôi” và một cuộc chiến kinh tế, hay quân sự có thủy bộ phối hợp nhằm vào Đài Loan, sẽ đem lại rủi ro lớn cho Trung Quốc, ông Friedman viết. Đơn giản là PLA có nguy cơ thua trận khi phải thực sự đối đầu với Hoa Kỳ. Đa số các ý kiến của báo chí Phương Tây cho rằng Trung Quốc muốn có một thời gian ổn định để tập trung vào kỳ Đại hội Đảng CS lần thứ 20, dự kiến vào tháng 11 năm nay ở Bắc Kinh. Bản thân người Đài Loan xem ra cũng không sợ những hoạt động mang tính đe dọa của Trung Quốc mà họ đã nghe quen. Một điều tra dư luận gần đây nói chỉ có 7% người Đài Loan tin rằng sẽ có xung đột quân sự với Trung Quốc, còn 64% không tin vào điều đó, theo BBC News 07/8/2022 (4). 

Ngay cả khi Bắc Kinh loại trừ việc tái thống nhất một cách hòa bình, những rủi ro đi kèm với một cuộc xâm lược là rất lớn. Không có gì đảm bảo cho sự thành công của Trung Quốc nếu họ xâm lược Đài Loan, ngay cả khi không có sự can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ. Trung Quốc đã không tham gia một cuộc chiến tranh thực sự nào trong 43 năm, kể từ cuộc xâm lược thất bại ở Việt Nam năm 1979. Mặc dù đã đầu tư rất nhiều vào quân đội, nhưng Bắc Kinh chưa có cơ hội để thử nghiệm học thuyết hoặc công nghệ của mình. Bất chấp những tuyên bố của Trung Quốc rằng một cuộc xâm lược sẽ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng, đấy sẽ là một cuộc tấn công đổ bộ với quy mô chưa từng có nhằm vào một đối thủ Đài Loan đã chuẩn bị cho kịch bản trong nhiều thập kỷ — ngay cả khi nước này phải đối mặt với các vấn đề về tinh thần và hậu cần. Sau đó là những rủi ro địa-chính trị của một cuộc xâm lược, quan trọng nhất là khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện với Hoa Kỳ. Mặt khác, có một xu hướng trong giới học thuật quân sự Trung Quốc thực sự tin rằng xâm lược Đài Loan có thể chứng tỏ ý chí vượt trội và đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Rõ ràng, có những câu hỏi về việc Washington sẽ sẵn sàng tham chiến đến đâu và liệu Mỹ có thể bảo vệ Đài Loan hay không (5).

Dù một cuộc tấn công giúp Tập Cận Bình chiếm được Đài Loan, thì lúc đó những khó khăn mới bắt đầu. Kinh tế Trung Quốc và kinh tế cả thế giới sẽ ngưng trệ. Hiện nay Công ty TSMC ở Đài Loan là nguồn cung cấp lớn nhất thế giới, bán 92% các thứ “chip” nhỏ hơn 10 na nô mét (nanometer, một phần tỷ của một mét). Chiến tranh xẩy ra, các công ty Apple, Qualcomm, Nvidia, Samsung không thể hoạt động vì thiếu chíp. Năm ngoái công ty này bán $155 tỷ mỹ kim chất bán dẫn cho Trung Quốc, chỉ mua $21 tỷ các loại chip thô sơ. TSMC và Samsung là hai công ty duy nhất trên thế giới chế tạo các loại chip nhỏ 5 na nô mét, theo nhật báo SCMP ở Hong Kong. Trước khi Trung Quốc động binh, chỉ cần vài chiếc máy bay Boeing là có thể chở hết các kỹ sư và giới quản đốc công ty TSMC đi, và chắc chắn các nước tiên tiến đều muốn đón họ. Trước khi quân PLA tiến vào Đài Bắc, các máy móc sẽ bị phá hủy. Tập Cận Bình biết Đài Loan là miếng “gân gà” khó gặm. Ông phải tỏ ra hung hãn đưa không quân và hải quân bủa vây hòn đảo, chỉ cốt cho dân trong lục địa quên cảnh ngăn sông cấm chợ, kinh tế trì trệ vì COVID. Còn người dân Đài Loan tỏ ra rất bình tĩnh. Họ đã quen với những đe dọa từ thời Mao Trạch Đông, nay họ đề cao chủ trương “Kiến quái bất quái” (Thấy quỷ không hoảng) (6)

________________

Tham khảo:

1. https://tuoitre.vn/bo-ngoai-giao-viet-nam-thuc-day-quan-he-voi-ca-my-va-trung-quoc-20220811161641675.htm

2. https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-trung-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng-v%E1%BB%81-%C4%91%C3%A0i-loan-vi%E1%BB%87t-nam-kh%C3%B4ng-mu%E1%BB%91n-m%E1%BA%A5t-l%C3%B2ng-ai/6697482.html

3. https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20220811-nancy-pelosi-dai-loan-lon-xon-chien-luoc-my

4. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c1ez0klwvy5o

5. https://foreignpolicy.com/2022/08/10/china-taiwan-invasion-reunification-risk/

6. www.voatiengviet.com/a/t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-d%E1%BB%8Da-%C4%91%C3%A0i-loan-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-kh%C3%B4ng-/6696130.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts